Khoa Nội tim mạch phối hợp với chuyên gia nước ngoài tổ chức workshop điều trị rối loạn nhịp khó bằng hệ thống 3D. |
Phát triển kỹ thuật chuyên sâu về nội tim mạch
Trải qua hơn 67 năm xây dựng và trưởng thành, Khoa Nội tim mạch (tiền thân là Khoa Tim-Thận-Khớp) đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành đơn vị chuyên khoa sâu đầu ngành tuyến cuối của toàn quân trong điều trị các bệnh lý tim mạch.
Từ một đơn vị tập trung chủ yếu vào điều trị nội khoa, đến nay, Khoa Nội tim mạch đã có thể triển khai thường quy nhiều kỹ thuật chuyên sâu, mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị cho người bệnh.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, Khoa Nội tim mạch đã có thể làm chủ được nhiều kỹ thuật như triệt đốt loạn nhịp trung bình 800 bệnh nhân/năm gồm: Triệt đốt loạn nhịp có sử dụng hệ thống dựng hình 3D với bệnh nhân rung nhĩ và loạn nhịp khó với khoảng 200 ca/một năm; cấy máy tạo nhịp từ 150-200 ca/mỗi năm bao gồm cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn điều trị rối loạn nhịp chậm, cấy máy phá rung tự động ICD điều trị bệnh nhân rối loạn nhịp nguy hiểm, cấy máy tái đồng bộ tim CRT, CRT-D trong điều trị suy tim nặng.
Hiện nay, khoa đang phát triển cấy bó nhánh trái thường quy cho bệnh nhân bị block nhĩ thất.
Với hệ thống trang thiết bị hiện đại, đội ngũ bác sĩ can thiệp nhịp giàu kinh nghiệm, Khoa Nội tim mạch đã điều trị thành công nhiều trường hợp khó như ngoại tâm thu thất, đường phụ vị trí gần His, cơn tim nhanh thất,… bằng hệ thống 3D. Đây là những loại loạn nhịp phức tạp, dễ gây biến chứng block nhĩ thất nếu triệt đốt bằng hệ thống 2D thông thường.
Hằng năm, Khoa Nội tim mạch tiến hành kỹ thuật can thiệp bệnh lý mạch vành, tim bẩm sinh cho khoảng 450 ca/năm; triệt đốt suy tĩnh mạch bằng năng lượng sóng có tần số radio với số lượng khoảng 400 ca/ năm.
Với việc phát triển chuyên sâu các kỹ thuật mạch đã giúp cứu sống tính mạng cho rất nhiều các trường hợp nhồi máu cơ tim cấp, sốc tim mang lại niềm vui, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Đối với các bệnh lý tim bẩm sinh, bệnh nhân được can thiệp xâm lấn tối thiểu, không phải trải qua cuộc phẫu thuật kéo dài, tránh nguy cơ gây mê, nhiễm trùng…
Khoa Nội tim mạch đã từng bước phát triển các kỹ thuật chẩn đoán chuyên sâu như: Holter điện tim, điện tim gắng sức; siêu âm tim 2D, 3D, đánh dấu mô, siêu âm tim gắng sức
Với việc ứng dụng các kỹ thuật chẩn đoán chuyên sâu đã giúp phát hiện kịp thời các trường hợp khó, bệnh lý phức tạp, từ đó điều trị kịp thời, hiệu quả cho bệnh nhân.
PGS, TS Phạm Nguyên Sơn, nguyên Chủ nhiệm Khoa Nội tim mạch cùng tập thể Khoa Nội tim mạch. |
Lấy người bệnh là trung tâm
"Chăm sóc người bệnh tận tâm, tận tình, lấy người bệnh là trung tâm" là phương châm cũng như kim chỉ nam hành động của tất cả đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nói chung và y, bác sĩ tại Khoa Nội tim mạch, Viện Tim mạch nói riêng.
Với khối lượng công việc lớn tại Khoa Nội Tim mạch, cùng với đội ngũ bác sĩ của khoa, mỗi điều dưỡng viên của khoa chịu áp lực lớn, trực tiếp nhất, liên quan tới tính mạng của bệnh nhân.
Đôi khi, con mình hay người nhà ốm đau, nhưng vẫn phải đi trực, không có thời gian quan tâm, dù chính mình làm công việc chăm sóc sức khỏe. Đấy là chưa nói nhiều bệnh nhân rất khái tính, mỗi điều dưỡng viên được phân công chăm sóc nhiều người bệnh, nên vô cùng áp lực.
Chị Đỗ Thị Hiến, Điều dưỡng trưởng Khoa Nội tim mạch tâm sự: "Đến nay, hỉ, nộ, ái, ố đã nhiều, nhưng chúng tôi tâm niệm, mỗi ngày trao yêu thương sẽ nhận lại yêu thương, đây là động lực, để phấn đấu hết lòng vì người bệnh. Chăm sóc cho người bệnh tốt, là mong muốn chung của toàn khối điều dưỡng".
Chia sẻ về một kỷ niệm khó quên trong quá trình công tác của mình, chị Nguyễn Thanh Hải, điều dưỡng viên Khoa Nội tim mạch bồi hồi kể lại: "Có một năm trong kíp trực của tôi đúng vào đêm 30, mọi người đang chuẩn bị đón Giao thừa thì nhận khẩn cấp một ca cấp cứu, là một bác thương binh. Lúc đó chúng tôi tập trung cấp cứu, không còn nghĩ gì tới thời khắc năm mới nữa. Thật buồn là dù cố gắng hết sức nhưng chúng tôi vẫn không thể cứu chữa được cho bác".
Tuy chiến tranh đã lùi xa, nhưng dịch bệnh chính là “giặc’’ vô hình, lấy đi rất nhiều sức khỏe và tính mạng của nhân dân, đồng chí, đồng đội. Chính vì thế, chị và các đồng nghiệp của mình luôn tâm niệm cùng nhau cố gắng, không quản ngại khó khăn, để vượt qua mọi thử thách, bảo vệ sức khỏe của bộ đội và nhân dân. "Chúng tôi tự hào, hạnh phúc khi là những người thầy thuốc mặc áo lính".
Khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, người điều dưỡng Khoa Nội tim mạch luôn sẵn sàng cho mọi chăm sóc y tế, cùng người bệnh vượt qua những cơn đau và sự mệt mỏi trong quá trình điều trị.