leftcenterrightdel
Nguồn vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn đang được ưu tiên 

Doanh nghiệp gặp khó

Trong năm 2023, tình hình hoạt động doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Các lĩnh vực sản xuất công nghiệp có xu hướng giảm.

Số liệu từ Cục Thống kê tỉnh cho thấy, tăng trưởng công nghiệp địa phương từ đầu năm đến nay vẫn dựa vào một số ít ngành chủ lực như: chế biến thủy sản; sản xuất đồ uống; sản xuất hóa dược; sản xuất gạch men. Các ngành công nghiệp cấp 4 như khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản; khai thác và sản xuất vật liệu… có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong những tháng đầu năm cũng tăng trưởng chậm. Tính đến cuối tháng 5, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 421,6 triệu USD, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm nhiều nhất chủ yếu là nhóm hàng may mặc, gỗ và sản xuất gỗ. Nguyên nhân được xác định là do nhu cầu trong nước, thế giới giảm và chịu sự cạnh tranh gay gắt; đơn hàng sản xuất bị cắt giảm; lượng hàng tồn kho tại nhiều doanh nghiệp tăng cao.

Ông Trần Tiễn Diện, Giám đốc Công ty TNHH Quang Thiện chia sẻ, trong năm 2023, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn. Dù đang là mùa cao điểm xây dựng nhưng sức mua các loại vật liệu, thiết bị nội ngoại thất giảm hơn 30% so với năm ngoái. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn đang rất nỗ lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng vừa đảm bảo đời sống cho người lao động.

Khó khăn từ thị trường, giá cả… cũng ảnh hưởng rất lớn đến tình hình hoạt động chung của doanh nghiệp khi số doanh nghiệp thành lập mới giảm mạnh cả về lượng, lẫn chất. Tính đến 22/5/2023, toàn tỉnh có 310 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 1.547 tỷ đồng, giảm 10,7% về lượng và giảm 39,9% về vốn so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại cũng giảm mạnh, trong khi đó, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động lại tăng.

Khả năng hấp thụ vốn chưa cao

Doanh nghiệp gặp khó khăn song khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp được đánh giá khá hạn chế. Theo số liệu công bố của UBND tỉnh trong tháng 5, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng đạt 64.100 tỷ đồng, tăng 5,98% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, dư nợ tín dụng tại các tổ chức tín dụng ước đạt 75.100 tỷ đồng, tăng 1,02% so với cuối năm 2022, trong khi đó cùng kỳ năm trước dự nợ tín dụng tăng 6,18%. Điều này phần nào cho thấy, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp chưa cao, nền kinh tế tiếp tục khó khăn.

Mặc dù, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai rất nhiều chương trình hỗ trợ từ triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; giảm lãi suất điều hành cũng như cho phép cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Và sau rất nhiều động thái điều hành, mặt bằng lãi suất tại các tổ chức tín dụng cũng đã giảm, cụ thể, lãi suất cho vay bình quân hiện tại khoảng 9,07%, giảm 0,9% so với cuối năm ngoái. Các ngân hàng đều triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, giảm lãi suất… cho các khách hàng.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cũng khẳng định, tín dụng đang được kiểm soát và dòng vốn này đang chảy vào các lĩnh vực ưu tiên. Bằng chứng là đến cuối tháng 5/2023, tín dụng dành cho các lĩnh vực đều có tăng trưởng và chiếm gần 50% tổng dư nợ chưa bao gồm các nguồn vốn tín dụng chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia. Cụ thể, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn đạt gần 14.143 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19% tổng dư nợ tín dụng; tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 14.527 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19,6%; tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu đạt 5.199 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,7%....

Tại hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp gần đây, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Phạm Bá Nam chia sẻ, ngoài nhiệm vụ đầu tư tín dụng, mục tiêu mà ngành ngân hàng hướng đến là phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Vì thế, các tổ chức tín dụng phải thực hiện đúng định hướng tăng trưởng tín dụng đi đôi với đảm bảo an toàn tín dụng; đảm bảo kế hoạch tăng trưởng tín dụng được hội sở chính giao và mục tiêu tăng trưởng tín dụng trên địa bàn. Thực hiện tiết giảm chi phí, hạ lãi suất cho vay nhằm đảm bảo hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng phải kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một hoặc một nhóm khách hàng.

Điều này phần nào lý giải lý do một số doanh nghiệp gặp các khó khăn trong tiếp cận tín dụng. Trong đó, có nhiều nguyên nhân không xuất phát từ bản thân nội tại của các ngân hàng mà có thể từ doanh nghiệp, như phương án kinh doanh chưa đủ sức thuyết phục, không chứng minh được hiệu quả sử dụng vốn, chưa công khai dòng tiền hay không minh bạch trong các báo cáo tài chính. Trong khi đó, ngoài tài sản đảm bảo, điều ngân hàng cần là thấy được hiệu quả kinh tế thông qua việc quản lý tốt dòng tiền của doanh nghiệp để giảm bớt các rủi ro tín dụng.

Đó cũng là lý do không ít lần Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh “khuyên” doanh nghiệp nên quan hệ tốt với 1 hoặc 2 tổ chức tín dụng, sử dụng các dịch vụ của các tổ chức tín dụng đó để tạo được uy tín của mình, giúp ngân hàng hiểu hơn về hoạt động của doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong việc tiếp cận tín dụng.

Nói như vậy để biết trong quan hệ với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp cũng phải “sòng phẳng”, công khai, minh bạch, có như vậy mới hướng đến mục tiêu tăng trưởng an toàn, hiệu quả cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.

Bài, ảnh: Hoàng Loan