leftcenterrightdel
 Mô hình máy xay xát lúa gạo của ông Sáu

Ông Sáu sinh ra và lớn lên tại địa phương vốn là vùng đất trũng chuyên độc canh cây lúa. Ông luôn trăn trở với những khó khăn của bà con nông dân, nhất là khi sản phẩm bị lái buôn ép giá. Năm 2000, ông đầu tư cơ sở, các trang, thiết bị máy móc xay xát để thu mua lúa gạo cho nông dân, tránh bị tư thương ép giá. Ông không ngừng tìm tòi, học hỏi, sáng tạo các sản phẩm, dám nghĩ, dám làm, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, lao động, đất đai tại địa phương.

Đến năm 2010, ông mạnh dạn mở rộng cơ sở sản xuất với diện tích 500m2 và đầu tư các máy móc, thiết bị hiện đại đưa vào sản xuất. Hàng năm, gia đình thu mua lúa cho bà con trong và ngoài xã từ 4.000- 4.500 tấn, ước tính đầu tư thu mua lúa 18 tỷ đồng. Ông tìm kiếm khách hàng để giới thiệu, cung cấp sản phẩm gạo Thủy Thanh đến với các tỉnh miền Nam, Bắc và TP. Huế. Sản phẩm được thị trường chấp nhận, doanh thu hàng năm từ xay xát lúa gạo đạt 21 tỷ đồng, sau khi khấu hao và trả nhân công còn lãi 550 triệu đồng.

Đến năm 2012, ông thấy trong sản xuất lúa gạo bị ô nhiễm môi trường do vỏ trấu, nên đã nghiên cứu, mạnh dạn đầu tư máy móc, trang, thiết bị sản xuất củi trấu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hàng năm đạt 500- 600 tấn, doanh thu ước đạt 600 triệu đồng, lãi 250 triệu đồng/năm. Mô hình xay xát lúa gạo và sản xuất củi trấu đã tạo việc làm cho 10 lao động, thu nhập từ 5- 6 triệu đồng/người.

Hằng năm, gia đình ông ủng hộ kinh phí cho các hoạt động của địa phương phát động, như: Đua ghe truyền thống, phong trào xây dựng nông thôn mới, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa... Từ năm 2010 đến nay, gia đình ông được Hội Nông dân xã bình xét đạt hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương. Ông còn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo tại địa phương, đưa phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng phát triển, vững mạnh.

Đến đầu năm 2019, cơ sở xay xát lúa gạo đã xuống cấp, dây chuyền xay xát lạc hậu, gia đình ông tiến hành lắp đặt thay thế, cải tiến trang thiết bị, mua máy đánh bóng gạo để kịp thời sản xuất lúa gạo theo mô hình liên kết chuỗi giá trị với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1 tỷ đồng.

Từ sự quyết tâm và cố gắng của bản thân và gia đình, khi có điều kiện về kinh tế, ông thường xuyên tham gia công tác hội và phong trào nông dân của địa phương. Ông cũng là thành viên tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động gia đình, người thân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.

Bài, ảnh: Thanh Nga