leftcenterrightdel
 Ông Lê Thanh Hải (phải) và ông Phan Quý Phương chủ trì hội nghị

Tham dự có các ông: Lê Thanh Hải – Ủy viên Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 quốc gia, Chánh Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia; Phan Quý Phương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng BCĐ 389/TTH và đại diện BCĐ 389 các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.

Phát hiện, bắt giữ, xử lý 10.850 vụ vi phạm

Trong 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng 9 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 10.850 vụ vi phạm; xử lý vi phạm hành chính 9.909 vụ; khởi tố vụ án hình sự 941 vụ/1.139 đối tượng; thu nộp ngân sách nhà nước: 362,821 tỷ đồng.

Riêng Thừa Thiên Huế, trong 6 tháng đầu năm 2023, nhất là dịp trước, trong, sau dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, BCĐ 389 tỉnh cùng với các sở, ngành hữu quan đã phát hiện, xử lý 953 vụ, trong đó, thu nộp ngân sách nhà nước trên 22 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu trong kỳ trên 5 tỷ đồng, khởi tố hình sự 7 vụ/5 đối tượng. So với 6 tháng đầu năm 2022, tăng 60,7% về số vụ và tăng 41,87% về số thu nộp ngân sách nhà nước.

Tại hội nghị, ông Lê Thanh Hải đánh giá, tình hình kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ, giá cả thị trường hàng hóa... trong nước và trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung 6 tháng qua cơ bản ổn định. Tình hình BL, GLTM & HG trên các tuyến, địa bàn các địa phương không phức tạp, không xảy ra đột biến lớn, không phát sinh các điểm nóng, vụ việc nổi cộm.

Tuy nhiên, ông Lê Thanh Hải cũng lưu ý, ở từng thời điểm, trên một số tuyến, địa bàn trọng điểm tại các địa phương, hoạt động BL, GLTM & HG diễn ra phức tạp, nhất là các hoạt động mua bán, vận chuyển hàng cấm (heroin, ma túy tổng hợp, ma túy tổng hợp dạng đá, thuốc phiện, pháo nổ, vật liệu nổ, thuốc lá điếu ngoại, động vật hoang dã), buôn lậu, vận chuyển trái phép khoáng sản, xăng dầu... qua tuyến biên giới đất liền và tuyến biên giới biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị diễn ra ở hầu hết các thời điểm, không theo quy luật và có chiều hướng gia tăng.

Tại địa bàn nội địa, hoạt động kinh doanh, vận chuyển các loại hàng hóa nhập lậu, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và vấn nạn lợi dụng môi trường thương mại điện tử, ứng dụng bán hàng trực tuyến, các trang mạng xã hội để buôn bán hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ... tuy không phức tạp nhưng thường xuyên diễn ra và có xu hướng ngày càng gia tăng ở khu vực nông thôn các địa phương.

Phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi

leftcenterrightdel
 Hàng lậu bị lực lượng chức năng Thừa Thiên Huế tịch thu vào cuối năm 2022

Theo lực lượng chức năng, hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ... được các đối tượng sử dụng ngày càng tinh vi.

Trên tuyến biên giới đất liền, các đối tượng lợi dụng địa hình hiểm trở, nhiều đường mòn, lối mở, lối tắt, sông suối, mối quan hệ thân tộc hai bên biên giới và chính sách hàng hóa mua bán, trao đổi cư dân biên giới để buôn lậu, vận chuyển trái phép các loại hàng cấm… Hoặc, lợi dụng hoạt động xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất hàng hóa, hoạt động xuất nhập cảnh người, phương tiện để BL, GLTM đối với các loại hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Trên tuyến biên giới biển, lợi dụng chính sách thông thoáng của nhà nước về thông quan hàng hóa qua các cảng biển, các đối tượng khai báo gian dối về số lượng, giá trị, chủng loại, xuất xứ hàng hóa… để mua bán, vận chuyển hàng cấm, gian lận thương mại, trốn thuế, xuất lậu, nhập lậu hàng hóa có điều kiện, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… qua cảng biển các địa phương Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế.

