Trong lĩnh vực báo chí, tư duy này cũng không ngoại lệ. Logic trên có vẻ không sai trong thế kỷ trước, cũng như trong thập niên đầu của thế kỷ 21.

Nhưng, khi truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ cùng với sự phổ cập về internet, các thiết bị di động ngày càng hiện đại và ngày càng có mức giá hợp lý, xem ra lập luận về sự tụt hậu của các nền kinh tế đang phát triển - trong việc nắm bắt công nghệ mới, cách làm báo mới - không còn xác đáng nữa.

Một xã hội kết nối khiến cho mọi khoảng cách đều thu hẹp, kể cả "khoảng cách số". Chẳng có công nghệ làm báo nào trên thế giới vắng mặt ở Việt Nam hiện tại, từ các thiết bị phát thanh-truyền hình cho đến các hệ thống quản trị nội dung cho báo điện tử, từ các hệ thống công nghệ phức tạp cho tòa soạn tới những công cụ tác nghiệp cá nhân của các nhà báo.

Tuy nhiên, sở hữu hệ thống công nghệ hay máy móc hiện đại không đồng nghĩa với một tòa soạn hiện đại và một phương thức làm báo hiện đại, nếu không đi kèm một chiến lược rõ ràng, biết công nghệ nào là hữu ích cho tờ báo của mình hoặc công nghệ nào không phù hợp, để tránh đầu tư dàn trải và tốn kém.

Trí tuệ nhân tạo đang tạo ra thách thức lớn chưa từng thấy với báo chí, nhất là sau sự xuất hiện của ChatGPT.

Suốt một thời gian dài, truyền thông xã hội được coi là một phần không thể tách rời trong hoạt động của một cơ quan báo chí, song những diễn biến mới nhất cho thấy mối quan hệ tưởng chừng cộng sinh để phát triển này lại đang lung lay hơn bao giờ hết. Đó là chưa kể đến việc độc giả, khán thính giả đang thay đổi hành vi "tiêu dùng" thông tin, thậm chí né tránh thông tin và đang di chuyển lên các nền tảng mà báo chí chưa chi phối được.

Và cuối cùng, cách làm kinh tế báo chí bây giờ cũng khác, các báo đài không thể chỉ dựa vào quảng cáo được nữa mà cần phải đa dạng nguồn thu để bảo đảm cho một tương lai bền vững.

Vì thế, việc nghiên cứu các xu hướng báo chí, truyền thông và công nghệ trên thế giới trở thành đòi hỏi cấp thiết đối với các cơ quan báo chí và từng cá nhân các nhà báo - có thể thông qua các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế, thông qua những tài liệu nghiên cứu được phát hành hoặc cập nhật thường xuyên mỗi năm, mỗi quý.


Trong số báo đặc biệt nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 năm nay, Báo Nhân Dân tổng hợp ba bản báo cáo mới nhất trên thế giới của các tổ chức nghiên cứu uy tín là Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters (Dự báo và Xu hướng Báo chí, Truyền thông và Công nghệ năm 2023, phát hành tháng 1/2023), Viện nghiên cứu Future Today (Báo cáo Xu hướng Công nghệ 2023, phát hành tháng 3/2023) và WAN-IFRA (Báo cáo Triển vọng Báo chí Thế giới 2022-2023, phát hành tháng 3/2023) với mong muốn cung cấp những thông tin mới nhất để các cơ quan báo chí trong nước có thể tham khảo và xem xét ứng dụng trong hoạt động của mình. Nói câu chuyện của quốc tế, nhưng cũng chính là để soi lại hoạt động của chính các cơ quan báo chí trong nước và tìm ra con đường phù hợp cho mình.


Vào đầu năm 2022, không ai có thể tưởng tượng thế giới sẽ mắc kẹt trong một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn và kéo dài như cuộc đối đầu giữa Nga và Ukraine, điều dẫn đến một cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát tăng vọt tại nhiều quốc gia. Sự bất ổn do chiến sự cùng sự bấp bênh về kinh tế khiến cho nguồn tài chính dành cho báo chí càng trở nên khan hiếm.

Doanh nghiệp giảm chi phí cho quảng cáo đúng vào lúc các hộ gia đình thắt chặt chi tiêu, còn các cơ quan báo chí vấp phải thực trạng chi phí sản xuất tăng cao.

Những cơ quan báo chí vẫn phụ thuộc nhiều vào báo in sẽ đặc biệt bị ảnh hưởng, vì giá giấy tăng gấp đôi. Vào cuối năm 2022, cơn bão khó khăn đã khiến hàng loạt cơ quan báo chí phải sa thải nhân viên, giảm ngân sách và tiến hành nhiều biện pháp cắt giảm chi phí khác.

Các cơ quan báo chí không tin tưởng nhiều vào triển vọng kinh doanh so với thời điểm này năm ngoái.

Lo ngại lớn nhất là việc chi phí gia tăng, doanh nghiệp ít quan tâm đến quảng cáo, trong khi việc thu phí chưa thể tăng trưởng mạnh. Kể cả những lãnh đạo có quan điểm lạc quan cũng cho rằng: Năm 2023 sẽ phải giảm bớt nhân sự và triển khai các biện pháp cắt giảm chi phí.

Chưa đến một nửa (44%) số tổng biên tập, tổng giám đốc (CEO) và lãnh đạo các cơ quan báo chí digital tham gia cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters bày tỏ sự tin tưởng vào triển vọng kinh doanh trong năm nay, trong khi có tới 37% không chắc chắn và gần một phần năm (19%) ít tin tưởng.

Tại Mỹ, tập đoàn Gannett dự tính sẽ cắt giảm thêm 6% nhân sự thuộc bộ phận tin tức, tương đương khoảng 200 nhân viên. Báo The Washington Post sẽ ngừng ra tờ tạp chí in sau 60 năm tồn tại, CNN sa thải hàng trăm người, trong khi đài phát thanh NPR chuẩn bị có đợt cắt giảm mạnh do khó khăn về tài chính.

Bức tranh không sáng sủa này cũng xảy ra ở nhiều quốc gia khác.

Các cơ quan báo chí digital cũng không miễn nhiễm. BuzzFeed cho nghỉ thêm 180 nhân viên và thậm chí hồi cuối tháng 4 đã đóng cửa luôn bộ phận tin tức, trong khi Morning Brew sa thải 14% lực lượng lao động.

Tình trạng sụt giảm lượng truy cập từ các nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook (Meta) và Twitter càng làm khó khăn thêm chồng chất, nhất là với những cơ quan báo chí lâu nay phụ thuộc quá nhiều vào việc phát hành nội dung trên mạng xã hội.

Tại châu Âu, các tòa soạn đang phải chứng kiến sự suy giảm đáng lo ngại về lượng phát hành báo in, một phần do các mạng lưới phát hành bị đứt gãy.

"Tình trạng sụt giảm sau đại dịch Covid-19, lạm phát cùng những khó khăn về phát hành báo in khiến niềm tin vào triển vọng tăng trưởng bị giảm sút", Philippe Remarque, chủ bút DPG ở Hà Lan phát biểu.

Đó cũng là câu chuyện tương tự ở Pháp, theo như lời một CEO của một cơ quan báo chí hàng đầu: "Các báo đang bị giảm số lượng phát hành bản in cũng như số người trả phí digital, trong khi giá giấy thì tăng lên".

Bên ngoài châu Âu, các cơ quan báo chí, dù lớn hay nhỏ, cũng vấp phải sức ép như vậy. "Doanh thu từ độc giả tiếp tục tăng nhưng tốc độ chậm hơn", Styli Charalambous, CEO của tờ Daily Maverick tại Nam Phi cho biết. "Quảng cáo và tài trợ chắc sẽ khó mà tăng được nữa", ông nói.

Chính vì vậy, những tờ báo còn lệ thuộc quá nhiều vào phát hành báo in hoặc doanh thu quảng cáo sẽ vô cùng khó khăn trong năm nay.

Các nhật báo địa phương và khu vực đặc biệt vất vả và nhiều khả năng chính phủ ở nhiều quốc gia sẽ phải can thiệp để hỗ trợ khu vực này.

Các đài phát thanh-truyền hình đứng trước đòi hỏi phải áp dụng ngày càng nhiều công nghệ mới, trong khi khán, thính giả sụt giảm nhanh chóng (ở tất cả các nhóm tuổi) đối với các chương trình tin tức và bình luận.

Tình hình sẽ khó cải thiện, vì hầu hết các kênh truyền hình và phát thanh thương mại vẫn phụ thuộc quá nhiều vào quảng cáo hoặc phí truyền phát sóng, trong khi nguồn doanh thu trực tiếp từ khán giả và thính giả rất ít.

Việc Netflix bắt đầu tiến vào thị trường quảng cáo sẽ càng gây sức ép đối với các đài phát thanh-truyền hình vốn đã phải cắt giảm chi phí.

Điều gì sẽ xảy ra trong năm nay?

Cắt giảm các đầu báo in

Dự tính sẽ có nhiều nhật báo phải giảm kỳ, không phát hành bảy số mỗi tuần nữa, thậm chí ngừng luôn bản in. Các tờ báo địa phương và khu vực sẽ gặp nhiều khó khăn nhất, một loạt các tạp chí đã chuyển sang mô hình chỉ có phiên bản online.

Do bán được ít báo hơn, các mạng lưới phát hành cũng bị suy yếu nên có khả năng nhiều báo sẽ theo gương các cơ quan báo chí Mỹ để chuyển báo qua bưu điện, hoặc thậm chí tổ chức hoạt động phát hành riêng.

Xu hướng "tiêu dùng xanh" cũng sẽ gây thêm sức ép đối với việc xa rời báo in.

Các đài phát thanh-truyền hình thử nghiệm các sản phẩm digital

Sự thất bại của CNN+ vào năm ngoái cho thấy rất khó thu hút thuê bao truyền hình tin tức riêng lẻ, nhưng có lẽ sẽ có những nỗ lực bán gói sản phẩm theo nhu cầu (on-demand) và các chương trình tin tức trực tiếp (live) với các dịch vụ streaming.

CNN đang tích hợp nội dung "gốc" với Discovery+ còn ITVX đặt tin thời sự vào trung tâm của dịch vụ streaming đang được tái xây dựng thương hiệu.

Trong khi đó, các hãng phát thanh-truyền hình công cộng, ví như BBC, bắt đầu cho thấy dấu hiệu rằng, họ sẽ ngừng phát sóng truyền hình và radio trong thập niên tới vì người dùng đã chuyển sang ứng dụng mobile và website.


Do doanh thu quảng cáo gặp nhiều khó khăn, các cơ quan báo chí mạnh về nền tảng báo in đang đặt hy vọng vào việc tiếp tục đạt tăng trưởng về trả phí nội dung digital, phí thành viên và tài trợ, vốn mang lại thành công cho một số tập đoàn báo chí.

"Chúng tôi đã có thêm 70.000 người trả phí đọc báo điện tử vào năm ngoái," Edward Roussel, người phụ trách bộ phận digital của tờ Times of London cho biết.

Nhiều báo khác cũng đạt được sự tăng trưởng mạnh tương tự. Trong khi đó, ở The New York Times (NYT), doanh thu từ thu phí độc giả đã tăng hơn 10% và tờ báo này đang nhắm tới đích 15 triệu người trả phí vào năm 2027.

Tuy báo cáo của Liên đoàn các nhà xuất bản ấn phẩm định kỳ quốc tế (FIPP) cho rằng, mức tăng về trả phí digital dường như đã đạt đỉnh, theo Chủ tịch FIPP James Hewes: "Chúng ta sắp cảm nhận được cơn gió lạnh buốt", nhưng phần lớn các lãnh đạo báo chí trả lời cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters vẫn bày tỏ sự tin tưởng, bằng chứng là có tới 68% hy vọng doanh thu từ nội dung thu phí sẽ tăng lên.

Các ý kiến cũng nhất trí rằng, năm nay nên tập trung vào việc giữ chân những khách hàng thuê bao hiện có, hơn là tìm kiếm những người dùng mới.

Các cơ quan báo chí đã áp dụng mô hình thu phí một thời gian sẽ có cơ sở để hy vọng đạt tăng trưởng, thông qua việc đề xuất mức giá đặc biệt hoặc cung cấp kèm những dịch vụ giá trị cao như bản tin (newsletter) hoặc tham gia sự kiện.

Giảm giá và ưu đãi đặc biệt

The Washington Post có mức giá ưu đãi cuối năm giảm tới 75% và còn tặng thêm tài khoản đọc báo cho một người bạn, trong khi LA Times, Chicago Tribune, và Boston Globe cho phép truy cập phiên bản digital trong sáu tháng chỉ với mức giá 1,4 USD.

Các tờ báo khác của Mỹ, trong đó có NYT, liên tục chào mức chi phí 1 USD mỗi tuần trong năm đầu tiên, còn The Wall Street Journal là một trong những báo có mức giá giảm cho sinh viên.

Thời gian đọc thử dài hơn là một thủ thuật mà nhiều cơ quan báo chí châu Âu đang áp dụng, có thể khiến nguồn thu ngắn hạn giảm nhưng hy vọng sẽ tạo sự trung thành trong dài hạn.

Do chi phí phát hành online rất thấp, nên tất cả các cơ quan báo chí đang cố tăng số người trả phí sẽ đều muốn cạnh tranh về giá, ngay cả khi một số báo tiếp tục tập trung vào mô hình dựa vào quảng cáo và cung cấp tin tức miễn phí.

Đề cập nhiều hơn đến giá trị của nghề báo

Vào những thời điểm khó khăn, thông điệp về giá rẻ thôi chưa đủ. Trong năm 2023, các cơ quan báo chí sẽ đề cập nhiều hơn đến sứ mệnh và chất lượng báo chí của họ, gắn với những vấn đề cụ thể như tình hình chiến sự hay sự cấp bách về biến đổi khí hậu.

Trong nghiên cứu gần đây, INMA nhận thấy hầu hết các cơ quan báo chí (72%) bắt đầu phát triển các sản phẩm nhấn mạnh tới tầm quan trọng và giá trị của nghề báo.

La Vanguardia ở Tây Ban Nha nêu bật slogan "Sự thật chính là nạn nhân chiến tranh đầu tiên" khi thu hút người dùng trả phí. Vox Media nhấn mạnh tới sứ mệnh tăng sức mạnh cho thông tin, khi đề nghị người dùng góp tiền ủng hộ. The Guardian khẳng định quan điểm báo chí độc lập và không sợ hãi.

Tăng thêm giá trị bằng cách cung cấp kèm những sản phẩm khác

Các cơ quan báo chí cũng đang thử nghiệm giữ chân khách hàng trả phí bằng cách cung cấp thêm các tính năng hoặc các sản phẩm tặng kèm. NYT đang chào gói sản phẩm kết hợp tin tức với ứng dụng dạy nấu ăn, trò chơi, và dịch vụ đánh giá Wirecutter.

Một lựa chọn khác là kết hợp tin tức của NYT với các nội dung chuyên sâu về thể thao từ trang The Athletic mà báo này mới sáp nhập. Các gói sản phẩm như thế, có được nhờ các bước đi mua bán-sáp nhập gần đây, đã góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng về thuê bao trả phí của NYT.

CEO Meredith Kopit Levien cho rằng "những khách hàng thuê bao mua theo gói sản phẩm sẽ chi nhiều tiền hơn và ít có khả năng hủy hợp đồng hơn".

Trong năm nay, dự kiến các cơ quan báo chí khác sẽ học theo cách này để (a) phát triển các sản phẩm cao cấp như trò chơi, dạy nấu ăn, sách, podcast, bản tin, (b) mua lại các báo đã thành công với mô hình thu phí, và (c) biến các thương hiệu báo chí sẵn có thành các sản phẩm tặng kèm.

Tại Na Uy, nhật báo hàng đầu Aftenposten đang chào mời truy cập trọn gói cả ấn phẩm toàn quốc Schibsted cho đến các nhật báo khu vực như VG và Bergens Tidende, các tạp chí và các chương trình podcast chất lượng cao thông qua ứng dụng PodMe mà họ mới mua gần đây.

Ngoài nội dung trả phí, nguồn doanh thu tăng trưởng nhanh nhất trong những năm gần đây đến từ khoản kinh phí của các nền tảng công nghệ. 33% số các lãnh đạo báo chí trả lời khảo sát cho biết khoản thu từ việc cấp phép nội dung đang trở thành nguồn doanh thu quan trọng - tăng tới 4 điểm phần trăm so với năm ngoái.

Điều này phản ánh những thỏa thuận kín mà Facebook và Google đã thực hiện ở nhiều quốc gia, hầu hết do sức ép từ chính quyền và lâu nay bị chỉ trích vì chỉ có lợi cho các cơ quan báo chí lớn.

Google hiện chi trả cho hơn 300 cơ quan báo chí trong Liên minh châu Âu (EU) cũng như nhiều quốc gia khác như Australia và Canada, còn Facebook đang chi trả tới 20 triệu USD cho một số cơ quan báo chí lớn.

