leftcenterrightdel
Gia đình là tổ ấm, nơi hình thành nhân cách của mỗi người. Ảnh: MC

Cùng với 4 tiêu chí nói trên, còn có thêm 4 tiêu chí ứng xử cụ thể cho từng mối quan hệ trong gia đình. Đó là chung thủy, nghĩa tình với ứng xử vợ chồng; gương mẫu và yêu thương dành cho cha mẹ với con, ông bà với cháu; hiếu thảo, lễ phép dành cho con cháu với cha mẹ, với ông bà; hòa thuận, chia sẻ áp dụng cho anh, chị, em. Tùy theo mỗi tiêu chí, “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” còn có những “gạch đầu dòng” rất chi tiết về hành động, việc làm mà các bên dành cho nhau trong đời sống thường ngày.

 Rất nhiều người tham dự buổi phát động triển khai đăng ký tại phường An Cựu vào một ngày đầu tháng 6 tỏ ra ủng hộ với những tiêu chí được đưa ra một cách cụ thể, tùy từng mối quan hệ trong gia đình. Cầm trên tay tờ thông tin giới thiệu về bộ tiêu chí, chị Nguyễn Dung (TP. Huế) cho biết, không chỉ ngắn gọn, rõ ràng mà còn dễ hiểu. Ngoài tiêu chí chung, các tiêu chí riêng hướng đến cách ứng xử cụ thể. Đó không chỉ là nền tảng của mỗi gia đình, mà xa hơn đó như một môi trường để giáo dục nhân cách từng người trong xã hội thu nhỏ. Từ đó, tạo nên sự yêu thương, hòa thuận bên ngoài xã hội lớn.

Với ông Nguyễn Phú (TP. Huế), bộ tiêu chí này ngoài rõ ràng còn rất sòng phẳng. Trong đó, chỉ rõ trách nhiệm của người lớn như ông bà, cha mẹ với con cháu mình. Ngoài làm gương, quan tâm, nuôi dưỡng, người lớn cần phải trao truyền giá trị truyền thống, kinh nghiệm sống cho con cháu, phải động viên con cháu thực hiện lối sống văn hóa, ý thức công dân, gìn giữ nề nếp gia phong. “Muốn để con cháu thực hiện tốt các tiêu chí, tôi cho rằng trước hết người lớn phải làm gương. Có như thế, bộ tiêu chí này khi áp dụng vào đời sống mới ý nghĩa và phát huy được giá trị truyền thống gia đình Việt nói chung, gia đình Huế nói riêng”, ông Phú nói.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, gia đình là một thiết chế đặc biệt trong xã hội. Vì thế, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Đáng chú ý, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định: “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”. Theo ông Hải, đây là quan điểm có ý nghĩa khẳng định sự cần thiết phải chăm lo củng cố và phát triển gia đình trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.

leftcenterrightdel
 Văn hóa gia đình có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần thiết thực vào tiến trình phát huy các giá trị tốt đẹp truyền thống mang bản sắc Huế

Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. “Vì vậy, triển khai thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của gia đình”, ông Hải khẳng định.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Việt Bằng, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, xây dựng, bảo tồn và phá huy các giá trị văn hóa Huế, văn hóa gia đình có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần thiết thực vào tiến trình phát huy các giá trị tốt đẹp truyền thống mang bản sắc Huế. “Vừa là tế bào của xã hội, vừa là hạt nhân hình thành nên các giá trị văn hóa Huế, gia đình là môi trường thuận lợi để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giáo dục các hành vi ứng xử, các giá trị cao đẹp, gia đình mẫu mực”, ông Bằng nói. Do vậy, ông Bằng nhận định, thực hiện tốt Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình không chỉ có ý nghĩa tôn vinh các giá trị cốt lõi của gia đình Việt - gia đình Huế, mà việc triển khai phát động đến toàn thể Nhân dân sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong xã hội.

Bài, ảnh: NHẬT MINH