leftcenterrightdel
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương kiểm tra tiến độ các gói thầu thuộc chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh)
 

Ông Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - dự án thành phần Thừa Thiên Huế, cho biết đã tiến hành lập đề cương nhiệm vụ mới, giao cho một đơn vị khảo sát hiện trạng nhằm điều chỉnh thiết kế hạng mục kè sông An Hòa thuộc gói thầu số 23.

Theo đó, việc điều chỉnh thiết kế sẽ tính toán để áp dụng cho từng vị trí cụ thể trong việc dùng cọc bê tông hay kè. Đồng thời, phải đảm bảo nguyên tắc hạn chế tối đa việc giải phóng mặt bằng, không được lấn dòng sông, đảm bảo tiêu chí xanh của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là phải có đường dọc sông để người dân đi dạo. Ông Bắc khẳng định, việc điều chỉnh thiết kế sẽ không phát sinh kinh phí, dự kiến hoàn thành trong tháng 6 để tiến hành thi công hoàn chỉnh hạng mục phía dưới trước mùa mưa bão.

Gói thầu số 23 với giá trị hợp đồng trên 94 tỷ đồng, bao gồm nạo vét và kè sông An Hòa (phường An Hòa, TP. Huế) rộng 2m, dài 2,5km; chỉnh trang và xây dựng kè dọc 2 bờ sông An Cựu; kè sông Như Ý. Đến nay đơn vị thi công là Công ty CP xây dựng công trình 568 đã thực hiện đạt 21,7% giá trị xây lắp theo hợp đồng.

leftcenterrightdel
 Hạng mục kè sông Như Ý đang triển khai thi công

Hiện nay, nhà thầu đang triển khai một số hạng mục như kè sông Như Ý thi công được 547m/650m kè, 520m/650m mương thoát nước, triển khai đắp đất gia cố mái taluy kè và lắp đặt bó vỉa. Đã hoàn thành thi công kè, bồn hoa, mương thoát nước dọc, đắp đường đi dạo kè An Cựu…

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương trong lần kiểm tra các gói thầu thuộc chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) đã chỉ ra những điềm chưa phù hợp trong phương án xây dựng kè tại một số địa điểm; việc thi công sẽ làm thu hẹp dòng sông An Hòa và ảnh hưởng đến dòng chảy cũng như không gian chung của khu vực tại gói thầu số 23.

Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh giao đơn vị chủ đầu tư tiến hành điều chỉnh phương án xây dựng kè phù hợp với từng vị trí cụ thể, với phương châm làm vị trí nào chắc vị trí đó, ưu tiên các điểm bị và có dấu hiệu sạt lở. Nhất là phải tuân thủ nguyên tắc không được lấn dòng sông trong quá trình xây dựng tuyến kè. Yêu cầu các đơn vị nêu cao vai trò giám sát trong quá trình triển khai thi công, thi công đến đâu hoàn thiện và đảm bảo chất lượng đến đó.

Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc và Hà Giang là 3 địa phương thực hiện Chương trình phát triển các đô thị loại II từ khoản vay 223,87 triệu USD của ADB. Tại Thừa Thiên Huế đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu 10 gói thầu, trong đó 2 gói thầu đã đưa vào sử dụng, 8 gói thầu đang triển khai thi công và đều triển khai tại địa bàn TP. Huế.

Tại hạng mục chỉnh trang, nạo vét hồ Xã Tắc, phường Thuận Hòa, thuộc gói thầu số 24, đơn vị trúng thầu là Công ty cổ phần Xây dựng và thương mại 299 đang khẩn trương huy động nhân lực, phương tiện khẩn trương thi công.

Ông Võ Văn Việt, Giám đốc Ban QLDA cho biết, đây là hồ di tích nên việc lập hồ sơ, phê duyệt thiết kế phải được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch phê duyệt. Trong quá trình thi công phải có sự giám sát của Hội đồng di sản.

Ngoài hạng mục nạo vét hồ Xã Tắc, gói thầu số 24 còn tiến hành thi công nạo vét, chỉnh trang các hồ Phong Trạch, Cây Mưng, Tiền Bảo, hồ Vuông; chỉnh trang và xây dựng kè bờ sông Đông Ba cùng hệ thống thoát nước, vỉa hè 16 tuyến đường thuộc 4 phường nội thành với giá trị hợp đồng hơn 224 tỷ đồng.

Theo Ban QLDA, đến nay gói thầu đang triển khai thi công 14 tuyến đường và các hồ, kè sông Đông Ba. Nhà thầu đã thi công hoàn trả mặt đường, thảm bê tông nhựa 11 tuyến đường như Ông Ích Khiêm, Tôn Thất Thiệp, Lương Ngọc Quyến, Trần Quốc Toản, Mang Cá, Đinh Công Tráng, Đặng Dung, Hàn Thuyên, Xuân 68, một phần đường Lê Thánh Tôn, Nguyễn Biểu.

Tại gói thầu này việc bàn giao mặt bằng để thi công 16 tuyến đường chỉ mới đáp ứng được khoảng 33%. Vì vậy, Ban QLDA kiến nghị UBND TP. Huế chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế sớm phối hợp, bàn giao mặt bằng để hoàn thành công tác chi trả chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng.

Thời gian qua, người dân phường Thủy Xuân và xã Thủy Bằng tỏ ra khá bức xúc và lo lắng khi hạng mục thi công đường Huyền Trân Công Chúa đoạn từ cầu Gò Bối đến Quốc lộ 49A triển khai chậm, đơn vị trúng thầu thường xuyên không tổ chức thi công, ảnh hưởng môi trường, an toàn giao thông.

Ông Võ Văn Việt cho biết, đây là hợp phần thuộc gói thầu số 27 do Công ty cổ phần xây dựng 68 Hà Tĩnh thi công và chậm tiến độ so với hợp đồng đã ký. Ban QLDA đã nhiều lần cảnh báo và yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công.

Ông Võ Văn Việt cho biết thêm: “Dự án sẽ kết thúc vào tháng 4/2024, nhưng hiện nay có nhiều gói thầu đang vướng mắc việc giải phóng mặt bằng. Chúng tôi cũng nhiều lần đề nghị UBND TP. Huế chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công triển khai đáp ứng tiến độ. Đồng thời, Sở TN&MT cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh về việc rà soát quỹ đất tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng cho dự án”.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN