leftcenterrightdel
 Lãnh đạo các báo tại Tọa đàm nhân kỷ niệm kết nghĩa Hànộimới - Thừa Thiên Huế - Sài Gòn Giải Phóng tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh năm 2019. Ảnh: PV

Đến dự buổi lễ, có trên một ngàn đại biểu của Nhân dân Thủ đô, của hai Hội đồng hương Sài Gòn và Huế, trong đó có các vị: Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Bạch, Hà Huy Giáp, Phạm Ngọc Thạch, Phạm Văn Chương, Dương Bạch Mai, Ngô Thị Huệ, Trang Dung, Hoàng Anh, Hoàng Phương Thảo, Lê Đình Thám, Trần Đăng Khoa, Võ Thị Thể, Nguyễn Hộ, Trần Duy Hưng, Trần Văn Lai, Trần Danh Tuyên, Doãn Kế Thiện, Phạm Khắc Quảng, Trần Anh Liên, Phan Văn Phố, Nguyễn Khoa Diệu Hồng…

Mở đầu phong trào kết nghĩa anh em hai miền là tỉnh Hà Nam ở miền Bắc với tỉnh Biên Hòa ở miền Nam, sau đến các tỉnh Hà Đông với Cần Thơ; Ninh Bình với Bạc Liêu; Bắc Giang với Sóc Trăng; Nam Định với Mỹ Tho; và cuối cùng là Hà Nội - Sài Gòn - Huế.

Hà Nội và hai thành phố lớn Sài Gòn, Huế có quan hệ chặt chẽ với nhau từ lâu. Hà Nội - Huế - Sài Gòn đã cùng chung một hơi thở, một nhịp sống trong mọi giờ phút lịch sử của Tổ quốc. Sự phối hợp chiến đấu chống ngoại xuân giữa Hà Nội, Huế, Sài Gòn, trong suốt cả gần một thế kỷ nay, nhất là từ khi có sự lãnh đạo của Đảng, từ sau Cách mạng tháng Tám đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp vẻ vang của dân tộc ta ngày nay. Với những thành tích cách mạng của mình, Sài Gòn, Huế đã cống hiến công sức của mình để Hà Nội ngày nay được vươn lên dưới bầu trời miền Bắc tươi sáng. Hà Nội là Thủ đô của đất nước Việt Nam thống nhất. Sài Gòn là thành phố lớn nhất của “Thành đồng Tổ quốc” được vinh dự mang tên “thành phố Hồ Chí Minh”, và Huế là thành phố của Trị - Thiên bất khuất, của khúc ruột miền Trung. Hà Nội - Sài Gòn - Huế kết nghĩa với nhau thật xứng đáng là tiêu biểu cho tình Bắc – Nam ruột thịt giữa hai miền, cho tinh thần đoàn kết đấu tranh của một dân tộc cùng chung một Tổ quốc không thể chia cắt. Cho nên cả nước nhiệt liệt hoan nghênh mối tình kết nghĩa của Hà Nội - Huế - Sài Gòn.

Cũng như đối với các nơi khác, Hà Nội, Huế, Sài Gòn kết nghĩa sẽ làm tăng sức mạnh cho Hà Nội trong công cuộc xây dựng Thủ đô xã hội chủ nghĩa và cho Sài Gòn, Huế trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược ở miền Nam. Hà Nội, Sài Gòn, Huế kết nghĩa với nhau ngay trong khi Nhân dân ta đang phấn khởi trước thành công rực rỡ của Đại hội Đảng, trước những thành tích hoàn thành kế hoạch Nhà nước ba năm và ngay trong khi miền Bắn sắp sửa bước vào kế hoạch năm năm lần thứ nhất và miền Nam đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống Mỹ - Diệm, nhất định càng phát huy mạnh mẽ tác dụng của việc kết nghĩa.

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội lần thứ III đã vạch rõ nhiệm vụ cách mạng hai miền có quan hệ chặt chẽ, có tác dụng cổ vũ và hỗ trợ cho nhau. Miền Bắc chúng ta có đổ mồ hôi trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội thì miền Nam ruột thịt của chúng ta mới đỡ phải đổ máu, và miền Nam chúng ta càng anh dũng đấu tranh, càng đẩy dần bè lũ Mỹ - Diệm đến hố sâu thất bại thì miền Bắc càng xây dựng nhanh chóng, càng tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Nhận rõ ý nghĩa đó, chúng ta tiếp tục phát huy tinh thần kết nghĩa để làm động cơ đẩy mạnh phong trào đoàn kết đấu tranh hoàn thành hai nhiệm vụ cách mạng của dân tộc ta trên cả hai miền Bắc – Nam.

