leftcenterrightdel
Nguy cơ cao bệnh tiểu đường sẽ gia tăng trên toàn thế giới. Ảnh minh hoạ: Australian Journal  of Pharmacy/Thanh Niên 

Các ước tính mới dự đoán, con số này sẽ tăng từ 529 triệu người vào năm 2021 lên hơn 1,3 tỷ vào năm 2050. Không có quốc gia nào được cho là sẽ giảm tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường trong 30 năm tới. Đây là những phát hiện đã được công bố trên tạp chí The Lancet và The Lancet Diabetes & Endocrinology.

Các chuyên gia mô tả dữ liệu này đang ở mức đáng báo động, trong đó nhận xét bệnh tiểu đường đang vượt xa hầu hết các bệnh khác trên toàn cầu, trở thành mối đe doạ đáng kể đối với con người và hệ thống y tế.

“Bệnh tiểu đường vẫn là một trong những mối đe doạ sức khoẻ cộng đồng lớn nhất của thời đại và sẽ phát triển mạnh mẽ trong 3 thập kỷ tới ở mọi quốc gia, nhóm tuổi và giới tính, qua đó đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với các hệ thống chăm sóc sức khoẻ trên toàn thế giới”, Tiến sĩ Shivani Argarwal, tại Đại học Y khoa Albert Einstein cho biết.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Liên Hiệp quốc đã dự đoán vào năm 2050, dân số thế giới sẽ rơi vào khoảng 9,8 tỷ người. Điều này cho thấy đến lúc đó, từ 1/7 – 1/8 người dân toàn cầu sẽ sống chung với bệnh tiểu đường.

Các tác giả thực hiện nghiên cứu chia sẻ: “Bệnh tiểu đường loại 2, chiếm phần lớn các trường hợp mắc bệnh tiểu đường, phần lớn có thể phòng ngừa được và trong một số trường hợp, bệnh nhân còn có khả năng phục hồi nếu được xác định và quản lý sớm trong quá trình điều trị bệnh. Tuy nhiên, tất các bằng chứng chỉ ra rằng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường đang gia tăng trên toàn thế giới, chủ yếu là do tỷ lệ béo phì tăng do nhiều yếu tố gây ra”.

Theo các tác giả, sự phân biệt chủng tộc mang tính cấu trúc của các nhóm dân tộc thiểu số và “sự bất bình đẳng về địa lý” đang làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tật, ốm đau và tử vong trên khắp thế giới.

Những người từ các cộng đồng bị thiệt thòi ít có khả năng tiếp cận với các loại thuốc thiết yếu như insulin và kiểm soát lượng đường trong máu kém hơn, chất lượng cuộc sống thấp hơn và tuổi thọ giảm.

Có thể nói rằng, đại dịch COVID-19 đã khuếch đại sự bất bình đẳng về bệnh tiểu đường trên toàn cầu. Các tác giả cho biết, những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị nhiễm COVID-19 nặng hơn và nguy cơ tử vong cũng cao gấp đôi so với những người không mắc bệnh, đặc biệt là ở các nhóm dân tộc thiểu số.

Nghiên cứu chỉ ra những tác động sâu xa và quy mô lớn của phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng, dẫn đến những tác động không đồng đều đối với tỷ lệ mắc tiểu đường toàn cầu, cũng như tỷ lệ được chăm sóc và tỷ lệ hiệu quả.

Đồng tác giả Leonard Egede của Đại học Y Wisconsin cho biết: “Các chính sách phân biệt chủng tộc như phân biệt dân cư ảnh hưởng đến nơi mọi người sinh sống, khả năng tiếp cận đến các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và nguồn thực phẩm đầy đủ, tốt cho sức khoẻ. Vấn đề bất bình đẳng về bệnh tiểu đường ngày càng tăng này dẫn đến những lỗ hổng đáng kể trong việc chăm sóc và kết quả lâm sàng cho những người thuộc các nhóm chủng tộc và dân tộc bị tước quyền trong lịch sử, bao gồm cả người da màu, gốc Tây Ban Nha và người bản địa”.

Ghi nhận riêng ở Anh, Tổ chức từ thiện Diabetes UK trước đây đã ghi nhận, số lượng người thừa cân hoặc béo phì cao, chiếm khoảng 64% người trưởng thành ở Anh. Điều này đang dẫn đến sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Tình hình ngày càng trở nên phổ biến ở những người dưới 40 tuổi và ở những khu vực có mức độ thiếu thốn cao.

Để đối phó với căn bệnh này, nhu cầu phối hợp hành động giữa các chính phủ để giải quyết sự bất bình đẳng về tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường, chữa trị bệnh, cũng như điều chỉnh để cải thiện các điều kiện chăm sóc sức khoẻ cơ bản chưa bao giờ lớn hơn hoặc cấp bách hơn lúc này.

Đan Lê (Lược dịch từ The Guardian)