leftcenterrightdel
Nhìn từ cầu Phú Thứ, nhìn bèo lục bình vây kín mặt sông Đại Giang 

Mới đây về thị trấn Phú Đa (Phú Vang), chúng tôi choáng ngợp trước cảnh bèo lục bình phủ kín mặt sông Đại Giang. Đứng trên cầu Phú Thứ quan sát cả một đoạn sông dài hút mắt, đâu đâu cũng thấy bèo lục bình. Chúng tôi chứng kiến một người đàn ông khuôn mặt sạm nắng đang toát mồ hôi chèo chiếc thuyền con đẩy bèo dạt hai bên, nhưng chỉ nhích lên từng phân một. Phía xa hơn, một phụ nữ lại còng lưng bùng nhùng giữa mảng xanh của bèo và bèo dày đặc.

Chị Phan Thị Bưỡi, một người dân trong vùng nói: “Mấy tháng nay bèo xuất hiện dày đặc trên sông làm tui thất nghiệp. Mấy tháng trước sông vắng bèo, vợ chồng tui dong thuyền giăng lưới bắt tôm cá, mỗi ngày kiếm cũng được kha khá”. Thời điểm này bèo giăng đầy mặt sông vợ chồng chị phải chuyển sang nghề thợ đụng...

Từ cầu Phú Thứ, chúng tôi xuôi theo hướng về các xã Phú Gia, Vinh Hà (Phú Vang). Dọc trên tuyến này, nhiều sông hói dẫn nước vào đồng ruộng đã rợp dày bèo lục bình, không nhìn được mặt nước. Tình trạng bèo dày đặc làm tê liệt các sông không chỉ gây khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa đường thủy mà cá, tôm cũng ít dần vì thiếu ô-xy. Lo sợ hơn, sắp đến nếu lũ về bèo tấn công vào ruộng thì khổ.

Dọc theo các sông nhỏ gần trung tâm TP. Huế bèo lục bình kết những mảng trải dài, có đoạn lấp kín mặt sông gây ứ đọng rác rưởi, mùi hôi khó chịu.

Ông Lê Văn Bốn, thôn Dạ Lê, xã Thủy Vân (TP. Huế) cho hay: “Bèo tây trên sông Như Ý hay ở những con lạch ở khu vực xã Phú Dương, Phú Mậu… giờ ít đi nhờ thỉnh thoảng có hội, đoàn, lực lượng thanh niên ra quân trục vớt. Chứ thời gian trước, chú về chẳng nhìn được mặt nước sông; nhất là mùa hè, nước không lưu thông, đủ thứ mùi bốc lên hôi không chịu nổi…

Ông Trương Minh Thanh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phú Đa (Phú Vang) cho biết, năm nào huyện cũng chỉ đạo các địa phương, các ngành tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức trong việc hạn chế, tiêu diệt bèo tây, mai dương và tổ chức vớt, nhưng xem ra chưa phát huy hiệu quả. Nguyên nhân, do bèo tây phát triển quá nhanh, phải nói là cấp số nhân; hơn nữa do chưa có sự kết hợp đồng bộ giữa các địa phương lân cận nên diệt ở đây thì bèo từ nơi khác trôi về.

Ông Thanh nói, mỗi năm Phú Đa được huyện Phú Vang hỗ trợ vài chục triệu đồng để xử lý bèo và cây mai dương. Năm nay, thấy lượng bèo trên các sông hói quá nhiều nên thị trấn một mặt dùng kinh phí hỗ trợ của huyện, mặt khác vận động ban ngành, đoàn thể, người dân hàng tháng ra quân thuê đò, máy móc để xử lý, trục vớt. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời...

Đã có nhiều giải pháp triển khai nhưng chưa đem lại hiệu quả lâu dài. Từ năm 2010, Sở Khoa học và Công nghệ đã giao Trung tâm chuyển giao KHCN tỉnh nghiên cứu đề tài xử lý bèo bằng chế phẩm sinh học để làm phân bón hữu cơ cho cây trồng. Ngay khi nghiên cứu thành công, đơn vị này phối hợp với 5 huyện, thị xã là Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền và thị xã Hương Trà, Hương Thủy triển khai mô hình. Tuy nhiên, địa phương nào cũng dừng lại ở mức thí điểm vì lý do người dân không mặn mà, mất nhiều công và thời gian. Bèo lục bình lại... trở thành vấn nạn cho người dân đã kéo dài năm này qua năm khác.

Cuối tuần rồi mang chuyện bèo tây ra tám chuyện với bạn bè, một anh bạn chia sẻ: “Tui vừa đi công tác phía Nam và nghe người thân ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai hiện nay sống khỏe nhờ bèo lục bình, vì nó được đưa vào các cơ sở sản xuất đan lát túi xách xuất khẩu mà có thời điểm cung không đủ cầu”.

Nghe mà mừng và hy vọng thân phận bèo lục bình đang sống tại các con sông, lạch ở Huế cũng sẽ giúp cho nhiều gia đình, làng nghề đan lát đổi đời…

Bài, ảnh: MINH VĂN