Đại biểu Nguyễn Hải Nam phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ |
Góp ý dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Hải Nam (thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh) đánh giá cao những đóng góp cho nền kinh tế của hệ thống ngân hàng trong nhiều năm qua, tuy nhiên thực trạng thua lỗ của ngành ngân hàng buộc Nhà nước phải dùng các nguồn lực, hỗ trợ khắc phục cũng khiến vị đại biểu này trăn trở.
Ông Nam cho rằng, về cơ bản, ngân hàng là doanh nghiệp đặc biệt đáp ứng được các nguyên tắc độc lập khách quan, công khai minh bạch; nội dung của điều khoản trong dự thảo luật đã giảm cổ phần cổ đông lớn trong hoạt động ngân hàng. Dù vậy, quy định này đủ để đảm bảo khắc phục các thực trạng tiêu cực đã xảy ra hay chưa vẫn cần xây dựng cụ thể hơn.
Đại biểu Nam nêu quan điểm, việc các nhóm cổ đông liên kết chi phối, dẫn đến tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng, công ty tài chính đang là thực trạng. Điều này dẫn đến việc lách luật cả về tỉ lệ sở hữu, hạn mức tín dụng cho một đối tượng doanh nghiệp hay một ngành nghề nào đó thông qua “vốn bật tường”. “Câu hỏi đặt ra là các quy định đã đủ khắc phục tình trạng này chưa”, ông Nam nhấn mạnh.
Dẫn chứng bài học về sở hữu chéo của các ngân hàng ở Italia gây hậu quả nặng nề buộc nước này phải dùng giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa; cải tổ khuôn khổ pháp lý để khắc phục, ông Nam phân tích: “Sở hữu chéo là lực cản năng lực cạnh tranh của ngân hàng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra, sở hữu chéo cần có biện pháp xử lý rõ hơn, mạnh hơn. Tại Việt Nam, một số ngân hàng có doanh nghiệp đằng sau, thường là doanh nghiệp bất động sản nên tiềm ẩn sự thao túng”.
Theo ông Nam, để giải quyết vấn đề này cần tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong ngành ngân hàng, đồng thời kiểm soát, giữ được sự trong lành, bền vững cho ngân hàng. Ông Nam cũng đề xuất nên có bộ phận điều tra gian lận tài chính.
Hiện nay, hệ thống ngân hàng đang tạo ra nợ xấu đáng kể, Nghị quyết 42 của Quốc hội là sự nỗ lực lớn để giải quyết vấn đề này, song đại biểu Nam lưu ý, chỉ nên áp dụng nghị quyết này trong một số hoàn cảnh đặc biệt và nên tôn trọng các luật khác.
Về vấn đề cho vay đặc biệt, ông Nam đề nghị cần có tiêu chuẩn, thời điểm cho vay đặc biệt. Ngoài ra, trong dự thảo luật bóng dáng ngân hàng điện tử, ngân hàng số còn sơ sài, các quy định chưa đề cập rõ nét đến các mô hình này để tạo không gian phát triển mới cho ngành ngân hàng.
“Tôi cũng mong muốn quy định của luật cần thể hiện rõ đối với ngân hàng chính sách xã hội để tạo thuận lợi cho ngân hàng này hoạt động. Ngoài ra, hạ tầng kiểm toán, kế toán của Việt Nam chưa bằng quốc tế, nên cũng phải làm tốt việc quản lý các công ty tài chính đã bán hoàn toàn cho nước ngoài”, ông Nam nói.