leftcenterrightdel
 Lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh đạo tỉnh tham quan các gian hàng trưng bày mỹ phẩm trong khuôn khổ hội thảo

Thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang trở thành một thị trường có nhiều tiềm năng và sức hút. Hàng nghìn thương hiệu mỹ phẩm đã xuất hiện tại Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau. Một số thương hiệu mỹ phẩm sản xuất trong nước cũng xuất khẩu ra nước ngoài.

Trong điều kiện nhu cầu xã hội về mỹ phẩm tăng cao cùng với phát triển thương mại điện tử, tăng cường công tác quản lý mỹ phẩm bằng các văn bản quy phạm pháp luật và các nhóm giải pháp kịp thời, hữu hiệu trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cho biết, những năm qua, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo, thực hành, nghiên cứu trên lĩnh vực y tế, trong đó chú trọng lĩnh vực mỹ phẩm. Thừa Thiên Huế cũng là địa phương sớm thành lập Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh để thực hiện kiểm tra, giám sát và quản lý chất lượng mỹ phẩm.

Công tác quản lý mỹ phẩm trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng; các hoạt động kiểm tra, giám sát và quản lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn thực hiện theo quy định...

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương, hiện nay việc thực thi các quy định của pháp luật về quản lý mỹ phẩm còn chồng chéo giữa các pháp luật chuyên ngành; các nghị định, thông tư quy định về quản lý, sản xuất mỹ phẩm chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời; tình trạng sản xuất, kinh doanh, quảng cáo mỹ phẩm có nhiều biến tướng và phức tạp, nhất là kinh doanh trên mạng internet, trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và các trang mạng xã hội, các sản phẩm mỹ phẩm được rao bán, quảng cáo rất đa dạng về chủng loại, không rõ nguồn gốc; nhiều sản phẩm mỹ phẩm chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; quảng cáo sản phẩm không phù hợp với tính năng, công dụng đã công bố hoặc vượt quá tính năng vốn có của sản phẩm.

Do vậy, ông Phương cho rằng, cần xây dựng văn bản pháp lý đủ tầm và có tính tổng thể, đưa ra những chính sách, quy định cho giai đoạn tiếp theo để điều chỉnh, thay thế các quy định không còn phù hợp với thực tế; đồng thời tạo tiền đề, định hướng cho ngành sản xuất mỹ phẩm trong nước phát triển.

Tại hội thảo, nhiều báo cáo, tham luận của các nhà quản lý, nhà chuyên môn cũng chia sẻ về thực trạng quản lý mỹ phẩm hiện tại và định hướng quản lý mỹ phẩm trong thời gian tới. Ngoài ra, các đại biểu cũng được nghe báo cáo tổng kết tình hình thi hành pháp luật về mỹ phẩm, các khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị. Đồng thời có những trao đổi, thảo luận về thực trạng quản lý mỹ phẩm và định hướng quản lý mỹ phẩm, các môi trường kinh doanh mỹ phẩm và có những đề xuất, kiến nghị tạo tiền đề, định hướng cho ngành sản xuất mỹ phẩm trong nước phát triển trong thời gian tới.

THỌ BỐN