Các cựu chiến binh thăm lại Bàu Sen - khu vực tiếp giáp với Chi khu quân sự Nam Hòa |
Đó là Bàu Sen nằm lọt thỏm giữa đồn Chóp Vung và căn cứ của Chi khu quân sự Nam Hòa. Trải qua chiến tranh và tai ương bây giờ diện mạo của Bằng Lãng đổi thay nhiều, nhưng bàu ruộng sâu vẫn còn đó và đến kỳ sen vẫn nở!
Chính nơi này, năm 1971, với tư cách Xã đội trưởng Nguyên Thủy - Thủy Bằng, bà Lê Thị Dấm (bí danh Gối, Nhung) đã nhiều lần dẫn đường cho trinh sát Huyện đội Hương Thủy điều nghiên trước khi tổ chức tấn công Chi khu quân sự Nam Hòa.
Do phía trước căn cứ tiếp giáp với bờ sông Tả Trạch, đối phương canh phòng cẩn mật, không có lối thoát nên tôi chọn khu vực phía sau để dẫn bộ đội xâm nhập. Thời đó vùng này là đồi trọc chỉ có cây dại lúp xúp. Chóp Vung nằm ở phía đông bắc căn cứ Nam Hòa là điểm cao nhất trong vùng. Hết Pháp đến Mỹ đều chọn Chóp Vung lập đài quan sát theo dõi, phát hiện mọi chuyển động và đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta hy sinh vì phi, pháo và bị mai phục. Xung quanh Chi khu quân sự Nam Hòa đêm xuống được đèn điện thắp sáng, thỉnh thoảng có thêm đèn pha hoặc pháo sáng. Để vượt qua điểm xung yếu này chúng tôi phải dò dẫm và thận trọng trong từng bước đi, chỉ cần dẫm phải mìn, lựu đạn, bẫy pháo sáng hay phát ra tiếng động… thì cái chết ập đến.
Tiếp lời bà Dấm, ông Lê Hữu Tòng, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 3 đặc công Huyện đội Hương Thủy kể thêm: Trước khi đánh, tôi được anh Đặng Trường Sơn, Huyện đội trưởng Hương Thủy giao nhiệm vụ trực tiếp trinh sát. Là con em miền Bắc mới được tăng cường cho bộ đội địa phương, do không thông thuộc địa hình nên tôi dựa vào đội ngũ cán bộ bám trụ ở địa phương, nếu không có chị Lê Thị Dấm, chị Nguyễn Thị Thảo (Huyện ủy viên, chỉ đạo xã Nguyên Thủy) và anh em du kích địa phương kề vai sát cánh thì trận đánh khó mà giành được thắng lợi trọn vẹn.
Tháng 6/1971, từ động Hoàng, bà Lê Thị Dấm dẫn ông Lê Hữu Tòng băng qua Nguyệt Biều rồi tìm đường về Chóp Vung. Để vượt qua đài quan sát này, cả hai khoác vải dù và hóa trang. Bà Dấm bò trước, ông Tòng bò theo sau. Đến Bàu Sen, chỉ cách căn cứ Chi khu quân sự Nam Hòa non nửa cây số về phía đông bắc cả hai cùng tìm cách tiếp cận hàng rào. Đến nơi, bà Dấm dừng lại để ông Tòng, nguyên là Bộ đội Đặc công của Chị Thừa I (Thành đội Huế) lần tầng lớp dây thép bùng nhùng, hàng rào kẽm gai xâm nhập. Do phải lần mò vô hiệu hóa cạm bẫy nên ông Tòng chỉ bò đến hàng rào thứ 3 thì trời sắp sáng, sợ địch phát hiện nên đành phải tháo lui.
Lần thứ hai, trước khi đi, ông Tòng nói với bà Dấm: “Nếu lần này địch phát hiện anh sẽ chiến đấu đến cùng nên vĩnh biệt em trước”. Nói xong, ông Tòng cầm bức thư của bố từ Hà Nam gửi cho mình đưa cho bà Dấm và dặn: “Trong thư có địa chỉ của gia đình, nếu anh hy sinh mà em còn sống thì tìm cách liên lạc đưa xác anh về. Bố mẹ anh chỉ mong có vậy”. Cả hai ôm nhau khóc!
