leftcenterrightdel
 Thí sinh nộp hồ sơ nhập học vào Đại học Huế

Không vượt quá năng lực đào tạo

TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế cho biết, theo quy định gắn với Thông tư số 10/2023/TT-BGDĐT ngày 28/4/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT ban hành quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non, nhiều quy định về nguyên tắc xác định chỉ tiêu tuyển sinh được thay đổi, bổ sung. Chỉ tiêu tuyển sinh ĐH xác định theo từng ngành, nhóm ngành và phải bảo đảm quy mô đào tạo thực tế của lĩnh vực không vượt quá năng lực đào tạo.

Theo đại diện Bộ GD&ĐT, chỉ tiêu tuyển sinh được xác định trên cơ sở năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo, nhu cầu sử dụng nhân lực, tỷ lệ sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng, kể từ khi được công nhận tốt nghiệp (đối với đào tạo chính quy trình độ cao đẳng, ĐH), kết quả kiểm định cơ sở đào tạo và kết quả tuyển sinh của năm tuyển sinh trước liền kề với năm xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh của cơ sở đào tạo.

TS. Nguyễn Văn Huy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế cho biết, quy định mới chi tiết, cụ thể và gắn với phần mềm tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, từ đó Bộ dễ dàng xác định năng lực đào tạo của các đơn vị và kiểm soát tốt hơn.

Theo quy định mới, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH của lĩnh vực không được tăng so với năm tuyển sinh trước liền kề với năm xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh của lĩnh vực đó, nếu tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp trình độ ĐH có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng, kể từ khi được công nhận tốt nghiệp của lĩnh vực đó đạt dưới 80%, hoặc tỷ lệ thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh của lĩnh vực đó ở năm tuyển sinh liền kề trước năm tuyển sinh đạt dưới 80%, trừ trường hợp ngành đào tạo có chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng được tính chỉ tiêu riêng.

Đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, Bộ GD&ĐT xác định và thông báo chỉ tiêu tuyển sinh. Sau khi gọi thí sinh nhập học đợt 1 theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT, căn cứ kết quả nhập học thực tế, cơ sở đào tạo rà soát, đề xuất và báo cáo Bộ GD&ĐT xem xét, quyết định điều chỉnh chỉ tiêu đối với từng ngành không quá 20%; đồng thời, bảo đảm không thay đổi tổng chi tiêu đào tạo giáo viên đã được Bộ GD&ĐT thông báo.

Chỉ tiêu tuyển sinh ĐH hình thức vừa làm vừa học của một lĩnh vực đào tạo được xác định không vượt quá 30% chỉ tiêu tuyển sinh chính quy tính theo năng lực đào tạo của lĩnh vực đó. Riêng đối với lĩnh vực nghệ thuật và nhóm ngành đào tạo giáo viên, chỉ tiêu hình thức vừa làm vừa học được xác định không vượt quá 50% chỉ tiêu tuyển sinh chính quy tính theo năng lực đào tạo của lĩnh vực/nhóm ngành đó.

Đáp ứng nguồn lực đội ngũ

Điểm đáng chú ý khác là Bộ GD&ĐT cũng sửa đổi, bổ sung quy định về giảng viên trong xác định năng lực đào tạo. Theo TS. Nguyễn Công Hào, quy định mới tạo khá nhiều thuận lợi cho cơ sở đào tạo. Trước đây, mỗi giảng viên chỉ được xếp vào một ngành, lĩnh vực thì hiện nay mỗi giảng viên của cơ sở đào tạo được xếp vào một hoặc nhiều ngành trong một hoặc nhiều lĩnh vực đào tạo phù hợp với chuyên môn, với tổng trọng số tham gia giảng dạy của mỗi giảng viên không vượt quá 100% ở mỗi trình độ đào tạo. Đối với các ĐH, một giảng viên có thể được sắp xếp vào một hoặc nhiều đơn vị đào tạo thuộc, trực thuộc ĐH với tổng trọng số tham gia giảng dạy của mỗi giảng viên không vượt quá 100% ở mỗi trình độ đào tạo. “Quy định này tạo sự linh hoạt cho các đơn vị, giải quyết vấn đề nguồn lực đội ngũ khi tuyển sinh giữa các ngành nghề không đồng đều”, TS. Hào nhấn mạnh.

Đối với ngành đào tạo đặc thù có nhu cầu cao về nhân lực trình độ ĐH đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giảng viên thỉnh giảng được xác định bao gồm cả các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý là những người lao động có bằng tốt nghiệp trình độ ĐH cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo; đồng thời, có từ 5 năm trở lên về kinh nghiệm hoạt động nghề nghiệp tại doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp gắn với ngành và lĩnh vực đào tạo làm giảng viên trợ giảng và được tính hệ số theo quy định.

Theo đại diện ĐH Huế, tổng số giảng viên theo ngành đào tạo bao gồm giảng viên toàn thời gian và giảng viên thỉnh giảng của cơ sở đào tạo có trình độ/chức danh đáp ứng yêu cầu của giảng viên giảng dạy chương trình thạc sĩ, tiến sĩ và phù hợp về chuyên môn tương ứng của ngành đào tạo đó.

Số lượng giảng viên thỉnh giảng để xác định chỉ tiêu tuyển sinh được tính tối đa bằng 10% tổng số giảng viên toàn thời gian của cơ sở đào tạo xác định theo ngành đào tạo. Riêng các ngành đào tạo đặc thù thuộc lĩnh vực nghệ thuật, số lượng giảng viên thỉnh giảng được tính tối đa bằng 40% tổng số giảng viên toàn thời gian của cơ sở đào tạo xác định theo ngành đào tạo.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC