leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại buổi lễ 

Trải qua lịch sử hơn 700 năm kể từ khi mở cõi, các bậc tiền nhân đã không ngừng phát huy công sức, trí tuệ để gây dựng nên một xứ Huế “sơn thuỷ hữu tình”, yên bình và giàu bản sắc; hun đúc nên những phẩm chất quý báu của con người Huế: yêu nước, kiên trung, đoàn kết, hoà thuận, hiếu học, tinh tế, khiêm nhường và mến khách. Huế tự hào là quê hương của nhiều nhà yêu nước, nhà cách mạng, văn nghệ sĩ tài hoa; là nơi ghi dấu ấn quan trọng trong cuộc đời, sự nghiệp của nhiều nhân sĩ, trí thức Việt Nam; và cũng là mảnh đất lưu dấu nhiều ân tình đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu.

Văn hoá Huế là văn hóa đặc sắc trong tổng thể nền văn hóa Việt Nam. Sự đan xen, hòa quyện giữa nhiều sắc thái văn hóa đậm đà với vẻ đẹp mộng mơ của Sông Hương, núi Ngự Bình, phá Tam Giang, vịnh Lăng Cô, vườn quốc gia Bạch Mã cùng nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ khác đã làm nên đặc trưng, phong vị riêng, không nơi nào có được của văn hóa Huế. Trải qua thời gian, những đặc trưng, phong vị đó được kết tinh sâu lắng trong hệ thống giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, từ kiến trúc, âm nhạc, tín ngưỡng, lễ nghi, đến ẩm thực, ngành nghề thủ công truyền thống… toả sáng, trở thành niềm tự hào của văn hóa Việt Nam và được thế giới tôn vinh, công nhận.

Với việc Quần thể Di tích Cố đô Huế - Di sản Văn hoá đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới và 10 năm sau đó, là Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam đã mở đường đưa những di sản văn hóa Việt Nam từng bước hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, khẳng định với thế giới rằng: Văn hoá Việt Nam là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Việt Nam là một quốc gia giàu có về văn hóa và có tiềm năng để phát triển mạnh ngành công nghiệp, dịch vụ văn hoá.

leftcenterrightdel
 Chương trình nghệ thuật tôn vinh Di sản 

Ngày nay, Thừa Thiên Huế đang lưu giữ gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa và hơn 500 lễ hội các loại, phản ánh sâu sắc một giai đoạn lịch sử văn hóa quan trọng của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là tỉnh duy nhất không chỉ ở Việt Nam mà còn trong cả khu vực Đông Nam Á có 07 di sản được UNESCO ghi danh. Di sản Huế hoà quyện trong sự đa dạng, đặc sắc của văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Huế đã thể hiện rõ tầm vóc, giá trị, trở thành động lực to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế. Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị khoá XII về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định: "Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh".

Đặc biệt, Di sản Huế còn là một kênh ngoại giao văn hóa đặc sắc, là nhịp cầu nối hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy các mối quan hệ bang giao, hợp tác hữu nghị, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Từ năm 2000, qua các kỳ Festival Huế, di sản văn hóa Huế đã được giới thiệu, quảng bá rộng rãi ra thế giới, ngày càng được nhiều người biết đến. Di sản Huế là địa điểm thường xuyên đón tiếp các nhà lãnh đạo, các nguyên thủ quốc gia, các đối tác trong và ngoài nước mỗi khi đến Huế và Việt Nam, để lại nhiều dấu ấn sâu đậm. Đó thực sự là một niềm tự hào to lớn của nhân dân Thừa Thiên Huế, nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài, là minh chứng sinh động khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng ta: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Kế thừa và tiếp nối những thành quả to lớn và rất đáng tự hào đó, chúng ta cần tiếp tục cao nhận thức về vị trí, vai trò của giá trị văn hóa, sức mạnh con người trong phát triển Thừa Thiên Huế. Quán triệt sâu sắc Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị để hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, phát triển văn hóa và con người Huế nói riêng, đẩy mạnh sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể tại Cố đô Huế. Bám sát nguyên tắc xử lý hài hoà mối quan hệ giữa gìn giữ, bảo tồn và phát huy, phát triển; khai thác, phát huy để tạo ra những giá trị kinh tế của di sản văn hoá phải luôn đi đôi với bảo tồn, tôn tạo để phát triển bền vững. Đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá để lan toả các giá trị biểu trưng của Di sản vùng đất Cố đô Huế. Tăng cường nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, con người, phát triển có trọng tâm, trọng điểm để tạo sự bứt phá của một số ngành công nghiệp văn hóa, dịch vụ văn hoá có tiềm năng, thế mạnh to lớn của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Lễ kỷ niệm 30 năm quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, 20 năm Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại được tổ chức hôm nay là sự kiện có nhiều ý nghĩa đối với tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung. Với kinh nghiệm, bản lĩnh cùng những nỗ lực to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế; sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và các ban, bộ, ngành, các địa phương; sự giúp đỡ, chia sẻ và đồng hành của nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, các giá trị di sản văn hoá đặc sắc của Huế sẽ mãi được giữ gìn bền vững, trao truyền cho hôm nay và các thế hệ mai sau, mãi trường tồn cùng dân tộc. 

NGUYỄN XUÂN THẮNG
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương