leftcenterrightdel
 Công ty CP Khai thác đá Thừa Thiên Huế đầu tư máy cắt đá để giải phóng sức lao động, tăng năng suất

Đầu tư giải phỏng sức lao động

Trong 5 năm, Công ty CP Khai thác đá Thừa Thiên Huế đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị. Mục đích không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường, mà còn giải phóng sức lao động. Ông Nguyễn Văn Tường Vy, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Khai thác đá Thừa Thiên Huế chia sẻ, trước đây, trong sản xuất đá, công nhân sử dụng máy mài tay. Muốn tạo được độ đen, bóng cho sản phẩm, công nhân phải dùng hết sức lực đẩy mạnh máy mài. Trong quá trình xẻ đá cũng vậy, công nhân dùng máy cầm tay tách từng khối đá, rất nặng nhọc và vất vả. Từ ngày công ty đầu tư máy cắt đá bằng dây kim cương, các công đoạn nặng nhọc trong sản xuất đá đều được vận hành bằng máy.

“Với loại máy này, không chỉ công nhân nhàn hơn mà còn hạn chế được tình trạng đá bị rạn nứt và đi theo kích cỡ không mong muốn, tăng năng suất hàng trăm lần. Ngay cả việc vận chuyển đá công ty cũng đầu tư máy cẩu để thay thể sức người”, ông Tường Vy cho hay.

Tại Xí nghiệp Khai thác đá xây dựng Ga Lôi, để giúp công nhân lao động tránh được công đoạn khó khăn và nguy hiểm là khoan đá, công ty đầu tư máy khoan đá tự hành. “Riêng công đoạn tra và nổ mìn, công ty thuê đội chuyên nghiệp của Bộ Quốc phòng nên đảm bảo được an toàn gần như tuyệt đối”, ông  Nguyễn Văn Tường Vy cho biết.

Từ khi đầu tư máy nghiền đá tự động, công nhân Công ty CP Đầu tư thương mại phát triển Trường Sơn có thể ngồi từ xa để điều khiển. Trên máy nghiền đá tự động này, còn có hệ thống nước tưới, giảm bụi phát sinh ra môi trường. “Với hệ thống máy này, chúng tôi hạn chế được tiếng ồn cũng như đỡ bụi trong khi sản xuất”, ông Võ Phước Hồng Sơn, công nhân trạm nghiền bày tỏ.

Ông Hồ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại phát triển Trường Sơn cho biết, ngoài máy nghiền đá tự động, công ty còn đầu tư giàn khoan, trạm nước rửa xe tự động, giúp công nhân lao động trực tiếp đỡ nặng nhọc cũng như bảo vệ môi trường. “Chúng tôi xem chi phí cho an toàn lao động là một khoản đầu tư cho sản xuất, mang lại lợi ích lâu dài. Để đầu tư hệ thống, thiết bị đảm bảo sức khỏe, an toàn tính mạng cho người lao động cần rất nhiều kinh phí, nhưng đây là khoản tiền không thể tiết kiệm đối với DN”, ông Hồ Anh Tuấn chia sẻ.

Trang bị kỹ năng

Theo thống kê, năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 vụ tai nạn lao động làm 7 người chết. Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng từ đầu năm đến nay, tai nạn lao động, sự cố cháy nổ vẫn còn xảy ra. Những mất mát về con người và thiệt hại vật chất do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là rất lớn, để lại những nỗi đau cho nhiều gia đình và gánh nặng đối với xã hội.

Đảm bảo an toàn cho người lao động cần được ưu tiên hàng đầu trong SXKD, trước hết là để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người lao động, sau là đảm bảo sự phát triển bền vững của DN.

Ông Nguyễn Văn Tương Vy cho biết, ngoài đầu tư công nghệ giúp người lao động tránh được các công đoạn sản xuất độc hại, nguy hiểm, công ty còn trang bị các bảo hộ từ nút tai, giày đế sắt, kính bảo hộ đến mũ, khẩu trang. Tuy nhiên, nhiều công nhân chưa ý thức được tầm quan trọng của dụng cụ bảo hộ nên còn chủ quan. Vì vậy, tập huấn trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức cho người lao động luôn được công đoàn công ty chú trọng. Hai năm một lần, công ty phối hợp với Trường cao đẳng Nghề tập huấn an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho toàn bộ cán bộ quản lý, người làm công việc nặng nhọc độc hại, đội ngũ làm công tác ATVSLĐ. Ngoài ra, thường xuyên phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội tổ chức các lớp truyền thông, giúp người lao động cách xử lý những tình huống cụ thể, để ứng dụng trong thực tế.

Nhiều DN đã chú trọng xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh viên, cử cán bộ có năng lực hiểu biết về nghiệp vụ, có trình độ đại học chuyên ngành kỹ thuật đảm nhiệm công tác này tại DN và thường xuyên bồi dưỡng kiến thức để nâng cao năng lực triển khai thực hiện.

Ông Trần Đình Hòa, đại diện Công ty TNHH MSV, Khu công nghiệp Phú Bài cho biết, mỗi đơn vị sản xuất của công ty đều có một an toàn vệ sinh viên, có trách nhiệm giám sát việc thực hiện ATLĐ của người lao động, từ việc sản xuất đến khám sức khỏe theo quy định. Tùy vào từng bộ phận lao động sản xuất mà công ty trang bị những thiết bị bảo hộ ATLĐ riêng. “Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo ATLĐ, nên nhiều năm nay công ty không xảy ra tai nạn lao động, sức khỏe công nhân, nhân viên được bảo đảm”, ông Trần Đình Hòa nói.

Theo ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, nếu DN làm ăn kinh doanh hiệu quả nhưng người lao động bị mất an toàn hoặc môi trường không đảm bảo thì DN cũng không thể duy trì sự bền vững. Vì thế, ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật Việt Nam, hiện nhiều DN còn có các quy định an toàn riêng theo chuẩn quốc tế.

Bài, ảnh: Hải Thuận