Cán bộ địa phương kiểm tra việc trồng nấm |
Với lợi thế nguồn nguyên liệu phụ phẩm từ nông nghiệp sẵn có và tranh thủ lúc nông nhàn, 10 năm trở lại đây, nghề trồng nấm rơm ở Phú Lương phát triển mạnh. Toàn xã hiện có 630 hộ trồng nấm với 1.243 vòm, nhiều nhất toàn tỉnh. Người dân có cuộc sống ổn định, nhiều hộ vươn lên khá giả, xây nhà kiên cố, nuôi con ăn học nhờ nghề trồng nấm rơm.
Nấm rơm được người dân Phú Lương trồng quanh năm. Từ khi bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu rơm ủ nấm đến khi thu hoạch trong vòng 20-25 ngày. Mỗi tháng người dân có thể sản xuất 1- 1,5 lứa/vòm. Ở Phú Lương, bình quân mỗi hộ có 2-3 vòm trồng nấm, chi phí đầu tư xây vòm hơn 12 triệu đồng/vòm. Bình quân mỗi vòm chứa khoảng 400 bánh rơm; mỗi hộ trồng 14-15 lứa/năm, với năng suất bình quân mỗi lứa 34,73kg/vòm. Sản lượng hàng năm bình quân mỗi hộ khoảng 1.296kg.
Ngoài đầu tư về nhà vòm và tư liệu sản xuất, các hộ trồng nấm rơm đầu tư nhiều khoản chi phí như meo giống, thuê công lao động, sửa chữa, tu bổ nhà vòm, rơm và lao động gia đình... Chi phí đầu tư bình quân mỗi lứa, mỗi vòm 1,5 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận bình quân một lứa 3-5 triệu đồng/vòm. Như vậy, bình quân một năm, giá trị sản xuất mỗi hộ thu được từ 40-50 triệu đồng/vòm. Toàn xã ước thu từ trồng nấm bình quân mỗi năm 15 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Viết Ngữ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lương thông tin, từ năm 2015, nghề trồng nấm rơm ở Phú Lương được tỉnh công nhận là làng nghề của tỉnh. Đồng hành với sự phát triển của nghề trồng nấm, thời gian qua Hội Nông dân xã Phú Lương vận động hội viên nông dân tiếp tục đẩy sản xuất nấm, từ đó xuất hiện nhiều mô hình trồng nấm đạt hiệu quả cao, thu nhập bình quân mỗi năm 120 – 150 triệu đồng/hộ.
Từ tháng 6 năm 2022, Hội Nông dân xã Phú Lương thành lập Câu lạc bộ sản xuất, kinh doanh giỏi với 18 thành viên, chủ yếu là hội viên trồng nấm giỏi. Đến nay, câu lạc bộ đi vào hoạt động ổn định, đảm bảo theo nội quy, quy chế. Thông qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, các hội viên cùng thảo luận, chia sẻ về kỹ thuật, kinh nghiệm trồng nấm, meo giống, cách ủ rơm và đầu ra của sản phẩm. Qua các buổi sinh hoạt còn nêu các gương điển hình về trồng nấm để nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn xã.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Hội Nông dân xã Phú Lương, quá trình trồng nấm rơm của người dân vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Trong đó, đầu ra sản phẩm của cây nấm có lúc còn thiếu ổn định, giá cả thường cao chỉ trong các ngày lễ, rằm, mùng một hàng tháng. Còn lại các ngày thường thì giá thiếu ổn định, bấp bênh và xảy ra tình trạng lái buôn ép giá. Nguồn meo giống còn phụ thuộc vào các địa phương ngoài tỉnh nên không chủ động trong sản xuất cũng là khó khăn lớn của người dân.
Theo Hội Nông dân xã Phú Lương, người dân đang cần các cấp, ban ngành, nhà khoa học nghiên cứu, tìm tòi những mô hình thiết thực, phù hợp với điều kiện Phú Vang nói chung, Phú Lương nói riêng để tổ chức chuyển giao cho nông dân và có cơ sở sản xuất meo giống nấm rơm tại chỗ để chủ động nguồn meo giống phục vụ nhu cầu sản xuất. Đồng thời, có cơ chế, chính sách phù hợp, ổn định thị trường để sản phẩm không bị tư thương ép giá nhằm động viên nông dân hăng say sản xuất, chung tay xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp. |