Ngoài ra, trên vùng biển, các đối tượng lợi dụng thời tiết phức tạp, vùng biển rộng, thông qua các hoạt động khai thác hải sản, hoạt động vận chuyển hàng hóa hợp pháp trên biển… để hoạt động mua bán, vận chuyển hàng cấm (ma túy, vật liệu nổ, thuốc lá điếu, động vật hoang dã), buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng, dầu, quặng, khoáng sản, hàng điện tử, điện lạnh… qua vùng biển các địa phương Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế.

Huế không phải là điểm nóng

 Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương cho hay, hiện trên địa bàn tỉnh có 2 cửa khẩu cấp quốc gia là A Đớt - Tà Vàng và Hồng Vân - Cu Tai. Đến nay, tại khu vực các cửa khẩu đã có đầy đủ các lượng chức năng như y tế, biên phòng, kiểm dịch, hải quan…

Tuy nhiên, khu vực biên giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và 2 tỉnh Salavan, Sê Kông của nước bạn Lào là khu vực cư dân thưa thớt, trình độ phát triển kinh tế - xã hội thấp, hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém, hoạt động thương mại phát triển chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của 2 bên, chủ yếu chỉ là hoạt động trao đổi hàng hóa tiêu dùng của cư dân biên giới. Đường giao thông lên cửa khẩu phía bạn chưa được hoàn chỉnh để công nhận cửa khẩu chính.

Do đó, tuyến biên giới đất liền của tỉnh Thừa Thiên Huế và 2 tỉnh Salavan, Sê Kông xác định không phải là điểm nóng về hoạt động BL, GLTM, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Một phần do hệ thống giao thông chưa được đầu tư, nâng cấp, mặt khác, địa bàn ngoại biên đối diện không phải là nơi trung chuyển hàng hóa mà chủ yếu là hoạt động trao đổi những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày của cư dân 2 bên biên giới, nên trong thời gian qua, các lực lượng chức năng không phát hiện, bắt giữ, xử lý vụ việc nào liên quan đến hoạt động BL, GLTM, vận chuyển trái phép hàng hóa, hàng cấm qua biên giới.

Tuy nhiên, Thừa Thiên Huế có vị trí quan trọng trong lộ trình vận chuyển hàng hóa từ Bắc vào Nam và ngược lại trên các tuyến đường bộ, do đó, các đối tượng thường lợi dụng để vận chuyển, tiêu thụ hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ với các thủ đoạn, như: sử dụng xe không chính chủ để vận chuyển với số lượng lớn; lợi dụng bưu chính, chuyển phát nhanh để vận chuyển và kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả; chia nhỏ để vận chuyển, vận chuyển vào ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ…  

Không có “vùng cấm”

leftcenterrightdel
 Khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác chống BL, GLTM & HG

Ông Lê Thanh Hải cho biết, trên cơ sở các kiến nghị, đề xuất liên quan khó khăn, vướng mắc trong công tác chống BL, GLTM & HG của các bộ, ngành, địa phương, Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia đã rà soát, tổng hợp và tham mưu BCĐ 389 quốc gia ban hành các văn bản kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan lĩnh vực chống BL, GLTM & HG chưa đồng bộ, chưa thống nhất, chồng chéo; việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền còn chậm, dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý của các cơ quan chức năng trong đấu tranh và xử lý vi phạm về BL, GLTM & HG.   

Hiện, Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia tiếp tục rà soát, tổng hợp khó khăn vướng mắc, kiến nghị của các địa phương, tham mưu lãnh đạo BCĐ 389 quốc gia ban hành văn bản kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, ông Lê Thanh Hải thông tin.

Sau khi chỉ ra một số vướng mắc cũng như tồn tại, hạn chế trong công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý liên quan đến chống BL, GLTM & HG, ông Lê Thanh Hải đề nghị, bên cạnh tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và BCĐ 389 quốc gia, các địa phương cần chấp hành nghiêm chế độ báo cáo; tiếp tục rà soát, tổng hợp kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật trong lĩnh vực chống BL, GLTM & HG còn chồng chéo, chưa đồng bộ, thống nhất; tiếp nhận tin báo về BL, GLTM & HG qua đường dây nóng bằng các hình thức 24/24 giờ; quán triệt quan điểm không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh chống BL, GLTM & HG trên địa bàn.

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG