leftcenterrightdel
 Khách hàng trải nghiệm dịch vụ của LiveBank

Giao dịch không nhân sự

Nếu trước đây ATM, CDM được xem là những buồng giao dịch thông minh với khả năng rút, nộp tiền mà không cần đến quầy giao dịch, thì nay, độ thông minh đang được nâng lên với các điểm giao dịch tự động hay các kiốt ngân hàng đa chức năng. Với mô hình này, các dịch vụ ngân hàng không chỉ giới hạn từ nộp, rút tiền mặt, tra cứu số dư mà khách hàng còn có thể gửi và tất toán sổ tiết kiệm, mở tài khoản thanh toán, làm thẻ thanh toán hay thậm chí là mở khoản vay...  ngay tại điểm giao dịch này.

Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) là một trong những ngân hàng triển khai sớm nhất mô hình này với nhiều tính năng ưu việt.

Theo chị Kiều Thị Nguyệt Cầm, TP. Huế, giao dịch ở điểm giao dịch này khá tiện lợi. Tôi có thể nộp, rút tiền từ tài khoản cũng như tự trải nghiệm các giao dịch như: gửi tiền tiết kiệm, mở tài khoản, thanh toán hóa đơn điện/nước, thanh toán thẻ, chuyển khoản không giới hạn thời gian, không gian, giao dịch và chuyển chứng từ tự động…

Đại diện Ngân hàng Nam A Bank chi nhánh Thừa Thiên Huế chia sẻ, mô hình điểm giao dịch tự động Onebank đi vào hoạt động từ đầu năm 2021 trên toàn hệ thống Nam A Bank. Tại Thừa Thiên Huế, mô hình này được triển khai từ 30/11/2021. Hiện nay, toàn tỉnh có 2 điểm giao dịch tự động Onebank đang hoạt động. Với điểm giao dịch tự động này, khách hàng có thể thực hiện các giao dịch mọi lúc, 24/7, 365+. Các điểm Onebank mở cửa từ 5h30 đến 22h30 hàng ngày nên rất thuận tiện cho khách hàng giao dịch. Điều này có nghĩa là Onebank sẽ đáp ứng nhu cầu giao dịch ngân hàng của khách hàng bất cứ thời điểm nào trong ngày, trong tuần, kể cả dịp lễ, tết mà không phụ thuộc vào giờ hành chính.

Không chỉ có Nam A Bank, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng là ngân hàng đi đầu trong triển khai mô hình giao dịch ngân hàng tự động LiveBank. Mô hình này cho phép khách hàng có thể thực hiện nhiều loại giao dịch, đồng thời tương tác với thiết bị như đang giao dịch thực tế với nhân viên ngân hàng.

Cụ thể, LiveBank của TPBank có sự tích hợp các tính năng giao dịch ngân hàng cơ bản kết hợp với ứng dụng công nghệ tương tác qua video với giao dịch viên hỗ trợ tư vấn trực tuyến từ xa cho khách hàng kịp thời, điều mà ATM thế hệ cũ không làm được… Đây được xem là bước tiến lớn trong lĩnh vực công nghệ ngân hàng giúp khách hàng chủ động mọi giao dịch trong cuộc sống và tiết kiệm thời gian.

Tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn

Theo ông Châu Khắc Thái, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, kiốt ngân hàng hay điểm giao dịch tự động là mô hình ngân hàng hiện đại cung cấp cho khách hàng nhiều dịch vụ ngân hàng từ nộp, rút tiền mặt đến gửi và tất toán sổ tiết kiệm, tra cứu số dư, mở tài khoản thanh toán, làm thẻ thanh toán, thanh toán chuyển tiền qua tài khoản, mã QR Code hay thậm chí là mở khoản vay... Nó như một điểm giao dịch mà không cần nhân viên thực hiện.

Hiện trên địa bàn có 3 kiốt ngân hàng đang hoạt động. Các điểm giao dịch này cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm mới trong sử dụng dịch vụ ngân hàng. Qua theo dõi, các kiốt này hoạt động tương đối hiệu quả và được khách hàng đón nhận, đánh giá cao.

Ngoài mô hình kiốt ngân hàng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã, đang tiếp tục đầu tư mạnh mẽ các dịch vụ theo hướng phi tiếp xúc, như: dịch vụ ngân hàng trực tuyến qua Internet Banking, Mobile Banking. Đầu tư sử dụng công nghệ cao trong phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại nhằm cung ứng, thiết kế các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng với mức độ cá nhân hóa cao hơn, thông minh hơn, đem lại những trải nghiệm lớn hơn cho khách hàng. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã không ngừng đầu tư công nghệ để phát triển sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt là các sản phẩm, dịch vụ cần tính cá nhân hóa cao nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Cùng với thúc đẩy chuyển đổi số của ngành Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đang tăng cường công tác quản lý, theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra để phát hiện, xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật trong hoạt động chuyên đổi số ngành Ngân hàng và công tác đảm bảo an ninh, an toàn tài sản, bảo mật thông tin khách hàng. Ngân hàng Nhà nước thường xuyên có công văn chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai các giải pháp hạn chế những rủi ro trong triển khai dịch vụ số nói chung và rủi ro trong mở, sử dụng tài khoản thanh toán nói riêng. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã đưa tiêu chí kết quả triển khai chuyển đổi số ngân hàng vào tiêu chí xét hoàn thành nhiệm vụ, đánh giá kết quả hoạt động đối với các đơn vị, cơ quan, tổ chức trên địa bàn. Từ đó, tạo động lực để nâng cao hiệu quả triển khai chuyển đổi số tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước thông tin.

Bài, ảnh: Hoàng Anh