Ngoài ra, các nền tảng công nghệ cũng trả khoản chi phí không nhỏ cho các tổ chức kiểm chứng thông tin và các hãng thông tấn trên toàn thế giới cũng như các dự án nghiên cứu và sáng tạo.

Điều gì sẽ xảy ra trong năm nay?

Tranh cãi giữa các nền tảng công nghệ và báo chí sẽ nóng hơn

Thỏa thuận kéo dài nhiều năm với các cơ quan báo chí sắp hết hạn và có tin Meta, công ty mẹ của Facebook, tuyên bố sẽ không gia hạn các hợp đồng ở Mỹ, khiến một số báo có thể giảm doanh thu hàng chục triệu USD.

Meta đang có kế hoạch cắt giảm hơn nữa do quảng cáo suy yếu và họ có nhiều ưu tiên khác, kể cả việc đầu tư vào metaverse.

Trước sức ép của chính phủ, Meta dọa cắt toàn bộ tin tức và điều này sẽ càng làm căng thẳng mối quan hệ vốn đã không êm đẹp với các cơ quan báo chí lớn.

Trong khi đó, Amazon, Apple, Microsoft và TikTok đang đẩy mạnh hoạt động quảng cáo, cạnh tranh trực tiếp với báo chí.

Chưa rõ mối quan hệ giữa báo chí với các nền tảng này có đơn giản hơn mối quan hệ với "hai ông lớn độc quyền" Google và Facebook hay không.

Liên minh giữa các cơ quan báo chí sẽ xoay chuyển tình hình

Lâu nay, các cơ quan báo chí thường phàn nàn việc các nền tảng công nghệ lớn chiếm hết doanh thu. Giờ đây, việc chấm dứt hỗ trợ cookie của bên thứ ba sẽ càng làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Những thay đổi liên quan đến quyền riêng tư đe dọa làm giảm doanh thu hơn nữa trong ngắn hạn, nhưng lại đang thúc đẩy các cơ quan báo chí bắt đầu tự thu thập dữ liệu (first-party data) và đây có thể là cơ sở cho một tương lai bền vững hơn.

Hệ thống OneLog của Thụy Sĩ hiện được các cơ quan báo chí của nước này sử dụng, trong đó có các tập đoàn lớn như Ringier và TX, cũng như đài phát thanh truyền hình công cộng SRG SSR.

Số người dùng chiếm khoảng một phần tư dân số Thụy Sĩ và cơ hội tăng trưởng rất rõ ràng. Các cơ quan báo chí tham gia liên minh khẳng định "Cùng nhau, chúng ta sẽ mạnh hơn!".

Sự hợp tác này có thể giúp họ cạnh tranh với các nền tảng công nghệ để thu hút sự chú ý của công chúng, cùng cả nguồn thu quảng cáo. Các cơ quan báo chí ở Bồ Đào Nha thì vận hành cơ chế đăng nhập chung Nonio đã vài năm qua và một giải pháp tương tự cũng được áp dụng tại Cộng hòa Czech gọi là Czech Ad ID.

Việc đăng nhập bằng một định danh thống nhất cũng cho phép các cơ quan báo chí chia sẻ thông tin về lịch sử truy cập của người dùng, giúp họ cung cấp nội dung và quảng cáo trúng đích.

Đa dạng hóa nguồn thu vẫn là ưu tiên

Tuy thu phí (80%) vẫn là ưu tiên hàng đầu, tiếp theo là quảng cáo hiển thị (75%), hầu hết các cơ quan báo chí khẳng định, các nguồn doanh thu đa dạng sẽ có ý nghĩa quan trọng trong năm nay.

Chẳng hạn The Guardian kết hợp giữa thu phí trên ứng dụng đọc tin với mô hình tài trợ, quảng cáo digital, doanh thu từ các nền tảng công nghệ và cơ quan đoàn thể và cả tổ chức sự kiện.

Financial Times, vốn thành công với mô hình thu phí đọc báo điện tử, cũng áp dụng mô hình quảng cáo hiển thị và quảng cáo như bài viết (native advertising), ngoài ra còn có dịch vụ tư vấn truyền thông, đồng thời cũng tổ chức sự kiện khá rầm rộ, chẳng hạn như sự kiện thường niên FT Weekend Festival.

Quảng cáo cao cấp và website sạch hơn

Dự kiến sẽ có nhiều cơ quan báo chí theo bước Bloomberg News từ bỏ toàn bộ quảng cáo tự động (từ tháng 1/2023) và tập trung vào bán quảng cáo trực tiếp.

Cách tiếp cận "độc giả là trên hết" là sự thừa nhận rằng, việc đăng quá nhiều quảng cáo và trải nghiệm người dùng tệ hại đã góp phần gây ra khó khăn cho báo chí, vì khiến người dùng không thoải mái và làm xói mòn niềm tin.

Một chỉ dấu khác của việc chuyển sang quảng cáo cao cấp là việc hãng General Electric (GE) có bước đi lịch sử khi bao trọn quảng cáo trên NYT thông qua một chiến dịch đa kênh và đa phương tiện với mức chi phí cao.

Mở rộng ra thị trường quốc tế

Do thị trường trong nước đã chật chội, nhiều cơ quan báo chí sẽ tìm cách mở rộng hoạt động ra nước ngoài.

Reach, tập đoàn báo chí lớn nhất Anh quốc, đang chuẩn bị mở các website ở Mỹ cho Mirror và Express, tuyển dụng khoảng 100 nhân sự mới tại địa phương.