Phong trào kết nghĩa Bắc – Nam bắt nguồn từ tinh thần yêu nước nồng nàn và tình cảm chân thật ruột thịt của Nhân dân hai miền. Đó là hình ảnh cụ thể của một dân tộc vốn có một lịch sử gắn bó với nhau như các bộ phận trong một cơ thể. Vì những ý nghĩa sâu sắc như vậy, phong trào kết nghĩa đã được Nhân dân ta ở khắp nơi, cả miền Bắc và miền Nam nhiệt liệt hưởng ứng.

Thấm nhuần ý nghĩa của việc kết nghĩa Bắc – Nam, với Sài Gòn, Huế, đồng bào Thủ đô từ đây lại thêm trách nhiệm đối với hai triệu anh em ruột thịt ở hai thành phố anh em. Nhân dân Hà Nội phấn khởi nhận trách nhiệm và sẽ cố gắng xứng đáng với lòng mến yêu của đồng bào Huế và Sài Gòn. Nhân dân Hà Nội ghi tên thân yêu Huế, Sài Gòn trong tim mình, trong tâm trí mình mang tình yêu mến Huế, Sài Gòn đẩy mạnh mọi mặt công tác, nỗ lực xây dựng Thủ đô xã hội chủ nghĩa.

Cuối cùng, thay mặt cho Nhân dân Thủ đô, Bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Hà Nội, Trưởng ban vận động kết nghĩa Hà Nội, Huế, Sài Gòn chúc đồng bào Sài Gòn, Huế đạt nhiều thắng lợi mới trong cuộc đấu tranh chống Mỹ và bè lũ tay sai ở miền Nam đồng thời trao tặng hai Hội đồng hương Sài Gòn, Huế hai cuốn sổ kỷ niệm và hai lá cờ thêu tám câu thơ:

Tặng Sài Gòn

Cùng nhau sướng khổ đã từng

Hòa bình thống nhất không ngừng đấu tranh

Muôn năm Hà Nội – Sài Thành

Keo sơn thêm chặt mối tình từ đây.

Tặng Huế

Nước non vẫn nước non nhà

Ngó vô Hương, Ngự trông ra Nhị, Nùng

Sắt son xin quyết một lòng

Hòa bình thống nhất ta cùng đấu tranh.

Tiếp đó, ông Nguyễn Hộ, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Sài Gòn – Chợ Lớn, thay mặt cho Hội đồng hương Sài Gòn bày tỏ ý kiến và trao tặng các đại biểu Hà Nội và Huế hai lá cờ thêu tám câu thơ:

Tặng Hà Nội

Chủ nghĩa xã hội đơm hoa

Nghìn năm văn vật đất nhà thêm tươi

Sài Gòn tuy cách phương trời

Hương đưa cây nước lòng người, đấu tranh.

Tặng Huế

Người Bến Nghé, kẻ sông Hương

Một lòng chung thủy, một đường đấu tranh

Cùng nhau kết bạn Hà Thành

Non sông thêm chặt mối tình mai xưa.

Sau khi đại biểu Sài Gòn trao tặng lá cờ kỷ niệm, ông Hoàng Phương Thảo, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Hành chánh thành phố Huế, thay mặt đồng bào Huế phát biểu ý kiến và trao tặng các đại biểu Hà Nội và Sài Gòn hai lá cờ thêu câu thơ:

Là cây một cội, là con một nhà.

Trước khi buổi lễ kết thúc, bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng, thay mặt toàn thể đại biểu tham dự đọc bức thư của đồng bào Hà Nội và những con em của Sài Gòn, Huế ở Hà Nội luôn hướng về miền Nam thân yêu, gửi đồng bào Sài Gòn, Huế, nguyện ra sức củng cố mối tình anh em giữa Hà Nội, Huế, Sài Gòn, xứng đáng với lòng tin yêu của đồng bào Sài Gòn và Huế, góp phần xây dựng Thủ đô, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

(còn nữa)

Bài 3: Là cây một cội, là con một nhà

Dương Phước Thu