Mỗi lần nhớ về ruộng đồng quê cũ, là tôi lại nhớ về những giống lúa địa phương cổ truyền từng được thấy, được ăn khi còn nhỏ. Ca dao xứ Huế có câu: "Tôm rằn bóc vỏ bỏ đuôi/ Gạo de An Cựu mà nuôi mẹ già" là viết về giống lúa de ở cánh đồng An Cựu nổi tiếng thơm ngon để tiến vua ngày xưa. Ở quê tôi, giống lúa de cũng được trồng rất nhiều. Giống lúa de cho những hạt lúa màu vàng tươi, giã ra thì hạt gạo trắng tinh và nấu thành cơm có mùi thơm dìu dịu mà đằm sâu, nhai kỹ sẽ cho vị ngọt bùi. Một giống lúa cổ truyền khác là giống lúa ngang cổ. Có lẽ giống lúa cổ truyền này được đặt tên theo chiều cao của cây lúa, cao đến ngang cổ người. Đây là giống lúa được trồng ở những chân ruộng sâu thường gọi là ruộng Ô hoặc ruộng Biền ven sông Ô Lâu.

leftcenterrightdel
 

Lại có những giống lúa cổ truyền cho ra hạt gạo màu đỏ nhìn lạ mặt. Đó là các giống: Nước mặn, chiên, bác don... Trong 3 giống lúa đỏ này thì gạo nước mặn ăn ngon nhất có vị béo và bùi nên người dân làng tôi vẫn có câu vè vui vui: "Gạo nước mặn 3 lon em ăn cũng hết/ Rứa mà em nói em đau...". Rồi các giống nếp trứng cho hạt có hình như những cái trứng gà tí hon hay giống nếp ba trăng chỉ cần qua ba mùa trăng là thu hoạch cho ra xôi vừa dẻo, vừa thơm...

Sau này, ở một số vùng nông thôn xứ Huế đang phát triển mô hình cá - lúa. Thực ra mô hình cá - lúa cũng đã có từ thuở lâu lắm rồi ở những diện tích ruộng của quê tôi, tất nhiên đó là những mô hình tự nhiên. Ở các chân ruộng Ô, ruộng Biền sâu, cây lúa lên xanh, cá tự tìm tới dưới chân lúa mà sinh sôi phát triển. Đến mùa thu hoạch, sau khi gặt lúa xong, người làng tôi, be bờ ngăn ruộng tát cá. Cá thì nhiều vô kể: trê, rô,  tràu, diếc, thác lác, thia thia... tát cạn nước nằm chồng lên nhau mà vẫy vùng và cứ thế lấy rổ xúc lên đổ đầy trong những chiếc bao và gánh về đổ ra cả một khoảng trước sân nhà. Không chỉ có cá, ở những cánh đồng lúa là nơi trú ngụ của nhiều loài chim như trích, đòm đòm, đâm đấm, cò, vạt... Bây chừ, làng tôi không còn lấy một cây lúa địa phương cổ truyền. 

Cuối tuần, trời vẫn còn mát mẻ là cứ muốn về làng, xách xe chạy trên đường thấy xuyến chi đang nở trên bờ mấy thửa lúa đang xanh. Rồi ghé nhà một người quen thấy bộ tròn trào đang treo gọn gàng bên nhà. Hỏi bữa ni anh vẫn còn dùng tròn trào tát nước à? Chủ nhà không hiểu tôi hỏi chi cả. À thì ra cũng là bộ nông cụ để tát nước cho lúa nhưng làng tôi kêu là tròn trào, làng trên lại kêu là bộ rấp, làng dưới thì kêu là gàu. Mà tôi cứ tưởng đến chừ không ai dùng tròn trào nữa; nhưng không phải rứa, có những thửa ruộng ở địa hình cao, nước máy không dẫn lên được nên phải dùng nông cụ truyền thống này để tát nước tưới lúa...

Nhà bạn tôi có cái mội nước trong. Ghé chơi rồi xuống bên mội rửa mặt mát rượi rồi lại nhớ chuyện mấy lối cầm cái tròn tay đi tát cá hay vác cái cuốc con đi trổ nước cho mấy sào ruộng nhỏ từ những con khe nước trong chảy từ mội ra cánh đồng làng. Nói chuyện ruộng đồng, bạn nhắc từ "trầm trích", tự nhiên ùa về bên tôi những mùa màng năm cũ. "Mấy sào ruộng ở Cồn Đùng của nhà mình bị trầm trích rồi!", trong bữa cơm chiều ba tôi đã từng thở dài ra như thế. Lúa bị trầm trích sau khi trổ xong là hạt lúa bị lấm chấm đen, đến khi chín lúa không vàng rực mà màu vàng bầm bầm nhìn thiệt xót. Thường thì khi trổ, gặp trời trở lạnh nàng Bân hay gặp khi sấm sét hoặc gió Nam thổi nóng quá là hạt lúa bị trầm trích. Lại có người bạn nói rằng: “Làng mình không gọi là “trầm trích” mà là “trứng trích” vì lúa bị mất mùa hạt bầm đi, lại có những chấm đen nhỏ trên hạt lúa giống như màu trứng con chim trích rứa...”.

“Trầm trích” hay “trứng trích”, một từ địa phương gắn liền với mùa màng năm cũ mà bạn không nhắc thì tôi cũng đã đánh rơi khỏi trí nhớ. Nhặt lại một từ cũ thấy quý và thương vô cùng!

Phi Tân