leftcenterrightdel
Học sinh tăng tốc ôn thi ở Trường THPT chuyên Quốc Học 

Muốn phong phú các đề mẫu, nhiều học sinh lớp 12 tự tìm thêm các đề trên các trang mạng xã hội để quen cấu trúc và củng cố kiến thức. “Em thường tìm đến đề khảo sát của các tỉnh vì nguồn đề rõ ràng và câu hỏi bám sát với nội dung thi tốt nghiệp. Ngoài ra, em cũng tham khảo thêm đề ở một số trang luyện thi khác, Nguyễn  Phước Ly, học sinh Trường THPT Hai Bà Trưng chia sẻ.

Học sinh có xu hướng muốn tìm nhiều hơn các đề tham khảo trên mạng để giải. Tuy nhiên, hiện nay đề mẫu trên mạng đang mắc những lỗi như cách ra đề không hợp lý, trình bày ngôn ngữ câu hỏi không phù hợp với đáp án. Thậm chí nhiều đề các em phải giải nhiều lần nhưng vẫn không ra kết quả khi đáp án bị sai. Em Nguyễn Ngọc Bình, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Trường Tộ chia sẻ: "Em thi khối D nên em thường làm nhiều đề tiếng Anh trên mạng. Nếu đáp án những đề này bị sai mà em lại không nắm chắc kiến thức chỉ chăm chăm "học vẹt" theo đáp án, khi đi thi lại rơi đúng vào câu hỏi tương tự thì chắc chắn sẽ mất điểm.

Hiện nay, các trang web ôn thi xuất hiện ngày càng nhiều nhưng chất lượng bài giảng và đáp án các dạng đề lại chưa được kiểm duyệt chặt chẽ. Nhiều giáo viên dạy lớp 12 cho rằng, nếu sức học của học sinh quá yếu, chưa nắm vững các kiến thức cơ bản thì luyện thi online dễ bị "lạc lối" và loạn kiến thức. Bởi việc học trên mạng chủ yếu chỉ mang tính chất tham khảo, phụ trợ cho kiến thức học được ở trong sách vở. Đặc biệt, các em cần tránh việc phụ thuộc quá nhiều vào kiến thức trên mạng và nên phân phối hợp lý thời gian học ở trường, học trong sách vở và học trên mạng.

Nhiều giáo viên kể rằng, họ đã nhận được nhiều tin nhắn "xin cứu trợ" của các bạn học sinh vì đề tham khảo đó dù dựa trên kiến thức cơ bản nhưng vẫn có nhiều câu hỏi "sạn", có nhiều hơn 1 đáp án đúng hoặc không có đáp án đúng.

Dành lời khuyên cho học sinh về việc chọn lọc đề ôn luyện, thầy giáo Nguyễn Vinh Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT An Lương Đông cho biết, đề thi trên mạng như một ma trận, không phải đề nào cũng uy tín. Vì vậy, học sinh nên tham khảo thầy cô trước khi chọn. Nếu cần dạng đề liên quan đến nội dung ôn tập các em có thể xin giáo viên hoặc tham khảo đề ở các tỉnh, thành phố khác. Chú ý nguồn đề rõ ràng, những đề không có nguồn rõ ràng hoặc sưu tầm thì các em không nên tham khảo.

Theo thầy Hưng, tham khảo đề trên mạng cũng tốt vì điều đó chứng tỏ học sinh có tính tự giác, ôn thi nghiêm túc. Tuy nhiên, cần biết chọn lựa, sàng lọc thông tin.

Ở giai đoạn "nước rút", thầy giáo Đặng Văn Anh, giáo viên môn vật lý, có kinh nghiệm nhiều năm trong luyện thi chia sẻ, học sinh nên dành thời gian tập trung tổng rà soát lại kiến thức, vì quá trình ôn luyện cần nắm vững kiến thức rồi mới đến luyện đề chứ không nên làm ngược lại. Phải phân tích kỹ từng câu hỏi trong đề thi để chọn ra đáp án chính xác, nếu chỉ đọc lướt qua câu hỏi sẽ dễ nhầm lẫn đáp án. Ngoài ra, khi tham khảo đề mẫu trên mạng cần tránh những câu hỏi hay vấn đề gây tranh cãi trong các nhóm học tập để giữ cho mình tâm thế và đầu óc tỉnh táo, sáng suốt nhất.

Các bài giảng trên trang web luyện thi trực tuyến thường chỉ có dạng ghi âm ngắn mang tính chất tham khảo, không có giải đáp thắc mắc, không giảng giải những vấn đề chuyên sâu, mở rộng hay chú thích thêm cho học sinh hiểu cặn kẽ vấn đề. Thế nên, học trên mạng cũng cần phải biết “gạn đục, khơi trong”.

Bài, ảnh: An Nhiên