leftcenterrightdel
Các em học sinh lớp 10 cần nghiên cứu kỹ tổ hợp môn trước khi lựa chọn. Ảnh: MC 

Khi đỗ vào trường THPT nào, các em nộp hồ sơ tại trường đó. Việc tìm hiểu về môi trường trường học, truyền thống nhà trường, các quy định chung của nhà trường, chương trình học… là điều cần thiết. Các em cần lưu ý, đối với cấp THPT, các em sẽ học các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, lịch sử, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và nội dung giáo dục địa phương.

Ngoài các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc trên, các em được lựa chọn 4 môn học từ các môn: Vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ, mỹ thuật, âm nhạc. Ngoài ra, để thực hiện yêu cầu phân hóa sâu và giúp học sinh tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng giải quyết vấn đề đáp ứng với yêu cầu định hướng nghề nghiệp thì mỗi học sinh còn phải chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với sở thích và nguyện vọng của các em.

Trước khi vào năm học mới, các trường THPT sẽ căn cứ vào nguồn lực của nhà trường để xây dựng các tổ hợp môn học để học sinh lựa chọn. Để có sự lựa chọn đúng, các em cần căn cứ vào định hướng nghề nghiệp của mình, năng lực, sở trường, sở thích, đam mê của bản thân để chọn tổ hợp các môn học phù hợp. Đây là việc làm rất cần thiết và thận trọng, tránh trường hợp chọn tổ hợp các môn lựa chọn không phù hợp sẽ dẫn đến tình trạng chán học, ảnh hưởng đến kết quả học tập và định hướng nghề nghiệp tương lai.

Có không ít học sinh sau một học kỳ, thậm chí hết năm học lớp 10 mới nhận ra việc lựa chọn của mình là không phù hợp và muốn đổi tổ hợp các môn lựa chọn khác. Nhà trường, thầy cô vẫn tạo điều kiện để đáp ứng nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn cho các em. Tuy nhiên, sự chuyển đổi này sẽ ảnh hưởng đến lộ trình học tập, vừa mất thời gian vừa gây khó khăn cho chính bản thân các em, bởi một khi đã thay đổi, các em sẽ phải học lại từ đầu nên cần nhiều thời gian để học bù kiến thức môn học mới. Do vậy, các em cần cân nhắc kỹ, chắc chắn trong các phương án lựa chọn, tránh sự lựa chọn nhất thời, cảm tính.

Việc đưa ra sự lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp trên thực tế không đơn giản. Nhiều học sinh lựa chọn vội vàng, không có sự định hướng nghề nghiệp tương lai. Có không ít cha mẹ học sinh lúng túng trong việc định hướng giúp con cái, thậm chí có phụ huynh còn bảo con: “Chọn tổ hợp nào dễ mà học”, hay “tùy con, ưa học môn nào thì cứ chọn”… Tuy nhiên, cũng có nhiều phụ huynh đã tìm hiểu chương trình giáo dục phổ thông 2018 và nghiên cứu kỹ phương án tuyển sinh lớp 10 của nhà trường, thấy được thế mạnh của từng tổ hợp các môn lựa chọn mà nhà trường xây dựng cùng những ưu điểm của bản thân con mình để định hướng giúp con chọn tổ hợp các môn học lựa chọn đáp ứng nguyện vọng và tương lai nghề nghiệp của con.

Cô Hoàng Thị Thúy Vy, giáo viên Trường THPT Hai Bà Trưng có con gái vào lớp 10 năm học vừa qua chia sẻ rằng: “Tôi thực sự khó khăn khi quyết định giúp con chọn tổ hợp nào để đăng ký học tập. Phải cùng con phân tích điểm mạnh, điểm yếu của bản thân con, định hướng nghề nghiệp cho con. Từ đó lựa chọn tổ hợp môn phù hợp để sau này thi vào trường đại học đào tạo nghề con đã chọn”.

Cần lưu ý rằng, mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp trung học phổ thông là định hướng nghề nghiệp, nên việc lựa chọn các môn học tương ứng với định hướng nghề nghiệp tương lai là rất quan trọng. Đây là cơ sở ban đầu tạo nên nền tảng kiến thức, năng lực, phẩm chất để giúp học sinh phát huy năng lực cá nhân, lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung cấp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động.

Sau khi học sinh xác định và đăng ký các tổ hợp môn học lựa chọn, nhà trường sẽ xếp lớp học phù hợp cho các em. Việc cần lưu ý tiếp theo của các em là chương trình THPT với giai đoạn định hướng nghề nghiệp, củng cố và phát triển những kiến thức của giáo dục trung học cơ sở. Do vậy, không đơn giản chỉ là học vấn phổ thông ở trình độ cơ sở với những hiểu biết ban đầu về kỹ thuật và hướng nghiệp, mà đi vào hoàn thiện học vấn phổ thông và có những hiểu biết nhất định về kỹ thuật và hướng nghiệp để phát huy năng lực cá nhân, lựa chọn hướng phát triển tương lai. Vì vậy, các em cần có sự chuẩn bị về tâm lý, tránh sự khủng hoảng tinh thần hay “choáng ngợp” trước lượng kiến thức mới của cấp học mới.

Việc làm quen môi trường trường học mới, thiết lập các mối quan hệ với thầy cô, bạn bè cũng là điều các em cần để tâm đến. Chính các mối quan hệ này sẽ tác động rất lớn đến quá trình trưởng thành của các em. Việc tìm hiểu các hoạt động xã hội, các câu lạc bộ, đội, nhóm trong nhà trường để lựa chọn tham gia cũng góp phần quan trọng trong sự hình thành các kỹ năng sống cần thiết cho sự thành công của các em sau này.

Điều quan trọng các em cần lưu ý là, bước vào lớp 10, các em không còn mang trên vai chiếc khăn quàng đỏ mà đã mang gánh trọng trách của một thanh niên với trách nhiệm “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Các em cần phải phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ, thể hiện tính tiên phong, sức trẻ của thanh niên, năng động, sáng tạo, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.

NGUYỄN THỊ HOA PHƯỢNG