leftcenterrightdel
 Người dân còn giữ thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt

Chúng tôi gặp một nhóm bạn trẻ từ Hà Nội vào Huế lưu trú ở một homestay trên địa bàn TP. Huế. Lần đầu đến Huế nên họ khá bỡ ngỡ. Tuy vậy với sự hỗ trợ của mạng xã hội, họ nhanh chóng tìm được những chỗ ăn, chơi đẹp, chất. Dĩ nhiên là họ dùng phương thức thanh toán bằng chuyển khoản là chủ yếu. Bây giờ ở Huế gần như các dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải trí đều có thể chuyển khoản, quẹt thẻ. Thế nhưng, tối đó, lúc về homestay một trong nhóm 3 người bị cảm. Họ cần ra tiệm thuốc tây mua vài viên giảm đau, nhưng cả 3 người không ai có tiền mặt. Món tiền thuốc chỉ tầm 20 ngàn đồng, nhưng họ phải loay hoay không biết mượn ai. Thế nên chúng tôi hỗ trợ luôn cả việc đi mua thuốc.

Một hôm khác đi chợ, một bạn trẻ, hình như là sinh viên, nhìn cách bạn ấy ăn mặc, trao đổi với chị bán rau thì chúng tôi đoán thế. Bạn chỉ mua mớ rau 7 ngàn đồng, một quả mướp ngọt nữa tổng cộng 12 ngàn đồng nhưng không có tiền mặt và hỏi chị bán rau có thể chuyển khoản được không. Chị này dân lao động thật thà bảo chưa bao giờ dùng tài khoản, không biết ATM là cái gì nên lắc đầu. Một hồi trao qua đổi lại không tìm được cách giải quyết, người mua đành trả lại hàng, còn người bán lắc đầu ngao ngán.

Đó không phải là vài trường hợp cá biệt. Một người làm shipper cho biết, anh thường xuyên nhận được yêu cầu chuyển khoản khi giao hàng cho khách hàng, nhưng có người giao hàng vài ngày không chuyển khoản; có người chuyển khoản thiếu khiến anh phải nhiều lần điện thoại nhắc nhở.

Về mặt tích cực, có thể thấy, việc thanh toán không dùng tiền mặt có rất nhiều ưu điểm. Nó không chỉ giúp việc thanh toán được nhanh chóng, thuận tiện mà giảm áp lực trong việc bảo quản dòng tiền. Các đơn vị làm dịch vụ cũng đỡ vất vả trong việc đổi tiền lẻ để thối cho khách hàng. Chủ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ cũng tránh được rủi ro khi gặp nhân viên thu ngân, kế toán không minh bạch, gian lận…

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một thực tế là đại bộ phận người dân, nhất là người dân vùng nông thôn, lao động chân tay vẫn giữ thói quen dùng tiền mặt. Với họ đây là phương thức thanh toán các hóa đơn, chi phí sinh hoạt hàng ngày hiệu quả nhất. Hơn nữa, hạ tầng cho việc thanh toán không dùng tiền mặt của chúng ta chưa đồng bộ. Ở các vùng nông thôn cũng rất hạn chế. Do vậy, thói quen dùng tiền mặt sẽ vẫn tồn tại ít nhất là vài chục năm nữa.

Trở lại với việc quẹt thẻ, chuyển khoản… lợi ích thì đã quá rõ. Thế nhưng, các bà nội trợ, chị em cũng cân nhắc khi sử dụng những cách này để thanh toán các hóa đơn như shopping, làm đẹp. Bởi chỉ với một thao tác, có khi “bay” mất cả tháng lương. Vì chuyển khoản, quẹt thẻ sẽ không có cảm giác “xót” tiền nên có thể mua sắm tùy hứng. Do vậy, dù là tiện lợi cũng không nên “tiêu hoang, tiêu phí”. Và trong ví ít ra cũng có vài trăm ngàn lận lưng để lỡ có thủng cái lốp xe mà tiền công vá chỉ chục mười lăm ngàn mà hỏi bác sửa xe có tài khoản không thì kỳ quá!!!

Bài, ảnh: H. Tâm