leftcenterrightdel
Shopee và Lazada hiện đang là 2 sàn thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á. Ảnh: Getty Images 

Các sàn thương mại điện tử hàng đầu

Báo cáo cho thấy khi lĩnh vực thương mại điện tử của Đông Nam Á tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2022, sàn thương mại điện tử Shopee của Sea Group vẫn dẫn đầu thị trường trong khu vực với GMV đạt 47,9 tỷ USD - gần 50% tổng GMV của khu vực và bỏ xa các đối thủ khác như Lazada, Tokopedia và TikTok Shop.

Với GMV năm 2022 đạt 20,1 tỷ USD – không mấy thay đổi so với mức của năm 2021, Lazada duy trì vị trí là sàn thương mại điện tử lớn thứ hai ở tất cả các quốc gia trong khu vực, ngoại trừ Indonesia - nơi nền tảng nội địa Tokopedia theo sát Shopee, với thị phần lần lượt là 35% và 36%.

Tuy nhiên, Lazada có thể đang đẩy mạnh vị thế sau khi nhận được khoản đầu tư 353 triệu USD từ Alibaba vào tháng 4/2023. Khoản vốn được đưa ra sau khi công ty mẹ của Lazada là Alibaba công bố kế hoạch chia hoạt động của mình thành 6 đơn vị kinh doanh. Các nhà phân tích cho biết động thái này sẽ mở ra những con đường tăng trưởng mới cho Lazada, bao gồm cả tùy chọn huy động vốn từ bên ngoài thông qua IPO (hình thức huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng).

Trong khi đó, ứng dụng mới nổi TikTok Shop đang bắt đầu lọt vào top 5 ở tất cả các quốc gia mà nó hoạt động trong khu vực, bao gồm Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Singapore và Philippines.

Nền tảng thương mại xã hội TikTok Shop được cho là đang nhắm mục tiêu sẽ đạtndoanh thu 20 tỷ USD trong năm nay. Vào năm ngoái, TikTok Shop có GMV đạt 4,4 tỷ USD ở Đông Nam Á, đánh dấu mức tăng trưởng đáng kể 363% so với một năm trước đó.

Theo báo cáo của Momentum Works, tổng GMV thương mại điện tử của Đông Nam Á dự kiến sẽ đạt 175 tỷ USD vào năm 2028 theo một kịch bản bình thường, và có tiềm năng tăng lên đến 232 tỷ USD trong kịch bản tốt nhất.

Jianggan Li, người sáng lập và CEO của Momentum Works, nhận định rằng “thương mại điện tử ở Đông Nam Á có thể sẽ đi theo một quỹ đạo bình thường và “khoẻ mạnh” trong vài năm tới”.

leftcenterrightdel
Thị phần thương mại điện tử Đông Nam Á năm 2022. Nguồn: Momentum Works

Ưu thế của Đông Nam Á

Phân tích về những lợi thế của Đông Nam Á về thương mại điện tử, trang Linkedin cho rằng khu vực này có một thị trường thương mại điện tử phát triển mạnh với một trong những tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Đông Nam Á có dân số hơn 640 triệu người, đang số hóa và có tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng, khiến cho khu vực trở thành một thị trường hấp dẫn cho các doanh nghiệp thương mại điện tử. Trong quá trình số hóa, sự gia tăng thâm nhập của internet và di động, cũng như việc tăng cường sử dụng thanh toán kỹ thuật số và phát triển cơ sở hạ tầng hậu cần trong khu vực, tất cả đã góp phần vào sự phát triển của thương mại điện tử ở Đông Nam Á.

Trước đó, một báo cáo do Google, Temasek và Bain & Company công bố cho thấy thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á dự kiến sẽ đạt 150 tỷ USD vào năm 2025. Ước tính khoảng 80% các giao dịch thương mại điện tử ở Đông Nam Á được thúc đẩy bởi mô hình thương mại điện tử trung gian, kết nối giữa người bán và người mua thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, cung cấp nhiều loại sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng lựa chọn.

Thị trường lớn nhưng cạnh tranh cao

Tuy nhiên, thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á rất phân mảnh, với các quốc gia khác nhau - thậm chí cả các khu vực khác nhau trong một quốc gia, có bối cảnh thương mại điện tử khác biệt. Chẳng hạn như Indonesia, với dân số đông và tỷ lệ sử dụng internet ngày càng tăng nhanh, là thị trường trọng điểm của thương mại điện tử Đông Nam Á và có nhiều công ty phát triển trong ngành này. Trong khi đó các quốc gia khác, ví dụ như Lào, vẫn có thị trường thương mại điện tử kém phát triển hơn và chỉ có một hoặc một vài doanh nghiệp nhỏ.

Đặc biệt, thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á còn có tính cạnh tranh cao, với nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế tranh giành thị phần. Nhiều công ty trong số này - cả nội địa và quốc tế, đều được tài trợ tốt, cho phép họ mở rộng nhanh chóng và đầu tư vào tiếp thị và hậu cần.

Trong các loại hình mua hàng, thời trang, đồ điện tử và hàng tạp hóa là những loại sản phẩm phổ biến nhất ở Đông Nam Á. Một số sàn thương mại điện tử, chẳng hạn như Shopee, Lazada, và Tokopedia, bán nhiều loại sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng, trong khi những công ty khác, chẳng hạn như Carousell, chuyên về hàng hóa đã qua sử dụng.

Theo các chuyên gia, thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á rất đa dạng và đang phát triển nhanh chóng, mang đến những cơ hội đáng kể cho các doanh nghiệp muốn mở rộng ra khu vực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ cần có khả năng vượt qua các thách thức khác nhau về văn hóa, hậu cần và quy định đi kèm với việc kinh doanh ở Đông Nam Á để thành công ở thị trường này.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Momentum Works & Linkedin)