Kiểm tra môi trường nước nuôi trồng thủy sản |
Chuyển đổi mô hình công nghệ cao
Trong điều kiện ứng phó, thích ứng với BĐKH, yêu cầu đặt ra đối với ngành nông nghiệp và các địa phương không có con đường nào khác ngoài chuyển đổi mô hình nuôi tôm thông thường sang công nghệ cao. Nuôi thủy sản công nghệ cao không chỉ an toàn, hạn chế nguy cơ rủi ro, dịch bệnh mà còn mang lại hiệu quả, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, hướng đến thị trường xuất khẩu.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng, nuôi tôm, thủy sản nói chung bằng công nghệ cao là hướng đi tất yếu trước yêu cầu mới. Trước mắt, tập trung khuyến khích, chuyển đổi khoảng 150ha nuôi tôm chân trắng trên cát tại Phong Điền, ứng dụng khoa học - kỹ thuật công nghệ cao, cải tiến hạ tầng ao nuôi từ quy mô lớn 3.000 – 5.000m2 sang ao tròn diện tích 500 - 1.000m2 phù hợp với quy định về điều kiện cơ sở hạ tầng, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Gần như bắt buộc trong quá trình nuôi tôm chân trắng nói riêng và thủy sản nói chung phải liên kết giữa các doanh nghiệp với hộ nuôi áp dụng các công nghệ nuôi mới, tuần hoàn, thân thiện với môi trường, thích ứng với BĐKH nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm. Một trong những yếu tố thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật... là cần phát triển các mô hình nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái, áp dụng các tiêu chuẩn thực hành nuôi thủy sản tốt VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP... an toàn thực phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững.
Nuôi tôm, thủy sản nước lợ vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai an toàn được khẳng định là hướng đi tất yếu, phù hợp trong tiến trình phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh hiện nay. Yêu cầu đặt ra là phải rà soát khu vực cao triều vùng đầm phá có điều kiện, chuyển đổi khoảng 800ha nuôi đối tượng chủ lực như tôm sú, tôm chân trắng tại vùng Ba Lăng, Xuân Ổ, xã Phú Xuân, vùng cao triều các xã Vinh An, Vinh Hà (Phú Vang), vùng nuôi cao triều xã Vinh Hưng, Giang Hải, Lộc Điền (Phú Lộc), Quảng Công (Quảng Điền) và xã Hải Dương (TP. Huế) để phát triển mô hình công nghệ cao, nâng cao giá trị sản xuất.
Riêng với các đối tượng thủy, đặc sản sẽ xây dựng vùng ươm, nuôi tập trung tại các xã nuôi trồng thủy sản trọng điểm của huyện Phú Vang, Phú Lộc quy mô khoảng 200 - 300ha. Tại các huyện Phú Vang, Phú Lộc, TP. Huế đầu tư phát triển các vùng nuôi tập trung cá lồng nước lợ tại các xã ven cửa biển và vùng đầm phá với quy mô mỗi vùng khoảng 400 - 500 lồng. Các vùng nuôi Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy, TP. Huế rà soát, sắp xếp các lồng nuôi nước ngọt đảm bảo theo quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mặt nước nuôi trồng thủy sản tại các địa phương.
Hiện đại hóa đánh bắt xa bờ
Trong khi nguồn lợi thủy sản gần bờ, trung bờ ngày càng khan hiếm thì việc vươn khơi, vùng biển xa để khai thác hiệu quả là điều tất yếu trước xu thế hiện nay. Hướng đi của ngành thủy sản tỉnh là tổ chức phát triển hiệu quả các nghề khai thác hải sản vùng biển khơi gắn với các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia. Trên cơ sở hạn ngạch khai thác vùng biển khơi được phân bổ, ngành tổ chức cơ cấu lại đội tàu khai thác vùng biển khơi, biển xa.
Đội tàu công suất trung bình 700-800 CV và công suất lớn sẽ không chỉ tăng về số lượng mà còn phải hiện đại hóa, có trang, thiết bị máy dò cá, máy định vị, bảo quản đông lạnh hiện đại, hoặc có thể sơ chế hải sản tại chỗ trong một thời gian nhất định ngay trên biển để hải sản không bị hư hỏng. Từ đó, tàu thuyền đảm bảo có thể bám biển dài ngày nhằm tăng sản lượng và chất lượng hải sản, kết hợp phát triển đội tàu dịch vụ ngoài biển, hỗ trợ các tàu đánh bắt xa bờ bám biển dài ngày.
Trước yêu cầu phát triển nghề khai thác biển, ngành thủy sản cùng các ban, ngành liên quan cần nghiên cứu, tổ chức đánh giá nguồn lợi, xây dựng cơ cấu nghề khai thác hợp lý, cơ cấu lao động phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn lợi thủy sản, đặc điểm kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, tổ chức điều tra tổng thể trữ lượng nguồn lợi thủy sản trên vùng biển Thừa Thiên Huế định kỳ 5 năm/lần làm cơ sở xác định điều chỉnh hạn ngạch giấy phép khai thác hải sản phù hợp.