Lần này, bà Dấm đưa ông Tòng đến hàng rào và ngồi ngoài chờ. Sau khi vô hiệu hóa mìn, lựu đạn, đến lớp thứ 4 - hàng rào sau cùng, vì trời sắp sáng nên ông Tòng phải bò ra.
Nhờ đã đóng chốt an toàn từng quả lựu đạn, bẫy chiếu sáng và cắt dây dẫn của mìn định hướng - claymore nên lối xâm nhập khá an toàn, nhưng mục tiêu cụ thể bên trong vẫn còn mù mờ, do vậy mà Đại đội trưởng Lê Hữu Tòng đề xuất với Huyện đội trưởng Đặng Trường Sơn: “Ta phải tìm cách vào bên trong căn cứ cho bằng được”.
Lần trinh sát cuối cùng, ngoài ông Tòng còn có bà Dấm và Huyện đội trưởng Đặng Trường Sơn. Đến bây giờ bà Lê Thị Dấm vẫn không quên lời ủy thác: “Tòng ơi, lần này tao sẵn sàng vào trong đó cùng mày nhưng ngặt nỗi tao còn vợ con ở ngoài Bắc, lỡ có bề gì thì quá tội. Mày còn độc thân, mày liệu có vào một mình được không?”.
Thật sự nể phục sự thẳng thắn, bộc trực của vị chỉ huy, giữa là ranh sinh tử ông Lê Hữu Tòng quả quyết với ông Đặng Trường Sơn: Em làm được! Lần này, ông Lê Hữu Tòng tìm một lối xâm nhập khác.
Nếu hai lần trước chỉ mới xâm nhập đến lớp hàng rào thứ 4 thì lần này ông Tòng phải bò qua 7 lớp thép gai bùng nhùng.
Do phải vô hiệu hóa mìn, lựu đạn, bẫy chiếu sáng nên đến lớp hàng rào thứ 3 thì gà đã gáy. Định quay trở ra, tình cờ ông Tòng phát hiện có lùm cỏ xanh tốt mọc lên từ hố nước sâu nằm bên cạnh nên đã chui vào đó ẩn nấp, qua đó theo dõi các hoạt động ban ngày của đối phương.
Do mắt chỉ mới “thấy” nên ông nêu quyết tâm phải “sờ” cho bằng được bên trong căn cứ có gì. Chập choạng tối, lợi dụng lúc vắng người, ông lách vào nhà vệ sinh và tìm kiếm cơ hội đột nhập.
Sau 3 đêm thức trắng, khứu giác ông Tòng được đánh thức bởi mùi thuốc lá Ruby queen. Đợi người ấy rời đi, ông Tòng vội nhặt lấy mẩu thuốc lá và hút phần còn lại. Chỉ mấy hơi thuốc lá đã giúp đầu óc ông bớt căng thẳng, lợi dụng bóng đêm ông Tòng lần lượt tiếp cận nơi ở, trung tâm chỉ huy, nhà máy phát điện, nơi để xe, hệ thống boongke và trận địa pháo….
Lúc này, Chi khu quân sự Nam Hòa là nơi đồn trú của 1 Đại đội Địa phương quân; 3 Trung đội Nghĩa quân và Cuộc Cảnh sát. Sau khi nắm rõ và nhớ vị trí của từng mục tiêu, ông Tòng quay về điểm hẹn. Về đến chân đồi Chóp Vung thì đêm đã về khuya.
Sau khi chia tay Xã đội trưởng Lê Thị Dấm và Tổ Du kích Thủy Bằng, ông Lê Hữu Tòng đã cùng Huyện đội trưởng Đặng Trường Sơn đi xuyên đêm. Họ tìm về La Hy - Phú Lộc gặp sở chỉ huy tiền phương của Thành đội Huế.
Nghe báo cáo xong, Thành đội trưởng Dương Quan Đấu hỏi: “Có đánh được không?”, Đại đội trưởng Lê Hữu Tòng đáp: “Báo cáo thủ trưởng, đánh được!”
Ủy viên Thường vụ Thành ủy Huế Hoàng Lanh sau khi bẻ củ sâm chia cho ông Sơn, ông Tòng chỉ nói: “Đã quyết tâm thì nên đánh càng sớm càng tốt, nếu để lâu, địch tăng quân sẽ không còn yếu tố bí mật, bất ngờ”.
(Còn nữa)
Kỳ 2: Tạo niềm tin thắng lợi