Họ cũng sẽ ra mắt trang Irish Star nhắm vào người Mỹ gốc Ireland. Bước đi này tiếp theo thành công của trang US Sun, thuộc sở hữu của News UK, tăng gấp đôi lượng truy cập ở Mỹ trong năm qua và Daily Mail với những văn phòng lớn tại New York và Los Angeles.

Đây là một phần của xu hướng vươn ra thế giới mà các cơ quan báo chí khác đang triển khai, ví như Le Monde (Pháp) cũng tìm cách thu hút các độc giả tiếng Anh, nhằm tăng gấp đôi số độc giả trả phí vào năm 2025.


Sau nhiều thập niên liên tục tăng trưởng, chúng ta bắt đầu thấy sự sụt giảm về thời gian người dùng online, theo hãng nghiên cứu GWI.

Thời gian sử dụng internet trung bình đã giảm 13%, sau khi đạt mức cao kỷ lục trong thời gian cách ly do đại dịch Covid-19. Một mặt, đó là sự thay đổi tự nhiên khi thị trường bão hòa, mặt khác nó cũng phản ánh sự lo ngại của công chúng khi sử dụng internet và truyền thông xã hội.

Ở góc độ báo chí, không dễ để vẽ nên một bức tranh rõ ràng. Khoảng bốn trong 10 cơ quan báo chí (42%) cho biết: Lượng truy cập vào website của họ tăng lên so với một năm trước, trong khi 58% nói truy cập đứng yên hoặc giảm sút, tuy có rất nhiều tin bài quan trọng, từ cuộc xung đột Nga-Ukraine cho đến giá cả năng lượng tăng phi mã, tình trạng biến đổi khí hậu, hoặc ở Anh là thông tin Nữ hoàng từ trần.

Về lý do khiến lượng truy cập đi ngang hoặc giảm sút, phần lớn các lãnh đạo báo chí (72%) bày tỏ lo ngại về một xu hướng đã xuất hiện từ năm 2022 là ngày càng nhiều người dùng chủ động né tránh tin tức.

Dữ liệu cho thấy tình trạng né tránh tin tức, thường liên quan đến những tin tức quan trọng như chính trị, đã tăng gấp đôi ở một số quốc gia kể từ năm 2017, vì nhiều người cho rằng, việc đưa tin trên báo chí quá tiêu cực, lặp đi lặp lại, khó tin tưởng và khiến người đọc cảm thấy bất lực.

Trên tờ The Washington Post, nhà báo Amanda Ripley kêu gọi một giải pháp để người dùng tiếp nhận thông tin ở mức độ cao hơn. Bà cho rằng, báo chí cần phải giải thích tin tức hiệu quả hơn, mang lại hy vọng cho mọi người và chỉ ra các giải pháp chứ không chỉ nêu vấn đề.

Báo chí giải pháp và báo chí tích cực đang có đà phát huy. Tại Đức, ba cơ quan báo chí là Deutsche Welle, RTL News và Rheinische Post đã bắt tay nhau thành lập Viện Báo chí và Đối thoại Xây dựng Bonn với sứ mệnh thúc đẩy các cuộc tranh luận tích cực và chú trọng hơn đến trách nhiệm xã hội của báo chí.

Trong khi đó, Mạng lưới Báo chí Giải pháp đã tập hợp được hơn 14.000 thí dụ về báo chí giải pháp trên toàn thế giới.

Tập đoàn BBC đang vận hành một cổng thông tin có tên gọi "Những câu chuyện truyền cảm hứng", The Guardian cũng có trang The Upside. Optimist Daily, The Good News Network, và Positive News là những thí dụ khác về các trang web độc lập đang cố gắng tạo ra sự cân bằng trong tin tức.

Người trẻ đặc biệt quan tâm đến những cách tiếp cận này, chẳng hạn những nhà sáng tạo nội dung như Alaina Wood @garbagequeen thu hút được lượng người theo dõi rất lớn trên TikTok, nhờ những nội dung tóm tắt tin tức tích cực của cô về vấn đề môi trường.

Điều gì sẽ xảy ra trong năm nay?

Nhu cầu đọc tin tích cực

Các cơ quan báo chí sẽ tích hợp các tính năng cho phép người dùng lựa chọn để xem các tin tức tích cực hay tiêu cực.

Trong thiết kế mới, Pink News có một nút kiểm soát tâm trạng như một phần của các lựa chọn cá nhân hóa.

Tạp chí dành cho giới LGBTQ+ này cho biết, trong một cuộc điều tra gần đây, khoảng 25% số độc giả của họ bày tỏ mong muốn chỉ đọc những nội dung tích cực. Các độc giả có lựa chọn để tắt những thông tin tiêu cực khi cần.

Tin tức tập trung vào con người

Nhiều cơ quan báo chí đang tìm cách nhấn mạnh tới những câu chuyện nhân văn.

Human Journalism Network là một mạng lưới chia sẻ toàn cầu về những câu chuyện mang nhiều cảm ứng và có ảnh hưởng lớn. Các nhà sáng lập hy vọng việc chia sẻ các câu chuyện này ở nhiều quốc gia và nhiều ngôn ngữ sẽ tạo sức lan tỏa lớn mà tiết kiệm kinh phí trong bối cảnh việc cử phóng viên tới hiện trường gặp nhiều khó khăn.

Tổ chức này được lập ra năm 2021, ban đầu là giữa tám nước Mỹ latin, nhưng sẽ mở ra toàn cầu vào đầu năm 2023, với nội dung bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, được Trung tâm Báo chí Độc lập Quốc tế (ICFJ) hỗ trợ.

Nhiều công cụ giúp độc giả nắm quyền kiểm soát

The Cold Turkey là một tiện ích chạy trên mọi trình duyệt có thể chặn các trang web nhất định hoặc toàn bộ internet, hoặc khóa máy tính trong một khoảng thời gian.

