leftcenterrightdel
 Người yếu thế được tiếp cận với tín dụng để phát triển kinh tế

Nền tảng từ xây dựng chiến lược

Theo các kết quả nghiên cứu, nhóm người khó tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng là người nghèo, những người bị loại khỏi thị trường lao động, người sống ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Có nhiều nguyên nhân lý giải cho những hạn chế trong tiếp cận dịch vụ tài chính chính thống trong đó có nguyên nhân không đủ tiền để duy trì chi phí cho tài khoản ngân hàng. Khoảng cách đến ngân hàng quá xa, thiếu những giấy tờ cần thiết đáp ứng yêu cầu của ngân hàng, thiếu tin tưởng vào ngân hàng là nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trong tiếp cận tín dụng.

Ngoài ra, tâm lý thích tích trữ tiền, vàng; điều kiện cho vay của các ngân hàng khá khắt khe về tài sản thế chấp hoặc phương án kinh doanh trong khi tiếp cận với các tổ chức không chính thức như tín dụng đen lại quá dễ dàng; thiếu các kiến thức cơ bản về tài chính cũng là nguyên nhân khiến người dân nhất là người dân ở vùng nông thôn không mặn mà tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. Đó cũng là lý do khi triển khai chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, Thừa Thiên Huế tập trung vào các mục tiêu phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ tài chính để nâng cao khả năng tiếp cận của những người chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính.

Theo ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thông qua định hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tăng cường đổi mới sáng tạo trong thiết kế và phân phối sản phẩm dịch vụ tài chính theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng, giảm chi phí, phù hợp với nhu cầu sẽ tăng khả năng chi trả của mọi người dân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp, người yếu thế. Phát triển hệ thống các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững với các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng, linh hoạt, phù hợp. Nâng cao hiểu biết tài chính của người dân và doanh nghiệp, đảm bảo mọi người dân và doanh nghiệp có kiến thức, kỹ năng, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp trong sự lựa chọn và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính.

Ngay cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cũng bám sát với mục tiêu tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho các đối tượng yếu thế. Cụ thể, chiến lược này chỉ rõ mục tiêu đến năm 2025 sẽ có ít nhất 70% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác; tiến tới mục tiêu mỗi người trưởng thành có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác vào năm 2030. Mạng lưới các tổ chức tín dụng sẽ có bước phát triển mới với ít nhất 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính (chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng và đại lý ngân hàng, ngoại trừ điểm cung ứng dịch vụ tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội)...

Tâm lý tiếp cận dịch vụ tín dụng cũng được nhắm đến với mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 25-30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng. Số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng từ 20% đến 25% hàng năm. Trong lĩnh vực tín dụng phấn đấu có ít nhất 2.800 doanh nghiệp nhỏ và vừa có dư nợ tại các tổ chức tín dụng, dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 25% trên tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế.

Cần sự nhập cuộc của các tổ chức tín dụng

Dù chỉ mới đi qua một nửa chặng đường của chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, song tại địa bàn Thừa Thiên Huế nhiều kết quả khả quan đã được ghi nhận.

Kết quả này được Ngân hàng Nhà nước chỉ rõ khi hiện nay các mô hình tổ chức của các tổ chức tín dụng ngày càng hiện đại. Các dịch vụ ngân hàng ngày càng mở rộng và phát triển, đặc biệt là tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đem lại nhiều tiện ích cho người dân. Hạ tầng công nghệ được đồng bộ, các nghiệp vụ ngân hàng được số hóa, nhiều tiện ích và dịch vụ ngân hàng được đưa vào khai thác phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, các cơ chế chính sách về cấp tín dụng cũng được thông thoáng hơn đã giúp cho nhiều đối tượng có điều kiện tiếp cận nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, để hoàn thành mục tiêu như chiến lược đề ra, Ngân hàng Nhà nước đã và đang khuyến khích, tạo điều kiện mở rộng mạng lưới, kênh cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính theo quy định, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính thuận tiện, chi phí hợp lý.

Ngân hàng Nhà nước cũng đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, hội nghị gặp gỡ, đối thoại khách hàng. Công khai, minh bạch hóa thông tin của các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính; cơ cấu phí và các loại phí dịch vụ đối với người tiêu dùng tài chính; quy trình xử lý khiếu nại, tranh chấp cho tất cả các đối tượng khách hàng sử dụng dịch vụ. Tăng cường kiến thức tài chính cho khách hàng vay, đặc biệt là quyền được tiếp cận và bảo vệ thông tin tín dụng, cơ chế giải quyết khiếu nại và chỉnh sửa sai sót thông tin. Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động ngân hàng điện tử để tạo niềm tin và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tài chính.

Chính quyền địa phương cùng các đơn vị liên quan cũng tham gia mạnh mẽ vào hoạt động đồng hành trong thanh toán không dùng tiền mặt; đồng hành trong phát triển hệ thống các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô hoạt động an toàn, hiệu quả. Tạo điều kiện và khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương, các tổ chức phi chính phủ tích cực tham gia và hỗ trợ hoạt động tài chính vi mô phát triển. Khuyến khích phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ gia đình.

Trên cơ sở các cơ chế, chính sách của tỉnh và Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng phải nhập cuộc triển khai các giải pháp phát triển mạng lưới giao dịch; sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, sắp xếp mạng lưới ATM hợp lý hơn, hướng tới những địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cần tập trung phát triển các kênh phân phối hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ số nhằm mở rộng phạm vi cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính với chi phí thấp, đặc biệt là qua điện thoại di động. Phát triển các dịch vụ tài chính cơ bản cung cấp qua mạng lưới bưu chính công cộng; tạo điều kiện cho mạng lưới bưu chính công cộng hợp tác với các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính, tổ chức công nghệ tài chính phát triển các dịch vụ tài chính số với chi phí thấp phục vụ người dân nông thôn. Đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản (tiết kiệm, tín dụng, thanh toán, chuyển tiền, bảo hiểm) đảm bảo tính đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng, phù hợp với nhu cầu và khả năng của người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng phải đẩy mạnh phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng phù hợp với đối tượng vay tiêu dùng, có mức lãi suất hợp lý, góp phần ngăn chặn “tín dụng đen”; phát triển các hình thức cho vay tín chấp, thế chấp bằng hàng hóa, tài sản trên đất, động sản và dòng tiền tạo điều kiện cho các đối tượng, ông Nam chia sẻ.

Bài, ảnh: HOÀNG ANH