leftcenterrightdel
 Cầu mây Huế cũng từng gặt hái nhiều thành tích khi thi đấu giải

Đi sau nhưng… không chậm

Nếu trước đây, có 9 bộ môn thể thao ở Trường trung cấp Thể dục Thể thao Huế, cũng là các bộ môn thể thao thành tích cao đóng góp huy chương cho thể thao tỉnh nhà là: vật, karatedo, taekwondo, judo, bắn cung, đá cầu, điền kinh, cờ, cầu lông thì với việc sắp xếp các bộ môn mới đây (đầu năm 2023) đã hình thành, đầu tư xây dựng các môn thể thao mới, có chỉ tiêu vận động viên (VĐV). Trong đó, ngoài tách cờ vua - cờ tướng, đá cầu - cầu mây thành các môn thể thao riêng, Huế còn có lực lượng được đầu tư tập luyện thêm môn thể thao jujitsu, vovinam.

Jujitsu có nghĩa là nhu thuật. Đây cũng là môn khá lạ với người hâm mộ thể thao Cố đô. Môn thể thao này dùng sự khéo léo, uyển chuyển, dịu dàng của cơ thể để chế ngự sức mạnh của đối thủ. Đây không phải là một môn võ riêng lẻ, mà nó là tổng hợp các kỹ năng đỉnh cao của nhiều môn phái võ thuật cổ truyền của người Nhật Bản.

Năm 2016, huấn luyện viên Chu Minh Tuấn khi ấy là VĐV judo đã chuyển sang tập luyện jujitsu để đón đầu những cơ hội trong thể thao. Hai năm sau, ở giải tiền vô địch với mục đích thử nghiệm đưa vào hệ thống giải quốc gia, Huế giành được huy chương vàng. Năm 2019, tại Giải vô địch quốc gia ở Hà Nội, VĐV “tay ngang” của Huế đi thi đấu giành được huy chương đồng và sau đó 1 năm, Huế mới bắt đầu có những VĐV mới tập trung tập luyện jujitsu. Những bước thử nghiệm cho kết quả khả quan khiến ngành thể thao có hướng đầu tư cho jujitsu tại kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022. Không phụ mong đợi, ở sân chơi này, các VĐV jujitsu tỉnh nhà gặt hái 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 2 huy chương đồng. Năm 2023, ở Giải vô địch châu Á, dù Việt Nam nói chung, Huế nói riêng có phong trào tập jujitsu đi sau nước bạn chừng 15 năm, nhưng các VĐV Huế cũng đã xuất sắc lọt top 8.

leftcenterrightdel
 Buổi tập của các vận động viên jujitsu Huế

Năm 2023 cũng là thời điểm các bộ môn thể thao tỉnh nhà có sự sắp xếp lại, VĐV đi thi đấu jujitsu, vovinam... không chỉ là VĐV phong trào hoặc tay ngang như trước. Theo đại diện lãnh đạo Trường trung cấp Thể dục Thể thao Huế, hiện có 13 môn thể thao thành tích cao, những môn mới đã bước đầu bắt nhịp khá tốt.

Ngoài jujitsu, cầu mây cũng chứng tỏ được mình là “làn gió mới” khi xuất hiện năm 2020 và gặt hái được huy chương. Thời điểm ấy, Huế được chọn là nơi tổ chức giải cầu mây của quốc gia và bộ môn đá cầu đã tổ chức VĐV thi đấu để rồi giành được 1 huy chương đồng. Một năm sau, ở Giải vô địch đá cầu bãi biển, nội dung cầu mây của Huế đã giành 1 huy chương vàng. Qua các mùa giải năm 2022, 2023, thành tích cầu mây Huế tuy không quá nổi bật, nhưng sự góp mặt của các VĐV đã làm dày thêm bộ sưu tập thành tích. Đến nay, cầu mây Huế có một lực lượng VĐV chính thức gần 10 người.

Với vovinam, môn thể thao này đã quen thuộc với những người yêu võ ở đất Cố đô. Với phong trào tập luyện mạnh, vovinam cũng đã tạo ra những cơ hội mới cho thể thao Huế. Mới đây, ở Giải cúp quốc gia năm 2023, vovinam Huế đã giành được huy chương bạc.

Vượt khó

Những môn thể thao mới bao giờ cũng có những thuận lợi, đi kèm khó khăn. Sự quan tâm của ngành thể thao khiến jujitsu, cầu mây, vovinam hay những môn thể thao khác có điều kiện phát triển. Nền tảng từ những trải nghiệm vài năm qua (trước khi thành môn thể thao độc lập) giúp cho ban huấn luyện các môn thể thao này tích lũy kinh nghiệm. Mặt khác, tại Huế, jujitsu, cầu mây, vovinam đều có nền tảng để tạo khác biệt. Số lượng người tập vovinam khá nhiều cũng là điều kiện để tuyển quân. Huấn luyện viên trưởng jujitsu Huế Chu Minh Tuấn cho biết, nếu xét về phong trào tập luyện, jujitsu Huế đang đứng top 3 toàn quốc sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Khi phong trào tốt, việc tuyển VĐV để đào tạo, bồi dưỡng sẽ thuận lợi hơn.

Cái khó của Huế là kinh phí đầu tư cho thể thao. Dù địa phương rất quan tâm, nhưng so sánh với các thành phố lớn, ít nhiều VĐV ở Cố đô vẫn chưa thể đặt ngang hàng. Chỉ tiêu VĐV của các môn thể thao mới đang còn ít. Nhìn vào jujitsu Thái Nguyên, Hà Nam, Thái Bình… họ có phong trào tập luyện đi sau Huế nhưng sự đầu tư VĐV cấp đội tuyển đang rất được chú trọng. Huấn luyện trưởng cầu mây Huế - Lê Phú Vĩnh Long cũng cho rằng, để có lứa VĐV đạt độ chín cần thời gian và sự đầu tư lớn.

Dĩ nhiên, cái dễ - cái khó luôn song hành. Các kỳ đại hội thể dục thể thao toàn quốc có đến hơn 40 môn thể thao và việc đầu tư đội ngũ, tập luyện, phát triển thêm môn thể thao đúng hướng sẽ tăng cơ hội tranh chấp và gặt hái huy chương. Nói dễ cũng được, khó cũng được, nhưng quan trọng là quyết tâm vượt khó để tạo cơ hội mới.

Bài, ảnh: Hữu Phúc