Cùng bạn cà phê bên vỉa hè đường Đoàn Thị Điểm, con đường xinh xinh, thẳng tắp và rợp bóng cây xanh. Phía bên kia là bức tường thành rêu phong cổ kính của Đại Nội. Cảnh sắc tuyệt vời mà tôi đoán chắc khó nơi nào có thể có được…
Một cơn gió thoảng qua, mang theo hương sen từ mặt nước các hồ, hào chung quanh tỏa ngát cả không gian. Không thể cưỡng được, bạn rủ tôi rời quán cà phê, bước sang bên kia đường dạo một chút dọc theo bờ thành Đại Nội để được đắm mình trong không gian di sản, và để được thỏa thuê ngắm nhìn những bông sen đang tưng bừng bung nở, khoe sắc phủ kín cả hào nước dưới chân tường thành. Một số du khách cũng như bạn tôi, đang cùng nhau đi dọc con đường lát đá râm mát dọc bờ hào, và không ngưng dừng lại ở điểm này điểm khác để cố ghi cho mình thật nhiều bức hình đẹp của một lần đến Huế giữa mùa sen nở.
Di tích Huế là niềm tự hào mà ai cũng phải có trách nhiệm gìn giữ |
Từ hướng Đoàn Thị Điểm chúng tôi rẽ qua ngả Đặng Thái Thân. Tôi hào hứng chỉ chỏ, giới thiệu cho bạn tôi về Bình An Đường, về lầu Tứ Phương Vô Sự, về cửa Hòa Bình- lối dẫn vào khu vực Đại Nội từ mặt bắc phía sau…Bạn tôi cũng háo hức nghe và háo hức bấm máy. Bỗng nhiên, thấy bạn hơi khựng lại. Tôi đưa mắt nhìn. Trời ạ, dưới con hào đầy sen như thế, ngay bên cạnh một di tích đẹp và quan trọng như thế, vậy mà một đống lù lù với nào là ni lông, chai nhựa, hộp xốp, xà bần, lốp xe cũ… xuất hiện. Cách đống rác khó coi kia không xa là một chiếc ghế hỏng cũng được ai đó ném thẳng xuống hồ cho “khuất mắt”.
“Bộ dạng” đống rác khó coi kia cho biết nó nằm đó đã lâu, và chỉ có thể xuất phát từ một số nhà dân quanh đó. Đáng ngại hơn là vẻ như nó chưa bao giờ được để mắt dọn dẹp, và nguy cơ còn có thể bị làm đầy thêm. Thật không thể hiểu nổi sao lại có một số người xử sự tệ hại như vậy. Người Huế mà không quý, không tôn trọng di sản của thành phố quê hương - di sản thế giới đầu tiên của đất nước được công nhận- thì làm sao “bắt” người ngoài phải quý, phải tôn trọng? Tôi lúng túng và cảm thấy như mình có lỗi. Vội kéo bạn trở lại với cái cớ còn đi một vài điểm khác kẻo trưa sẽ rất nắng. Thật ra trong thâm tâm, tôi ngại nhỡ lại có rác xuất hiện ở những góc hào phía trước nữa thì không biết sẽ giải thích làm sao với bạn?!
Chiếc ghế hỏng được kẻ vô ý thức tiện tay ném xuống hào nước gần cửa Hòa Bình |
Bạn đã rời đi nói lời tạm biệt Huế, song cái đống rác vô lý vô sự kia thì cứ làm tôi vẩn vơ suy nghĩ. Rất nhiều "Ngày chủ nhật xanh" đã được tổ chức, Xanh- sạch- sáng đã trở thành phong trào của cả tỉnh và được nhiều địa phương duy trì thường xuyên, vậy mà sao vài vị trí rất đáng để mắt như nơi đống rác kia “tọa lạc” lại bị bỏ sót. Có lẽ nguyên nhân là bởi, địa phương thì cho rằng đó là công trình do di tích quản lý, di tích phải chịu trách nhiệm dọn dẹp; trong lúc di tích thì lực lượng mỏng, phạm vi quản lý lại mênh mông nên chưa thể quán xuyến xuể, vậy là “bỏ lọt” rác (?)
Đống rác khó coi ở góc chân hào nước phía sau Đại Nội |
Cho dù lý do thế nào đi nữa, tình trạng xấu xí kia rất cần phải chấm dứt. Trước hết là ở những khu di tích trung tâm, trọng điểm. Rất nên có một vài đợt ra quân với lực lượng lớn (của đơn vị môi trường đô thị, của các địa phương, các tổ chức đoàn thể và các lực lượng khác trong xã hội), tích cực hỗ trợ Trung tâm BTDTCĐ Huế rà soát, dọn vệ sinh dứt điểm những vị trí trung tâm, trọng yếu, như con hào vòng quanh Đại Nội; vị trí chân một số cổng thành thường có đông du khách qua lại… Đồng thời, phải tăng cường giáo dục, quán triệt ý thức cho người dân, gắn với đầu tư lắp camera giám sát, phát động cộng đồng phát hiện, tố giác để xử lý thật nghiêm khắc mọi hành vi xả rác bừa bãi, xâm hại cảnh quan di tích. Phải hành động và hành động riết róng như thế để bảo vệ, tôn vinh di sản Huế, để Huế thực sự là miền đất xanh, sạch, sáng mà ai đã một lần đến đều lưu giữ mãi ấn tượng đẹp trong lòng.