Nó có thể được sử dụng cho bất kỳ trường hợp nào gây lo ngại, không chỉ là tin tức. Self-Control là công cụ tương tự cho người dùng máy tính Mac, trong khi FocusMe thường xuyên nhắc nhở người dùng nghỉ giải lao và phụ huynh có thể áp dụng để hạn chế thời gian con cái chơi game hoặc lướt web.

Forest biến ý tưởng tự kiểm soát thành trò chơi, khuyến khích xa rời điện thoại để tham gia trồng cây và người chơi có thể tích điểm để giúp trồng cây ngoài đời thực.


Một trong những xu hướng quan trọng trong digital là sự bùng nổ các format và các kênh mà cơ quan báo chí có thể sử dụng để tiếp cận người dùng. Website giờ đây chỉ là một trong nhiều cách thức tương tác với độc giả.

Kết nối dữ liệu tốt hơn đã mở ra rất nhiều cơ hội bên cạnh thông tin văn bản và hình ảnh và việc điện thoại thông minh trở nên phổ biến càng thúc đẩy việc sử dụng báo chí thị giác, video dọc và podcast.

Hầu hết các cơ quan báo chí cho biết, họ sẽ tập trung vào podcast và các nội dung digital audio (72%), email newsletter (69%) và digital video (67%) trong năm nay.

Mối quan tâm đến sản xuất video ngắn đã tăng lên (thêm 4 điểm phần trăm), một phần nhằm đáp lại những thay đổi trong chiến lược truyền thông xã hội.

Ngược lại, ít có quan tâm đến việc phát triển ứng dụng cho metaverse hoặc trợ lý giọng nói, vì rất khó xác định hiệu quả đối với báo chí.

Trong bối cảnh khó đoán định về truyền thông xã hội, rất nhiều cơ quan báo chí đang đầu tư mạnh vào podcast và bản tin (newsletter) như là cách hiệu quả nhất để kết nối sâu hơn với độc giả và khuyến khích họ quay lại thường xuyên hơn.

Do tình trạng quá tải tin tức, các báo đang quay sang phát triển những nội dung chuyên biệt hoặc độc đáo để có thể cung cấp kèm với những gói thu phí đọc báo điện tử hiện có, hoặc để bán riêng rẽ.

Có thể nêu thí dụ như bản tin Due Diligence của Financial Times hay bản tin Hot Pod của Vox Media.

Những cơ quan báo chí như Tortoise Media thì từ lâu đã tập trung vào bản tin và audio, khẳng định các phương pháp này giúp họ tăng đáng kể số lượng thành viên mới.

 

Vài năm trước, có một sự va chạm giữa bộ phận nội dung, kinh doanh và sản phẩm, cũng như việc thiếu hiểu biết về vai trò của sản phẩm trong một cơ quan báo chí.

Nhưng tình hình bắt đầu thay đổi khi có nhiều người tin rằng báo chí đang có những sản phẩm phù hợp (54% nhất trí), một tiến trình rõ ràng để cải thiện và tối ưu hóa các sản phẩm hiện có (54%) và một văn hóa học hỏi từ sai lầm (52%).

Nhưng, nhiều ý kiến chưa hài lòng vì các sản phẩm và tính năng được phát triển chưa nhanh chóng - chỉ có 41% cho rằng, tòa soạn của họ làm tốt điều này.

Con số còn ít hơn (23%) cảm thấy tòa soạn đã kịp thời ngừng những sản phẩm cũ không còn chứng tỏ được giá trị. Cần lưu ý rằng, những tập đoàn công nghệ như Meta và Twitter có chiến lược hoàn toàn trái ngược, thẳng tay từ bỏ những sản phẩm hoặc dự án không hiệu quả.

Financial Times là một trong những cơ quan báo chí đang cố gắng đẩy mạnh tiến trình phát triển sản phẩm. FT Edit, chọn lọc những bài viết hay nhất, là sản phẩm mới đầu tiên mà tờ báo này tung ra sau một thập niên và khởi đầu cho một giai đoạn thử nghiệm mạnh mẽ hơn, với nhiều ý tưởng mới được thử nghiệm thường xuyên hơn.

Một thí dụ khác là sản phẩm Newsprint của The Washington Post, một tính năng tương tác cá nhân hóa, tổng hợp những chủ đề hoặc bài báo mà độc giả yêu thích trong cả một năm trước đó.

Đối với một số cơ quan báo chí, rào cản lớn nhất trong quá trình phát triển sản phẩm là duy trì được đội ngũ nhân viên công nghệ và sáng tạo sản phẩm.

Nhưng nhìn chung, có thể thấy rõ xu hướng phát triển sản phẩm mới tập trung vào người dùng hơn trong năm nay.

Theo một giám đốc phụ trách sản phẩm tại một cơ quan báo chí lớn của Anh, kiểu chỉ đạo "cứ làm đi" của lãnh đạo được thay thế bằng các quy trình cụ thể, theo đó xác định vấn đề nào cần giải quyết và nhắm tới đối tượng nào.

Các mô hình đáp ứng nhu cầu người dùng

Một xu hướng quan trọng là các bộ phận nội dung và phát triển sản phẩm hướng đến những mô hình đáp ứng "nhu cầu của người dùng" để xác định các cơ hội.

Những quy trình này hướng đến việc trả lời các câu hỏi xem một sản phẩm mới của cơ quan báo chí sẽ đóng vai trò gì, trong một thế giới đã quá thừa mứa những lựa chọn về nội dung.

Chẳng hạn, bộ phận phát triển sản phẩm sẽ phải tìm hiểu các vấn đề cụ thể mà độc giả đang vấp phải và nghĩ ra các cách thức khác nhau để giải quyết.

Khi áp dụng tại BBC cách đây vài năm, những mô hình như thế đã giúp tạo ra thêm nhiều nội dung giải thích về những sự kiện phức tạp và truyền cảm hứng cho mọi người.

