Sáng nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường xem mấy giờ để đi làm, thấy nó “ngủ” quên từ bao giờ. Kiểu này là hết nguồn rồi. Trưa đi làm về, tranh thủ tạt vào quầy tạp hóa mua liếp pin về thay. Nhà có đồng hồ thành quen, để nó cứ trơ trơ không chạy thấy khó chịu thế nào.

Thay xong, mấy viên pin cũ cho vào bao buộc lại và mang bỏ vào thùng rác. Dù rất áy náy bởi biết pin là nguồn gây ô nhiễm nguy hại, nhưng cũng chẳng biết làm cách nào khác. Vứt lung tung hay chôn xuống đất thì cũng vậy, ô nhiễm như nhau, nên thà cho ra thùng rác, công ty môi trường người ta sẽ cho về bãi chôn lấp chung, ô nhiễm tập trung luôn một chỗ. Còn như về đến nơi tập kết, người ta có sự phân loại, xử lý thì quá tốt.

leftcenterrightdel
 Pin dùng xong nếu không được thu gom, xử lý đúng cách sẽ rất nguy hại cho môi trường

Đó là chuyện cách đây chưa xa, bây giờ thì đã thấy có những điểm đặt từng cụm 3 thùng rác 3 màu trắng, cam, xám để thu gom, lưu chứa rác sinh hoạt đã phân loại. Trong đó, thùng màu trắng: chứa rác tái chế; màu cam: chứa rác nguy hại gia đình; màu xám: chứa thủy tinh các loại. Dù mới đặt chưa lâu và hơi xa nhà, nhưng như vậy là đã quá tốt. Chỉ không biết là động tác này có được duy trì lâu dài hay không, hay lại đi vào vết xe đổ của thùng rác màu cam với màu xanh được triển khai trước đây, cũng để phân loại rác nhưng rồi không có kết quả. Hy vọng là sẽ không lặp lại, và cũng hy vọng là những điểm thu gom, lưu chứa rác sinh hoạt đã phân loại sẽ được nhân lên nhiều hơn, rộng rãi hơn để vừa phục vụ nhu cầu vừa tăng ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng.

Đang “mơ mộng” thì bỗng nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi bài viết nói về sáng kiến “Ngôi nhà của pin” của hội phụ nữ TP. Hà Nội. “Ngôi nhà của pin” là những hộp cát tông hay hộp, chai nhựa… được đặt ở một vị trí cố định, rộng khắp trong các khu dân cư. Qua vận động và thông báo rộng rãi, bây giờ đã thành nếp, bất kỳ ai, bất kỳ gia đình nào có pin hỏng, pin đã dùng hết đều tự giác mang đến bỏ vào “Ngôi nhà của pin” vốn được đặt rất gần nhà và rất tiện lợi. Hàng tuần, các tổ phụ nữ cho người gom lại, chuyển lên chi hội, các chi hội chuyển lên hội thành phố, từ đó, tất cả số pin gom được trong tuần sẽ được chuyển đến Nhà máy pin Văn Điển để xử lý. Một sáng kiến nhẹ nhàng và ít tốn kém, nhưng nghe thật thú vị và ý nghĩa: Tổ chức hội có phong trào, xã hội dĩ nhiên là rất hoan nghênh, và môi trường thì giảm được một nguồn gây ô nhiễm độc hại. Chưa kể, nguồn pin cũ được thu gom còn có thể sẽ giúp cho nhà máy có nguồn nguyên liệu để tái chế…

“Ngôi nhà của pin” theo suy nghĩ của chúng tôi không chỉ cần thiết và có ý nghĩa đối với riêng Hà Nội mà cần thiết và có ý nghĩa với mọi địa phương, mọi vùng miền trong cả nước. Huế đang hướng đến xây dựng đô thị xanh, sạch, sáng, vậy thì có đoàn thể nào xung phong học tập và đưa “Ngôi nhà của pin” về với thành phố quê hương mình? Bây giờ sẽ thuận tiện hơn rất nhiều là hàng tuần chỉ cần mang đến chỗ “thùng rác 3 màu” (điểm lưu chứa rác sinh hoạt đã phân loại) là xong. Việc làm này sẽ hạn chế được tình trạng nhiều người do lười vì chỗ đặt các thùng lưu chứa rác phân loại xa, không thuận tiện nên sẵn sàng vứt bỏ lung tung, vào thùng rác hoặc ném ra môi trường bởi suy nghĩ viên pin bé tí, có sao đâu mà (!)

leftcenterrightdel
Điểm lưu chứa rác sinh hoạt đã phân loại vừa được đặt ở ngã tư Chế Lan Viên-Đào Tấn 

Ngoài “Ngôi nhà của pin”, có lẽ một ngôi nhà khác cũng rất nên được xây dựng và tỏa lan, đó là “Ngôi nhà của chai lọ, thủy tinh vỡ”. Nhà nào, cơ quan đơn vị nào mà không một/hoặc một vài lần có ly tách, chai lọ, gương kính bị rơi vỡ. Giải quyết các mảnh vỡ này như thế nào là cả vấn đề khi mà việc phân loại rác tại nguồn chưa thành nếp và chưa có đủ điều kiện “cơ sở hạ tầng” để thực hiện? Vậy nên lâu nay mảnh thủy tinh, mảnh chai lọ vỡ đều được ném bừa vào thùng rác. Ai có tâm chút thì gói ghém các mảnh vỡ thật kỹ, thật cẩn thận để tránh gây thương tích cho các anh, các chị công nhân và những người nhặt rác. Tuy nhiên, việc này cũng không mấy ý nghĩa bởi nhiều người nhặt rác khi thấy những cái gói được gói kỹ như vậy thường tò mò mở xem, sau đó thì chẳng hơi sức đâu mà gói lại, thường là vứt thả vương vãi trong thùng/đống rác. Rất nguy hiểm! Bởi vậy, “Ngôi nhà của chai lọ, thủy tinh vỡ” nếu được tổ chức đoàn thể nào nhiệt tâm phát động thì sẽ rất hữu ích và chắc chắn được cộng đồng hoan nghênh, tán thưởng. Đầu ra cho những ngôi nhà mảnh vỡ thủy tinh bây giờ cũng đơn giản hơn bằng cách cuối tuần tập trung về chỗ “thùng rác 3 màu”. Chỉ lo một điều, không như pin, số mảnh vỡ chai lọ, thủy tinh thường là khá lớn, trong lúc thùng chứa thủy tinh ở điểm lưu chứa lại hơi nhỏ. Đó cũng là điều rất nên tính tới, tránh thùng rác bị “bội thực”, mảnh vỡ thủy tinh tràn ra, vươn vãi lung tung thì cũng thật nguy hại.

Huy Khánh