Xử lý hình ảnh để giới thiệu sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử |
Góp phần thực hiện thành công kế hoạch chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh (gọi chung là DN) về CĐS trong quá trình sản xuất, kinh doanh, quảng bá sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Xu thế hiện nay, CĐS là yêu cầu tất yếu để các DN nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh… theo hướng phát triển bền vững. Theo lãnh đạo Sở Công thương, nhằm góp phần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, hợp tác xã về tầm quan trọng cũng như lợi ích, sự cần thiết của CĐS mang lại, thời gian qua, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động phổ biến kiến thức về CĐS trong quá trình sản xuất, kinh doanh, quảng bá sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cho các DN trên địa bàn tỉnh.
Hỗ trợ trên đã góp phần tạo động lực để nhiều DN chuyển đổi sản xuất, kinh doanh theo hướng số hóa, qua đó, thích ứng với thực tế, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, gia tăng lợi nhuận cũng như cơ hội tiếp cận với khách hàng trong và ngoài nước.
Việc áp dụng CĐS trong xúc tiến thương mại trực tuyến đã giúp nhiều DN mở rộng thị trường, tăng doanh thu từ 20-100%. Đơn cử như Công ty TNHH MTV Tân Nguyên (sản phẩm hương sạch), Công ty TNHH Mộc Truly Hue's (sản phẩm quà tặng, ẩm thực), Công ty TNHH Maries (sản phẩm đệm bàng), Hộ kinh doanh Trà Đình Viên (sản phẩm từ gừng), HTX Nông nghiệp xanh NARASA (sản phẩm tinh chế từ đông trùng hạ thảo)...
Hiện nay, việc phổ biến kiến thức về hoạt động CĐS trong quá trình sản xuất, kinh doanh, quảng bá sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vẫn được Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại tiếp tục triển khai, qua đó giúp DN trên địa bàn tỉnh ngày càng hiểu rõ hơn về lợi ích khi áp dụng CĐS trong kinh doanh cũng như trong điều hành bộ máy hoạt động của DN.
Bà Nguyễn Thị Huệ - Giám đốc Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt chia sẻ, hiện chúng tôi đang thuê một đơn vị để thiết kế website, phát triển sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, như Tiki, Lazada, Shopee… Tuy đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng với hiệu quả có thể nhìn thấy từ các DN bạn, tôi tin điều này sẽ giúp công ty có nhiều hơn cơ hội tiếp cận với khách hàng trong, ngoài nước, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng lợi nhuận và phát triển bền vững.
Liên quan đến CĐS, qua tìm hiểu, để giới thiệu khoảng 5 sản phẩm trên 3 gian hàng thương mại điện tử, mỗi DN bỏ ra từ 7-12 triệu đồng/tháng cho một đơn vị chuyên nghiệp và đơn vị này sẽ lo liệu tất cả các khâu, như: hình ảnh, truyền thông, quảng cáo, chiến lược giá, chiến lược phát triển sản phẩm… Đây được xem là mức chi phí cần thiết và chấp nhận được với mỗi DN trong tiến trình áp dụng CĐS vào kinh doanh.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, không ít DN ở Huế chưa có thói quen trong việc dành 1 phần kinh phí để thực hiện, duy trì điều này. Trong khi đó, bán hàng trên sàn thương mại điện tử, quan trọng nhất là làm thế nào để khách hàng biết sàn có và muốn mua sản phẩm của mình. Và điều này thuộc vào giá cả, thương hiệu sản phẩm, mức độ uy tín của DN…
Do đó, để việc áp dụng CĐS trong kinh doanh, phát triển thật sự đem lại hiệu quả bền vững, DN nên có sự kết hợp nhịp nhàng giữa những hỗ trợ của các cấp, các ngành với việc bắt kịp xu thế và nội lực của chính bản thân DN.