leftcenterrightdel
Người dân vẫn chọn gửi tiết kiệm thay vì đầu tư 

Lãi suất tiền gửi dưới ngưỡng 8%/năm

Sau các phiên giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cho vay và vay trong hệ thống ngân hàng, các ngân hàng thương mại cũng điều chỉnh biểu lãi suất tiền gửi theo hướng giảm làm cơ sở triển khai các chương trình ưu đãi lãi suất, giảm lãi suất cho vay mức giảm so với đầu năm giao động ở mức 1,2 đến 1,6 điểm %.

Nếu như đầu năm 2023, các ngân hàng thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (bao gồm các khoản khuyến mại cộng lãi suất) thì đến nay, mặt bằng lãi suất ở các kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng đã giảm xuống dưới mức 8% và chỉ còn một số rất ít ngân hàng đang áp dụng lãi suất huy động trên 8%/năm.

Khảo sát tại các chi nhánh ngân hàng Nhà nước trên địa bàn như Vietinbank, Vietcombank, Agribank, BIDV lãi suất cao nhất đang được niêm yết ở mức 6,8% áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên; lãi suất kỳ hạn 6-9 tháng cũng đang áp dụng mức lãi 5,5%. Mức lãi suất này đã giảm gần 0,5 điểm % so với tháng trước đó.

Khối ngân hàng thương mại cổ phần cũng không nằm ngoài xu hướng này, khi các ngân hàng đều công bố biểu lãi suất mới theo hướng giảm. Đa số các ngân hàng đều duy trì mức lãi suất dưới 8% cho kỳ hạn trên 12 tháng, rất ít ngân hàng áp dụng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng từ 8 - 8,2%/năm. Hiện, mức lãi suất được niêm yết cao nhất là ngân hàng VIB với mức lãi cao nhất 8,2%.

Việc giảm lãi suất tại các kỳ hạn cho thấy các ngân hàng đang có sự đồng thuận cao trong nỗ lực giảm lãi suất huy động, tạo điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn.

Vốn vẫn chảy vào ngân hàng

Dù lãi suất tại các ngân hàng đang có xu hướng giảm, song khác xa với các dự đoán trước đó, dòng tiền vẫn đang chảy vào các ngân hàng.

Nhiều nhà đầu tư lý giải, thị trường bất động sản gần đây khá im ắng. Mặc dù, giá bất động sản giảm nhưng khả năng thanh khoản rất thấp. Chưa nói, để đầu tư bất động sản, nhà đầu tư phải cần thêm “trợ lực” từ nguồn vốn tín dụng, trong khi đó lãi suất cho vay hiện đang ở mức cao nên nếu đầu tư vào bất động sản khá “nguy hiểm”.

Vị này cho hay, chỉ khi lãi suất cho vay duy trì ngưỡng 10%/năm kênh đầu tư bất động sản mới thật sự hiệu quả. Trong khi đó, đầu tư vào vàng, USD trong bối cảnh này cũng không mấy khả quan vì tỷ giá ít biến động. Thị trường chứng khoán dù có những tín hiệu khả quan song vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là trong thời điểm các doanh nghiệp đang gặp khó khăn như hiện nay. Vì thế, gửi ngân hàng vẫn là kênh đầu tư hiệu quả, ít mạo hiểm hơn.

Điều này phần nào lý giải cho sự tăng trưởng nguồn vốn huy động trong những tháng qua. Số liệu từ Cục Thống kê cho thấy, tính đến cuối tháng 5/2023, tổng nguồn vốn huy động đạt 64,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3.071 tỷ đồng, tương ứng tăng 5,98% so với cuối năm 2022. Nếu so với tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng cùng kỳ năm 2022, thì nguồn vốn này cũng tăng hơn 5.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, về lâu dài nếu lãi suất tiếp tục giảm sâu, dòng tiền nhàn rỗi có thể sẽ tìm kiếm những “nơi an trú” khác hiệu quả hơn.

Bài, ảnh: Hoàng Anh