leftcenterrightdel
 Giá đất công bố theo thời điểm dự thầu thường thấp hơn phần nửa tại mỏ khai thác

"Không còn lợi nhuận, duy trì cầm cự"

Đó là những cụm từ thể hiện rõ nhất tâm tư của những nhà thầu xây dựng hiện nay. Không chỉ các DN nhỏ ảnh hưởng, mà những "ông lớn" trong ngành xây dựng cũng cùng tâm trạng. Cái khó của DN xây dựng là những hợp đồng đã trúng thầu rất khó để điều chỉnh giá hoặc giãn tiến độ xây dựng, nghĩa là họ làm không lợi nhuận, thậm chí thua lỗ nặng với đà tăng giá vật liệu như hiện nay.

Ông Trần Quang Ánh, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý đường bộ và Xây dựng Công trình Thừa Thiên Huế (Quản lý Xây dựng đường bộ) chia sẻ, công ty có “thương hiệu” trong nghề giao thông nhiều năm, thế nhưng chưa bao giờ thấy khó khăn như hiện nay. Khó là lúc đấu thầu giá VLXD thấp, khi thực hiện dự án thì giá VLXD (cát, đất, đá, sắt thép, dầu máy…) tăng gấp đôi, trong khi đó, giá không được điều chỉnh, các chủ đầu tư chỉ thanh quyết toán theo giá công bố của liên sở: Xây dựng và Tài chính.

 Bình quân mỗi năm công ty CP Quản lý Xây dựng đường bộ đấu thầu thi công chừng trên dưới 10 công trình. Đơn cử như đến thời điểm này công ty đang thi công tuyến đường Phú Mỹ - Thuận An, đường tây phá Tam Giang và hai đầu cầu đường dẫn vào cầu vượt sông Hương, các Tỉnh lộ 10D, 10E…

Theo ông Trần Quang Ánh, chỉ tính riêng giá đất đắp tại tuyến đường Phú Mỹ - Thuận An dài hơn 1,2km và tuyến đường tây phá Tam Giang đã cần mua gần 100 nghìn m3 đất K95 ở các mỏ vùng đồi Thủy Phương (TX Hương Thủy). Theo đơn giá Nhà nước công bố tại thời điểm 95.000 đồng/m3; trong khi đó giá thực tế phải mua là 185.000 đồng/m3, tăng hơn 90.000 đồng/m3 cho thấy con số mà công ty gánh chịu lỗ. Bên cạnh đất bồi, còn lượng cát xay sử dụng đất đắp nền khá lớn mà giá công bố 80.000 đồng/m3, nhưng giá mua thực tế phải mua gần 150.000đồng/m3… Ngoài ra chưa kể giá nhân công, ca máy xúc đào, ủi… đều tăng gấp đôi buộc DN phải bù lỗ phần nửa.

Công ty CP Xây dựng Giao thông tỉnh lâu nay không chỉ tham gia đấu thầu thi công các dự án, công trình giao thông ở Thừa Thiên Huế mà còn ở Quảng Trị. Tuy vậy DN này đang “chóng mặt” khi nghĩ đến giá VLXD lúc công bố dự thầu so giá thực tế ở thị trường.

 Lãnh đạo Công ty CP Xây dựng Giao thông tỉnh giãi bày, hiện nay không chỉ thép tăng mà rất nhiều nguyên vật liệu xi măng, cát, đá đều tăng. Nếu so với mức giá khi dự thầu thấy chắc chắn ảnh hưởng lớn với các hợp đồng xây dựng đã ký kết. Thực tế DN đang rơi vào cảnh làm không còn lợi nhuận, duy trì để lấy ngắn nuôi dài.

“Thực tế này chúng tôi vô cùng khó khăn trong quá trình triển khai thi công dự án. Chủ đầu tư khó chấp thuận giãn tiến độ thi công hoặc điều chỉnh giá hợp đồng vì họ cũng bị ràng buộc pháp lý về tiến độ dự án, công trình” - lãnh đạo này nói.

Tiến thoái lưỡng nan

Việc giá VLXD tăng cao theo chúng tôi tìm hiểu có nhiều yếu tố cộng hưởng, trữ lượng mỏ đất, cát, đá ít; giá xăng dầu tăng, cước vận chuyển tăng, xe tải vận chuyển phải cắt phần cơi nới thành thùng… Giá VLXD tăng cũng là một trong những lý do hiện nay nhiều nhà thầu “tiến thoái lưỡng nan”, nhiều dự án chậm tiến độ, nhất là các hạng mục công trình cầu, đường tại dự án Đô thị xanh, TP. Huế làm mất lòng tin của người dân địa phương.

Chia sẻ về giá VLXD, một lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư khu vực huyện cho biết, hiện nay nhiều DN, nhà thầu “né” đấu thầu công trình, dự án xây dựng vì làm là thấy lỗ trước mắt, do có sự chênh giữa giá công bố và giá thực tế, nhưng lại không cách nào điều chỉnh đưa giá công bố tiệm cận với giá thị trường.

Lãnh đạo BQL Dự án Đầu tư Xây dựng công trình giao thông tỉnh cho rằng, lâu nay, đơn vị thực hiện việc đấu thầu, một là chọn gói, hai là điều chỉnh giá. Đối với hợp đồng chọn gói, đơn giá cố định, nên thời gian vừa qua, đơn vị cũng nhận được nhiều ý kiến phản ánh của DN “kêu” về đơn giá Nhà nước đưa ra thấp hơn so với giá thực tế thị trường.

Việc các DN kêu khó khăn là có thật, tuy nhiên về mặt quản lý Nhà nước, các BQL dự án, chủ đầu tư đều dựa vào giá công bố của liên sở: Xây dựng và Tài chính để xây dựng giá gói thầu, làm căn cứ tổ chức đấu thầu, ký kết hợp đồng, thanh toán, nghiệm thu các công trình có sử dụng vốn Nhà nước.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng, việc công bố giá dựa trên các tài liệu, thông tin, giá các mỏ cung cấp, hóa đơn ở các địa phương gửi về. Tuy nhiên, mỗi mỏ đất, đá, cát… gửi giá đều khác nhau và thẩm định dựa vào thông tin từ các đơn vị, địa phương gửi về làm độ tin cậy để công bố…

Việc giá VLXD công bố thấp hơn giá thị trường, ban ngành đơn vị chức năng đã nhận diện. Đây chính là “thước đo” chuẩn không chỉ của ngành Xây dựng, Tài chính quan tâm mà trở thành vấn đề chung của tỉnh cần sớm vào cuộc bàn giải, tháo gỡ để các DN, nhà thầu không rơi vào tình cảnh lao đao như hiện nay.

Bài, ảnh: MINH VĂN