TS. Trần Như Minh Hằng |
TS. Trần Như Minh Hằng, Trưởng phòng khám Sức khỏe Tâm thần và Điều trị tâm lý – Bệnh viện Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế cho hay: Thuốc lá điện tử chứa dung dịch chất lỏng được đốt lên làm nóng, tạo thành dạng khí dung và người sử dụng sẽ hút/hít dải khí dung đó. Ban đầu, thành phần chính TLĐT là nicotine + hương liệu + chất phụ gia. Ngày nay, TLĐT còn được bơm vào các chất khác, kể cả ma túy.
Người hút TLĐT giai đoạn đầu có cảm giác tập trung mục tiêu, khoái cảm, vui vẻ là do tác động của nicotin kích hoạt sản xuất dopamine trong não bộ, song về lâu dài sẽ gây ra tăng nhịp tim, tăng huyết áp, gây đột quỵ, các bệnh lý ung thư phổi… cực kỳ nguy hiểm. Đó còn chưa kể đến các chất độc hại khác được đưa vào trong TLĐT.
Một số doanh nhân, người quản lý ban đầu dùng TLĐT với mục đích là cai sử dụng thuốc lá truyền thống, song TLĐT cũng có những tác dụng gây hại gần như thuốc lá đốt truyền thống. Thực chất, nó có thể độc hơn là vì người sử dụng không biết được bên trong đó thực sự là những chất gì ngoài nicotine.
Thưa TS., liệu đây có phải là một dạng bệnh mới xuất phát từ các chất gây nghiện?
Đúng rồi! Trước đây không có những rối loạn tâm thần gây ra do TLĐT. Những biểu hiện hoang tưởng, ảo giác… không hề xa lạ. Triệu chứng này nguyên nhân hầu như liên quan đến bệnh lý về tâm thần bên trong cơ thể. Bây giờ, với việc đưa vào cơ thể dưới dạng các chất gây nghiện ngày càng nhiều thì rối loạn tâm thần dạng này cần được cộng đồng cảnh báo, chú trọng.
Vậy, những triệu chứng nào biểu hiện một người bị nghiện TLĐT?
Thông thường, những người sử dụng chất gây nghiện ít khi sử dụng một loại mà là nhiều chất khác nhau. Biểu hiện người nghiện TLĐT rất đa dạng. Ban đầu sẽ là trầm cảm, lo âu, cảm thấy căng thẳng hơn, có trường hợp xuất hiện ý tưởng tự sát. Triệu chứng nặng nề hơn như loạn thần, hoang tưởng, ảo giác, kích động… Bệnh nhân khi đến điều trị cho hay, họ nhìn thấy những hình ảnh ghê rợn, gặp ác mộng, thấy người khác đang hại mình…
Một sinh viên trước đây chưa từng sử dụng thuốc lá, đi chơi với bạn bè thấy bạn hút nên cũng hút thử TLĐT. Ngay sau lần thử đầu tiên, em kể rằng luôn thấy tiếng nói ở trong đầu – tức là ảo thanh. Nó ra lệnh cho em làm cái này, cái khác. Em đã lấy dao rạch tay mình, gia đình phát hiện, lo sợ nên đưa em đến điều trị. Thông thường, nicotine sẽ không thể gây hoang tưởng, ảo giác đến như vậy nên khả năng trong TLĐT có những chất khác tác động tới não, gây ra những hoang tưởng, ảo giác.
Vậy khi nào người nghiện thuốc lá điện tử nên đến các đơn vị y tế để thăm khám, điều trị?
Nhìn chung, những ai liên quan đến sử dụng chất – lệ thuộc chất thì nên đến các cơ sở y tế khám, kiểm tra. Nếu có biểu hiện liên quan đến tâm thần do nghiện các chất thì nên đến các bệnh viện chuyên khoa, như: Phòng khám Sức khỏe tâm thần – Liệu pháp tâm lý của BV Trường ĐH Y dược, ĐH Huế; Khoa Sức khỏe tâm trí của BV Trung ương Huế, BV Tâm thần Huế.
Điều trị các triệu chứng loạn thần như hoang tưởng, ảo giác… của người sử dụng chất gây nghiện thường diễn ra khoảng vài tuần cho đến khi hết các triệu chứng. Để cai nghiện, cần một chiến lược lâu dài giống như việc hút thuốc lá truyền thống. Ngoài ra còn có liệu pháp hành vi nhận thức, giáo dục cho bệnh nhân hiểu tác hại của TLĐT, khuyến khích họ tham gia các hoạt động thể chất, kiểm soát chế độ ăn, tránh tăng cân khi bỏ thuốc…
Việc điều trị loạn thần do hút TLĐT có khác gì so với các bệnh khác thuộc lĩnh vực tâm thần hay không?
Thực ra không có những triệu chứng điển hình của việc nghiện TLĐT, mà nó sẽ có triệu chứng chung của một trạng thái lệ thuộc khi nghiện một chất nào đó như rượu, bia, ma túy...
Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra 6 biểu hiện để xác định người nghiện một chất nào đó: Thèm sử dụng chất mãnh liệt; có hiện tượng dung nạp chất đó, đòi hỏi cơ thể tăng liều lượng, sử dụng nhiều lần; khi ngừng sẽ xuất hiện hội chứng “cai”: thèm hút trở lại, rối loạn giấc ngủ, bồn chồn, khó chịu, dễ cáu gắt, thèm ăn; biết tác hại nhưng vẫn sử dụng; bỏ qua hết những thú vui, hoạt động yêu thích trước đây; khó kiểm soát việc sử dụng.
Chỉ cần có 3/6 biểu hiện như đã nói trong vòng 12 tháng, thì có thể xác định người đó có lệ thuộc vào chất gây nghiện.
Để tránh việc tái nghiện và những hệ lụy không đáng có từ nghiện TLĐT, TS. có lời khuyên nào cho các ca bệnh này?
Gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa, tái nghiện TLĐT. Ví dụ những stress trong gia đình có thể là một trong những yếu tố đẩy con em mình sử dụng TLĐT/ các chất gây nghiện. Vì vậy, phụ huynh nên theo sát con, quan tâm đầy đủ để có thể phát hiện sớm những dấu hiệu sử dụng TLĐT nhằm ngăn chặn kịp thời. Hướng con mình vào những hoạt động lành mạnh như tiếp xúc thiên nhiên, hoạt động thể chất: tập thể dục, thể thao, hướng dẫn các cháu các kỹ năng quản lý stress…
Tôi nghĩ nên cấm việc sử dụng TLĐT, vì rõ ràng nó sẽ đầu độc cả một thế hệ trẻ nếu như nó len lỏi vào trường học. Sử dụng TLĐT về lâu dài sẽ tác động, phá hủy não bộ cũng như các cơ quan khác trong cơ thể con người.