Những hướng đi ấy phần nào đối phó các thách thức của việc né tránh tin tức. Đây cũng là cách làm tại NYT, sử dụng một bản đồ tư duy không chính thức về nhu cầu của người dùng để triển khai nội dung và sản phẩm, thậm chí mua lại các đơn vị như Wordle và The Athletic.

Những thử nghiệm tương tự cũng được thực hiện bởi các cơ quan báo chí khác, trong đó có Conde Nast, Vox, The Atlantic ở Mỹ, và Globo ở Brazil.

 

AI chatbot bị chê bai rất nhiều trong những năm gần đây. Điều đó cũng có cơ sở, nhưng sự xuất hiện của ChatGPT thuộc OpenAI đã làm thay đổi cuộc tranh luận. Tốc độ và khả năng của nó vừa gây kinh ngạc vừa gây hoảng sợ cho người dùng.

Một số coi ChatGPT là một trong những bước tiến công nghệ lớn nhất kể từ khi sáng tạo ra internet và đây là một phần của xu hướng lớn hơn mang tên "AI tạo sinh" (generative AI) - cho phép máy tính tạo ra không chỉ ngôn từ mà cả hình ảnh, video và thậm chí cả thế giới ảo mà chỉ cần dùng vài câu lệnh bằng văn bản.

Các công cụ trí tuệ nhân tạo như ChatGPT và những trợ lý digital bằng giọng nói sẽ ngày càng phát triển, tác động đến sự thống trị lâu nay của Google trong lĩnh vực tìm kiếm (vốn dựa trên việc trả kết quả dạng đường dẫn).

Viễn cảnh này đương nhiên có tác động lớn đến các cơ quan báo chí, vốn được công cụ tìm kiếm mang lại đến 50% lượng truy cập cũng như doanh thu quảng cáo kèm theo.

Những bước tiến về "AI tạo sinh" mở ra nhiều cơ hội phát triển sản phẩm mới cho các cơ quan báo chí nhưng cũng có thể bị kẻ xấu lợi dụng, thí dụ tạo deepfake đầy thuyết phục về các chính trị gia, lãnh đạo doanh nghiệp, nghệ sĩ hoặc chính… nhà báo.

Để nắm bắt cơ hội và giảm rủi ro, các cơ quan báo chí cần thiết lập những quy định rõ ràng về tính đạo đức khi sử dụng AI. Rất cần hướng dẫn người dùng phân biệt nội dung tốt-xấu do AI tạo ra.

Năm nay chúng ta sẽ chứng kiến việc ngày càng nhiều công cụ như thế này được các nhà sáng tạo nội dung và các nhà báo sử dụng.

Lensa là một ứng dụng cho phép tạo ra avatar của mỗi người, xóa vật thể khỏi mọi khuôn hình, mà không đòi hỏi người dùng phải có kỹ năng nào.

Những ứng dụng kiểu này bị chỉ trích là lấy trộm công sức của các nghệ sĩ, lợi dụng việc chia sẻ dữ liệu, làm gia tăng định kiến giới, nhưng rốt cuộc vẫn phát triển như nấm sau mưa và sẽ còn ngập tràn mạng xã hội trong thời gian tới.

Hiệu quả đối với báo chí chưa thật sự rõ ràng, nhưng những công cụ như MidJourney và DALL-E đang được sử dụng để tạo ra các hình minh họa cho các bài báo hoặc blog.

Semafor, một start-up mới ra đời ở Mỹ, còn tham vọng hơn khi tạo ra một số video bằng công nghệ AI. Đáng ngại là các mô hình này đã bắt đầu được sử dụng cho mục đích lan truyền thông tin giả.

Trong vài năm tới, sẽ bùng nổ các nội dung được máy móc tạo ra hoàn toàn hoặc một phần - có thể hữu ích và cũng có thể nhằm mục đích xấu (công ty nghiên cứu Gartner dự đoán nó sẽ chiếm khoảng 25% dữ liệu trên internet).

Chưa bao giờ việc tạo ra nội dung đa phương tiện "đẹp đẽ" lại dễ như bây giờ, nhưng cũng sẽ rất khó phân định đâu là nội dung thật, đâu là giả hoặc bị chỉnh sửa, làm sai lệch.

Các cách sử dụng AI khác trong cơ quan báo chí

Trong khảo sát của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters, lãnh đạo các cơ quan báo chí đề cập đến nhiều cách thức sử dụng các công nghệ AI như máy học (ML) và xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) để giúp cho quy trình sản xuất hiện tại hiệu quả hơn.

"Tóm tắt nội dung, chuyển từ văn bản sang giọng nói, nhận dạng hình ảnh để tự động gắn thẻ hoặc làm phụ đề" là những thí dụ được Mathieu Halkes, giám đốc bộ phận phát triển sản phẩm của Schibsted dẫn chứng. "Có rất nhiều trường hợp mà chúng ta có thể ứng dụng hằng ngày," ông nói.

Các công cụ AI để gỡ băng phỏng vấn nay đã quá quen thuộc trong các tòa soạn, thí dụ như Zetland ở Đan Mạch đã phát triển dịch vụ chuyển giọng nói thành văn bản dành riêng cho các nhà báo. Nó được thiết kế để phục vụ các cơ quan báo chí nhỏ, khó có cơ hội sử dụng sản phẩm của các tập đoàn lớn.

Good Tape được phát triển dựa trên công nghệ của OpenAI và đang được cấp miễn phí.

Trong khi đó tại Phần Lan, đài truyền hình công cộng Yle bắt đầu sử dụng một dịch vụ dành cho người tị nạn từ Ukraine, theo đó tin tức được máy tự động dịch rồi được một người bản xứ kiểm định.

Trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, Yle cũng cung cấp thông tin bằng tiếng Somali, Arab, Kurd và tiếng Iran.

AI cũng có thể giúp cung cấp nội dung cá nhân hóa tốt hơn, cũng như cải thiện khả năng khuyến nghị nội dung để tăng tương tác. Công cụ Sophi do tập đoàn Globe and Mail ở Canada phát triển, tự động vận hành hầu hết nội dung trên trang chủ các website, nhờ đó các biên tập viên có nhiều thời gian hơn cho các công việc khác, đồng thời giúp tăng 17% tỷ lệ nhấp chuột.

Sản phẩm này đang được chào bán cho các cơ quan báo chí khác. Những công cụ sử dụng AI như Sophi cũng được dùng để xử lý các nhiệm vụ phát hành nội dung trên mạng xã hội, thí dụ như tối ưu hóa tiêu đề hoặc tính toán thời gian đăng tải hiệu quả nhất.

Đối với tính năng khuyến nghị nội dung, khoảng một phần tư (23%) những người tham gia khảo sát của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters cho hay họ đang sử dụng AI thường xuyên.

Newsroom là một start-up (hiện vẫn ở dạng beta) sử dụng AI để tự động xác định và viết tóm tắt những tin tức nổi bật trong ngày, đồng thời tóm tắt bối cảnh và cung cấp các đường dẫn đến các nội dung liên quan.

Tuy sử dụng AI khá triệt để, nhưng mọi nội dung đều được một nhà báo kiểm tra và nếu cần thiết sẽ chỉnh sửa.

Cuộc tranh luận về tự động hóa trong báo chí không phải lúc nào cũng đạt được đồng thuận.

Nhiều người hân hoan khi thấy AI có thể giúp hoàn tất những nhiệm vụ phi báo chí hiệu quả hơn, nhưng đồng thời có những người lo ngại rằng, những nội dung được sản xuất theo cách thức rẻ tiền và bán tự động có thể càng làm cho tin tức kém giá trị và xói mòn niềm tin hơn nữa.

Một nhà báo thuộc một cơ quan báo chí nổi tiếng lập luận rằng, trong những hoàn cảnh này, quyết định lựa chọn thông tin của nhà báo bằng xương, bằng thịt sẽ tạo nên sự khác biệt. "Chúng tôi muốn trí tuệ nhân tạo hỗ trợ quyết định của con người chứ không phải là thay thế.

Toàn bộ công việc của chúng tôi xuất phát từ sự hiểu biết về giá trị mang lại cho độc giả và nó giúp chúng tôi khác biệt với các nền tảng sử dụng công nghệ để lựa chọn thông tin".

Điều gì sẽ xảy ra trong năm nay liên quan AI và báo chí?

Nhiều đài truyền hình sẽ dùng phát thanh viên ảo

Deep Brain AI, một công ty công nghệ ở Hàn Quốc, đã tạo ra các phiên bản digital - hoặc có thể gọi là người em digital sinh đôi - của các phát thanh viên tin tức truyền hình nổi tiếng.

Những "phát thanh viên digital" này đã xuất hiện thường xuyên trên các kênh truyền hình chính thống ở châu Á.

MBN và Arirang ở Hàn Quốc, BTV và CCTV ở Trung Quốc đang sử dụng công nghệ này để giúp giảm chi phí sản xuất, cũng như tăng cường sự xuất hiện của những phát thanh viên được ưa chuộng nhất.

Công ty kể trên đang tìm kiếm các khách hàng ở Mỹ, nơi mà truyền hình đang chịu nhiều sức ép nhằm hoạt động hiệu quả hơn với chi phí ít hơn.

Một khả năng có thể được áp dụng là chương trình thời tiết theo nhu cầu, theo đó một người mẫu AI có thể được tạo ra dựa theo một phát thanh viên thời tiết được hâm mộ, với những cách biểu cảm và câu nói mà nhiều người ưa thích, rồi các video được cập nhật cho bất kỳ địa điểm nào tùy theo các số liệu thay đổi.

Những người mẫu này cũng có thể được tích hợp các tính năng của ChatGPT và trở thành "người em digital sinh đôi" của một phóng viên ban chính trị, hoạt động như chatbot ảo, chẳng hạn như trả lời câu hỏi về một cuộc bầu cử.

Tranh luận về quy định pháp lý với AI sẽ gia tăng

Khi những cơ hội sử dụng AI ngày càng trở nên rõ ràng thì chúng ta lại lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan về vấn đề quản lý và đạo đức.

Công nghệ deepfake đã được sử dụng để tạo ra hình ảnh hoặc video khiêu dâm trái phép, lừa đảo, hoặc kích động các chương trình phát tán thông tin giả mạo.

Các cuộc bàn luận về việc quản lý AI vẫn đang tiếp diễn và EU đang đề xuất ban hành một đạo luật về AI, nhằm cấm việc sử dụng các ứng dụng vi phạm an toàn và quyền cơ bản của con người - ngay cả khi trong thực tế, việc xác định vi phạm là rất khó khăn và cũng chưa biết luật có thể thi hành hay không.

Trong khi đó, các cơ quan báo chí có thể tiên phong trong việc sử dụng AI một cách minh bạch hơn.

Dự kiến nhiều cơ quan báo chí sẽ đưa ra những quy tắc về đạo đức, bao trùm những lĩnh vực chủ chốt, từ việc xử lý ảnh hay can thiệp tạo ra hình ảnh bằng AI cho đến vấn đề minh bạch hóa và bản quyền.

Open AI đang tìm cách giải quyết vấn đề gắn watermark và dán nhãn hình ảnh, nhằm tạo dựng niềm tin đối với việc sử dụng các công nghệ này.

Theo Nhân Dân