leftcenterrightdel
Đảm bảo an toàn thực phẩm từ trang trại cho đến bàn ăn là trách nhiệm cảu mỗi thành viên. Ảnh minh hoạ: TTXVN/Vietnam+ 

Điều này là cực kỳ quan trọng, nhất là khi cứ 10 người trên toàn thế giới thì có 1 người mắc bệnh do thực phẩm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Đông Nam Á, các bệnh do thực phẩm gây ra 150 triệu ca bệnh, 175.000 ca tử vong và 12 triệu ca chịu hậu quả tàn tật. Do đó, các tiêu chuẩn thực phẩm hiện hành phải tích hợp yếu tố an toàn và chất lượng vào mọi khía cạnh của sản xuất và dịch vụ thực phẩm để đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn và lành mạnh.

Uỷ ban Codex Alimentarius là cơ quan thiết lập tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm quốc tế, chịu trách nhiệm tập hợp các tiêu chuẩn, quy tắc thực hành, hướng dẫn và các khuyến nghị khác được quốc tế công nhận. Trong đó, các tiêu chuẩn được yêu cầu bảo vệ sức khoẻ của người tiêu dùng và đảm bảo thực hành thương mại thực phẩm tốt. Các tiêu chuẩn của Codex cho phép các nhà nhập khẩu tin tưởng rằng thực phẩm được đặt hàng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và đảm bảo cho người tiêu dùng về sự an toàn và chất lượng của các sản phẩm thực phẩm mà họ mua và sử dụng.

Xét về tầm quan trọng của tiêu chuẩn thực phẩm trong tiến trình triển khai thương mại công bằng và bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, chiến dịch Ngày An toàn Thực phẩm Thế giới năm 2023 đã bắt đầu với chủ đề “Tiêu chuẩn thực phẩm cứu mạng sống”, qua đó khuyến khích những người ủng hộ an toàn thực phẩm trên toàn thế giới tập trung vào việc áp dụng các tiêu chuẩn trong mọi khía cạnh của sản xuất thực phẩm, tức từ trang trại đến bàn ăn.

Việc thiết lập các tiêu chuẩn ở cấp quốc gia nên là một nỗ lực quốc gia được thực hiện dựa trên sự đóng góp của chính phủ, ngành công nghiệp thực phẩm, cộng đồng khoa học và người tiêu dùng. Ở khu vực Đông Nam Á rộng lớn hơn, Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Indonesia, Maldives, Nepal, Thái Lan và Timor Leste đã sử dụng các tiêu chuẩn Codex để tăng cường hệ thống kiểm soát thực phẩm quốc gia và thiết lập các tiêu chuẩn thực phẩm quốc gia.

Được biết, giới chuyên gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Uỷ ban Codex khu vực châu Á trong việc phối hợp tốt hơn giữa các quốc gia trong khu vực để hài hoà hoá các tiêu chuẩn Codex, đồng thời khuyến khích sự tham gia tích cực của các quốc gia thành viên vào quy trình thiết lập tiêu chuẩn Codex khu vực và toàn cầu. Trong vấn đề này, các tổ chức học thuật, tổ chức nghề nghiệp và người tiêu dùng cũng có vai trò trong việc thúc đẩy các tiêu chuẩn Codex và thực hiện các hướng dẫn bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Điều quan trọng không kém là các quốc gia cần phải theo dõi và giám sát thường xuyên các bệnh do thực phẩm và xác định các nguy cơ bùng phát tiềm ẩn, cũng như triển khai các biện pháp thích hợp để giảm thiểu chúng.

Vào Ngày An toàn Thực phẩm Thế giới, các chuyên gia nhắc nhở mọi người rằng an toàn thực phẩm là trách nhiệm chung. Từ nông dân và nhà sản xuất, đến nhà bán lẻ và người tiêu dùng, tất cả mỗi thành viên đều có vai trò trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhân cơ hội này, cũng nhắc lại cam kết hỗ trợ các quốc gia thành viên tăng cường hệ thống an toàn thực phẩm quốc gia theo các tiêu chuẩn, quy tắc hành xử, hướng dẫn và khuyến nghị của Codex. Cùng nhau, đây là cơ hội để củng cố các nỗ lực đảm bảo rằng thực phẩm chúng ta tiêu thụ đều là an toàn.

Đan Lê (Lược dịch từ Bangkok Post)