Các quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần được triển khai cụ thể, hiệu quả, thiết thực. Các nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, sử dụng nhiều nhiên liệu sang các nghề thân thiện với môi trường từng bước giảm thiểu, tiến tới chấm dứt triệt để.
Ngành thủy sản cần có biện pháp thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển khai thác thủy sản, hình thành một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn để hợp tác khai thác xa bờ. Các tổ, đội, hợp tác xã thủy sản đổi mới mô hình hoạt động, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Các địa phương ven biển phải vận động, tập hợp cộng đồng ngư dân tham gia trong các tổ chức như chi hội nghề cá, nghiệp đoàn nghề cá, tổ cộng đồng quản lý nghề cá... để huy động sức dân giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ, tiêu thụ sản phẩm.
Theo mục tiêu, định hướng đầu tư của tỉnh hướng đến xây dựng mới cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu, thuyền nghề cá bằng các vật liệu mới như Composite, Polypropylene Polystone Copolymer (PPC) và thép, từng bước thay thế các tàu thuyền nghề cá vỏ gỗ nhằm đảm bảo vươn khơi an toàn, hiệu quả. Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu về vật liệu ngư cụ, lưới sợi phục vụ hoạt động khai thác hải sản, ngoài việc đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở sản xuất, gia công, chế tạo quy mô hộ gia đình hiện có cần đầu tư phát triển thêm 1-2 cơ sở sản xuất, gia công chế tạo vật tư, ngư cụ, lưới sợi có quy mô lớn để tăng năng lực sản xuất.
Liên kết chuỗi giá trị
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh, ông Hồ Đăng Khoa cho rằng, phát triển công nghiệp chế biến thủy sản quy mô hàng hóa lớn đóng vai trò chủ đạo trong việc dẫn dắt, thúc đẩy phát triển chuỗi sản xuất thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Điều này đặt ra yêu cầu phải áp dụng khoa học công nghệ, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm chế biến giá trị gia tăng phục vụ các ngành thực phẩm và phi thực phẩm. Theo đó, phải đổi mới máy móc, thiết bị và công nghệ chế biến nhằm tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, quy tắc xuất xứ, an toàn môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế và năng lực cạnh tranh.
Để phát huy tố đa năng lực chế biến của tỉnh bắt buộc ưu tiên sử dụng nguồn nguyên liệu từ khai thác, nuôi trồng thủy sản trong tỉnh, đồng thời kết nối, mở rộng thị trường cung cấp nguyên liệu hợp pháp với sản lượng và chất lượng ổn định. Ngành nông nghiệp phải làm cầu nối trung gian tập trung xây dựng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thu mua với các hộ khai thác, nuôi thủy sản; giữa cơ sở thu mua và hệ thống các siêu thị, cơ sở bán hàng hải sản tươi sống. Hướng đến từng bước hình thành chuỗi tiêu thụ khép kín bảo đảm đầu ra, giá cả ổn định, nâng cao giá trị cho người sản xuất. Trước mắt, hình thành, xây dựng và hoàn chỉnh mô hình điểm cung ứng sản phẩm thủy, hải sản đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị.
Các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản cần được hỗ trợ xây dựng, đăng ký tài sản trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, kết hợp áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến và công bố chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường. Các sản phẩm thủy, hải sản được tổ chức tham gia hội chợ trưng bày trong và ngoài tỉnh, ngoài nước để quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường.
Chế biến thủy, hải sản trong cộng đồng phải được hỗ trợ, khuyến khích đầu tư theo công nghệ truyền thống kết hợp với thiết bị, công nghệ hiện đại nhằm tăng số lượng, chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm thủy sản phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Trong đó, tập trung xây dựng các cơ sở chế biến thủy, hải sản có thương hiệu ở các xã Phú Hải, Phú Thuận (Phú Vang), Thuận An (TP. Huế), Lộc Vĩnh, Vinh Hưng (Phú Lộc)... kết hợp tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo nguồn sản phẩm có thương hiệu.
Mục tiêu của ngành nông nghiệp đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh duy trì hiệu quả hoạt động 3 nhà máy chế biến thủy sản đã được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, được phép chế biến, xuất khẩu thủy sản vào thị trường có yêu cầu chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm. Đồng thời, nâng cấp, chứng nhận 92 cơ sở chế biến thủy sản quy mô nhỏ ở TP. Huế, Phú Vang và Phú Lộc; phấn đấu thành lập mới 30 cơ sở chế biến có quy mô vừa, đảm bảo chứng nhận an toàn thực phẩm. Sản lượng chế biến thủy sản đạt khoảng 3.500 tấn/năm. Trên địa bàn tỉnh có khoảng 13 công ty, cơ sở kinh doanh thủy sản có kho lạnh với sản lượng hàng thủy sản tối đa khoảng 3.000 tấn, phấn đấu nâng công suất kho lạnh lên 4.000 tấn. |