leftcenterrightdel
Quang cảnh buổi thảo luận tại tổ 4 sáng nay (10/6) 

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng nay (10/6), Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) và dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh thuộc tổ 4 cùng các đoàn ĐBQH: Cà Mau, Lai Châu, Hải Phòng.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu điều hành phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự và định hướng, đóng góp nhiều vấn đề.

Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) gồm 7 Chương, 46 Điều, quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng luật; nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, người được cấp thẻ căn cước, giá trị sử dụng của thẻ căn cước; độ tuổi đổi thẻ căn cước; căn cước điện tử, danh tính điện tử của công dân Việt Nam; trách nhiệm quản lý nhà nước về căn cước…

Các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan của Luật Căn cước công dân để khắc phục kịp thời những bất cập, hạn chế; đáp ứng yêu cầu thực tiễn; công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội và quản lý dân cư, tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực.

Cho ý kiến nội dung luật này, các đại biểu thảo luận liên quan đến thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước; nội dung thể hiện trên thẻ căn cước; việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước; cấp, quản lý căn cước điện tử…

Ngoài thể chế hóa các quy định bằng luật, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu đề nghị ban soạn thảo xem xét về vấn đề tên gọi.Thẻ căn cước đối với người Việt Nam thì gọi là thẻ căn cước công dân, còn cấp cho người gốc Việt là giấy chứng nhận căn cước, tên luật vẫn là Luật Căn cước công dân”, ông Lưu nói.

leftcenterrightdel
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu nêu ý kiến tại phiên thảo luận 

Đại biểu Lê Hoài Trung (thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh) quan tâm đến quyền lợi của người gốc Việt đang sinh sống ở Việt Nam chưa xác định quốc tịch. Ông Trung cho rằng cần xác định số lượng và tính toán các trường hợp liên quan đến pháp lý cho nhóm người này. Đối với người dân Việt Nam xin nhập quốc tịch nước ngoài cũng xem xét đến việc quản lý thông tin để có những giải pháp tránh hệ lụy về sau.

“Mặc dù khi làm luật, chúng ta đã có nhiều biện pháp tuyên truyền và đăng công khai trên các trang thông tin điện tử, tuy nhiên cũng cần tổ chức thêm những cuộc gặp mặt, mời các đối tượng liên quan trực tiếp đến luật để họ đóng góp ý kiến. Từ đó, khi luật đi vào cuộc sống sẽ có tính ổn định cao hơn”, ông Trung kiến nghị.

Liên quan đến Luật Viễn thông (sửa đổi), các đại biểu đã thảo luận về tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Quy định kinh doanh viễn thông; Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam; kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông; tài nguyên, công trình viễn thông.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam (thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh) cho rằng, luật cần có sự tính toán đầy đủ, kỹ lưỡng, rà soát các vấn đề về bảo mật thông tin để có sự thống nhất về mặt quan điểm so với các luật của quốc tế và quy định của các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ngoài ra, các dịch vụ viễn thông bình thường xem xét lại việc đầu tư hạ tầng và phải tính toán lại về dịch vụ và giá.

Ông Nam thông tin, theo Quyết định 316 của Thủ tướng Chính phủ năm 2021 thì mobile money, momo được phép thanh toán qua tài khoản viễn thông thanh toán, song mới thí điểm cho những hàng hóa, dịch vụ nhỏ. Ông Nam đề nghị, ban soạn thảo phối hợp với Chính phủ có đánh giá, rà soát lại, nếu đủ “chín” nên quy định gợi mở bởi trong thời kỳ hội nhập, các dịch vụ thanh toán này đang phát triển nhanh.

Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) cũng được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi Luật Viễn thông là hết sức cần thiết và cần phải đặt trong tổng thể các luật nhằm phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số. Vấn đề lớn nhất của dự luật này là phạm vi điều chỉnh như thế nào.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Lê Hoài Trung kiến nghị cần có sự tham gia của nhiều đối tượng hơn nữa trong công tác lấy ý kiến cho các dự thảo luật

Theo Chủ tịch Quốc hội, hoạt động viễn thông còn phải bao gồm các nội dung như: quyền tham gia hoạt động viễn thông; quyền được bảo đảm an toàn viễn thông cả bên cung cấp và bên sử dụng dịch vụ viễn thông; cạnh tranh trong hoạt động viễn thông; nghiên cứu triển khai hoạt động viễn thông chứ không chỉ đơn thuần là hoạt động kinh doanh viễn thông thuần tuý.

"Luật Viễn thông năm 2009 phù hợp với thời điểm đó, kể cả về nhận thức, về trình độ phát triển của nước ta và quốc tế. Ban soạn thảo đã nỗ lực đi theo hướng bao trùm các hoạt động viễn thông nhưng chưa đạt được như mong muốn. Do đó, trong lần thảo luận đầu tiên này, chúng ta cần tập trung thảo luận các vấn đề lớn về quan điểm, chính sách để trên cơ sở đó thiết kế chi tiết các điều luật thì luật mới có tuổi thọ lâu dài được", Chủ tịch Quốc hội nói.

Đối với cam kết quốc tế, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ có 5 nhóm phải được rà soát để hoàn thiện dự thảo Luật Viễn thông gồm: Cam kết mở cửa thị trường (Hiệp định GATT); cam kết về thể chế, môi trường kinh doanh viễn thông; cam kết liên quan đến luật pháp quốc tế nói chung; bốn là, các quy định về thủ tục tại các diễn đàn, tổ chức chuyên môn; các khái niệm trong lĩnh vực viễn thông đã được định nghĩa trong các điều ước quốc tế.

“Luật này phải bảo đảm các nguyên tắc: có các quy định bắt buộc để thực hiện các cam kết quốc tế, chúng ta đã cam kết rồi thì không thể không làm được; bảo đảm không có các quy định trái hoặc đi ngược với các cam kết quốc tế, nếu có thì sẽ nằm ở trường hợp ngoại lệ được phép áp dụng hoặc có lộ trình; dự lường những phản ứng từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp để kịp thời thông tin rõ ràng và hài hoà các khái niệm, định nghĩa trong luật”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

THỌ LINH