Hội Văn nghệ dân gian có 50 hội viên, phần lớn đang công tác ở các trường đại học, cao đẳng, các viện, trung tâm nghiên cứu, cơ quan quản lý văn hóa nghệ thuật nên có tay nghề vững vàng. Nhiệm kỳ qua, Hội đã sưu tầm, nghiên cứu những lĩnh vực đang còn bỏ ngỏ; rà soát bước đầu những vấn đề đặt ra trong việc bảo tồn vốn văn hóa, văn nghệ dân gian đang có nguy cơ mai một. Hội đã ra mắt bạn đọc 36 tác phẩm, công trình; trong đó có 30 đầu sách thuộc dự án công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam.

Sự ra đời của hai bộ sách lớn “Tổng tập văn học dân gian Thừa Thiên Huế” (người Kinh) do Triều Nguyên biên soạn và bộ sách song ngữ Việt – Taôi, Việt – Cơtu “Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Thừa Thiên Huế” do Kê Sửu chủ biên đánh dấu một giai đoạn sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian ở địa phương: chuyển từ việc sưu tầm sang các nghiên cứu chuyên sâu về thể loại, tiểu thể loại, về văn bản và các nhóm văn bản…

Nhiệm kỳ tới, hội tiếp tục phát triển hội viên, chú ý đến đối tượng trẻ, quan tâm đến những người đang hoạt động sưu tầm, nghiên cứu ở địa bàn miền núi, vùng biển; chủ động trong việc sưu tầm, nghiên cứu; lập kế hoạch điều tra, soát xét những nội dung, sự việc về văn hóa dân gian ở phạm vi làng xã, để có thể triển khai thành những đề tài nghiên cứu nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị vốn có.

 

Trang Hiền