leftcenterrightdel
Sinh viên du lịch nghiên cứu học tập tại Laguna Lăng Cô 

Khát nhân viên quản lý

Tác động bởi COVID-19, 2020 – 2021 là giai đoạn khó khăn của ngành du lịch, đặc biệt là lĩnh vực khách sạn. Nhiều tập đoàn, công ty, khách sạn lớn, nhỏ buộc phải đóng cửa hoặc vận hành cầm chừng, gây ảnh hưởng lớn cho người lao động. Từ giữa năm 2022 đến nay, sự phục hồi tốt của du lịch làm tăng vọt về nhu cầu nhân sự của ngành khách sạn.

Theo thống kê về nhu cầu nhân lực ngành quản trị khách sạn Việt Nam, tổng số lao động làm việc trong lĩnh vực này vào năm 2019 là hơn 4 triệu lao động. Mỗi năm, lĩnh vực lưu trú cần khoảng 40.000 lao động, song lượng sinh viên học chuyên ngành về khách sạn hàng năm ra trường chỉ đạt khoảng 15.000 người và chỉ hơn 12% trong số này có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.

So với nhiều lĩnh vực khác đang cần nguồn lao động hiện nay, môi trường làm việc ở các khách sạn, cơ sở lưu trú có những thách thức nhất định trong tuyển dụng. Trong đó, làm việc theo ca, xuyên đêm đối với bộ phận lễ tân, buồng phòng; một số khách sạn yêu cầu cao về ngoại hình, khiến nhiều sinh viên học chuyên ngành ra không thể ứng tuyển ở những vị trí tốt; khả năng ngoại ngữ của sinh viên học chuyên ngành cũng là thách thức trong tuyển dụng…

Tình trạng thiếu cán bộ quản lý ở các khách sạn cũng đang là vấn đề “nóng” của ngành du lịch. Những người có kinh nghiệm quản lý khách sạn luôn được “săn đón”. Có nhiều người tháng trước đang làm GM (quản lý khách sạn) ở khách sạn này, tháng sau liên hệ công tác thì đã chuyển sang một khách sạn cao sao hơn. Việc thiếu hụt đó cũng được thể hiện khi các khách sạn 5 sao ở Huế, phần lớn do lao động nước ngoài nắm giữ các vị trí quan trọng.

Thay đổi từ khâu đào tạo

Mặc dù nhu cầu nhân lực thiếu là vậy, nhưng có một thực tế đáng quan tâm được chỉ ra là, tỷ lệ thất nghiệp của ngành quản trị khách sạn lại vô cùng cao và có xu hướng tăng qua từng năm. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc sinh viên thiếu kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng mềm và trình độ ngoại ngữ còn hạn chế...

Ông Phạm Bá Hùng, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế cho rằng, từ những thực trạng liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực sau đại dịch, những phương hướng phục hồi cần phải xây dựng và đổi mới chương trình đào tạo nghề quản trị khách sạn hiện nay. Cần rà soát, điều chỉnh và cập nhật các nội dung, đảm bảo tính thích ứng và linh hoạt, tính hợp lý trong đặc điểm đào tạo nghề, đảm bảo tối thiểu kiến thức và kỹ năng nghề phải chủ động hơn.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch nhấn mạnh, xu hướng phát triển du lịch gắn với  chăm sóc sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp thiên về nghỉ dưỡng, làm đẹp, cải thiện đời sống tinh thần của du khách… đang tạo ra những thách thức với nguồn lao động có chuyên môn sâu. Bên cạnh việc nâng cao nghiệp vụ cho nguồn lao động hiện có, thì giải pháp mang tính chủ động là các trường đào tạo về du lịch cần có những chính sách tuyển sinh và nâng chất lượng đào tạo.

Theo các doanh nghiệp du lịch, các trường đào tạo du lịch cần tham chiếu trong việc rà soát, điều chỉnh và cập nhật các nội dung đào tạo. Đảm bảo tính thích ứng và linh họat, tính hợp lý trong đặc điểm đào tạo nghề, đảm bảo tối thiểu kiến thức và kỹ năng nghề cho người học. Đặc biệt, tập trung đào tạo có hiệu quả hơn các vấn đề liên quan như ngoại ngữ, kỹ năng mềm; thực hiện hiệu quả hơn mô hình liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp khách sạn theo hướng bền vững

Theo ông Phạm Bá Hùng, kỹ năng hành nghề chuyên nghiệp bằng thái độ đúng chuẩn của người cung ứng dịch vụ sẽ được chú trọng trong nội dung của chương trình đào tạo nghề quản trị khách sạn của nhà trường. Cùng với đó, nội dung chương trình đào tạo sẽ được chuẩn hóa theo hướng xây dựng các đơn vị năng lực nên phương pháp đào tạo nghề cũng được thay đổi đảm bảo chuyển tải nội dung học nghề hiệu quả. Khi kỹ năng của mỗi sinh viên ra trường tốt, sẽ là tiền đề để tạo ra những người quản lý chất lượng sau này.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG