Hướng dẫn tỉ mỉ cho chiến sĩ mới trong khi thực hiện huấn luyện |
Tại Tiểu đoàn Huấn luyện Cơ động, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, mới hơn 7 giờ sáng, nhưng nắng đã bao phủ thao trường. Lúc đó, 100 CSM đã thực hiện huấn luyện kỹ thuật chiến đấu bộ binh được tầm nửa giờ đồng hồ. Những hàng ngang, hàng dọc chiến sĩ được gióng thẳng tắp. Các động tác kỹ thuật lê thấp, lê cao, đi khom, chạy khom, ôm bộc phá, đặt bộc phá, ôm súng lăn, quỳ bắn, đứng bắn…, lặp lại nhiều lần răm rắp, theo tiếng hô.
Các tiểu đội trưởng, trung đội trưởng tỉ mỉ sửa lỗi sai của từng CSM. “Nhiều đồng chí thực hiện động tác đi khom, chạy khom chưa đúng. Khi cơ động, không được đi thẳng, đưa cả người về phía trước, mà phải đẩy vai về phía trước, hơi nghiêng người, thu hẹp tiết diện con người mình lại; đi bằng cạnh bàn chân, tránh tạo ra tiếng động lớn, để hạn chế tỷ lệ trúng đạn của địch…” - chăm chú lắng nghe Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1 phân tích, đồng thời những CSM tập luyện lại từng động tác, cho đến lúc chính xác.
Sách, báo là niềm vui của chiến sĩ mới |
Nắng mỗi lúc một gay gắt. Mồ hôi túa ra ướt đẫm mặt, đẫm lưng áo quân phục. Sau tiếng hô được nghỉ giải lao, CSM ùa vào bóng râm dưới những tán lá. Nơi đó, có cây đàn ghi ta, sách báo và những bịch nước ướp đá mát rượi. Có mặt trên thao trường, Thiếu tá Lê Anh Tuấn, Chính trị viên Tiểu đoàn và Trung úy Tráng Seo Anh, Chính trị viên Đại đội huấn luyện, hỏi han tình hình sức khỏe, nói những lời khích lệ. CSM ngồi quây quần cạnh nhau, tiếng cười giòn theo từng câu chuyện dí dỏm ghi dấu ấn mỗi ngày rèn luyện, huấn luyện, khiến bao vất vả dường tan biến.
“Đêm qua, tiểu đội 6 chúng tôi báo động chiến đấu lúc 22 giờ. Đang ngủ say sưa, nghe tiếng còi báo động, cả tiểu đội, ai nấy vùng dậy lao ra. Quá trình hành quân còn thực hiện lăn, lê, bò toài. Đường nhiều sỏi nên tay còn vết xước…” - một CSM vén tay áo “khoe” với bạn “dấu vết” cuộc báo động hành quân “chưa ráo mồ hôi”, nay vẫn đủ sức “chiến đấu” trên thao trường.
CSM Phạm Văn Thuận cũng “góp” thành tích của tiểu đội mình khi hào hứng kể, đã mấy lần thực hiện báo động hành quân. Trên lưng mỗi người là ba lô tư trang nặng 30kg, CSM gióng hàng, giữ im lặng, khẩn trương theo sát đồng đội, cứ theo mệnh lệnh mà đi. Hành quân 5 - 6km trong đêm, mệt rã người, nhưng vui và tự hào vì đã thực hiện tốt nhiệm vụ của một người lính. “Sau này, nếu được thực hiện nhiệm vụ tại các đồn biên phòng tuyến núi, chúng tôi tự tin cùng các anh, các chú băng rừng, vượt suối, thực hiện tuần tra đường biên, cột mốc” - Thuận nở nụ cười.
Tô lại bức tường tinh tươm cho ngôi nhà |
Đại úy Nguyễn Văn Cường, Đại đội trưởng Đại đội huấn luyện nói rằng, ban ngày huấn luyện trên thao trường đã rất mệt, chiều đến các CSM tham gia tăng gia, sản xuất, chăm sóc vườn mai, vào rừng lấy củi, xây dựng những công trình trong đơn vị…, đêm lại còn đi gác. Để thực hiện tốt tất cả những điều đó, CSM phải đảm bảo về thể lực, giữ vững ý chí.
“Ngoài nỗ lực rèn luyện của bản thân từng CSM (qua các bài rèn luyện thể lực), sự kèm cặp, quan tâm, yêu thương, động viên của chỉ huy các cấp và đặc biệt là tình cảm gắn bó, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các CSM đã tạo nên sức mạnh, để CSM khắc phục được điểm yếu, phát huy điểm mạnh, thực hiện tốt rèn luyện, huấn luyện. Điển hình là CSM Trần Lê Minh Việt, sức khỏe không được bằng đồng đội; lúc mới ra thao trường bỡ ngỡ, thường sai lỗi đường ngắm cơ bản, cầm súng bị lệch… Nhưng được kèm cặp từng li từng tí; bản thân nỗ lực rất nhiều, Việt đã đạt loại giỏi trong phần thi bắn bia số 4 (đạn thật). Rất nhiều CSM đã nỗ lực, đạt kết quả vượt trội; thực sự trưởng thành” - Thiếu tá Nguyễn Tuấn Tài, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Huấn luyện cơ động chia sẻ.
Vững vàng trên những nẻo đường
Sau lễ ra quân Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè do Ban Thường vụ Huyện đoàn Phú Lộc phối hợp Đoàn Thanh niên BĐBP tỉnh và một số đơn vị khác tổ chức; trong cái nắng như đổ lửa, những bước chân của các CSM in dấu trên các tuyến đường xã Lộc Bình. CSM cùng chụm đầu lắp ráp thiết bị điện chiếu sáng; cùng dựng dãy cột điện để thắp lên “Ánh sáng nông thôn mới”; cùng dựng đường cờ Tổ quốc, dọc theo tuyến đường kiểu mẫu tại thôn Hòa An; cùng lợp lại mái, sơn lại nhà cho hộ nghèo và sửa chữa Nhà văn hóa xã Lộc Bình. Tôi “gặp lại” những giọt mồ hôi đã từng “ướt” thao trường, nay lại ướt đẫm bộ quân phục khi CSM đứng trụ trên mái nhà, chuyền những tấm tồn, lợp mái; gánh vác sức nặng của cây cột điện trên vai. Nhưng nụ cười vẫn rạng rỡ!
Những nụ cười khiến cái nắng gay gắt dịu lại. CSM Nguyễn Văn Tâm xúc động nhớ lại, cơn lốc xoáy năm ngoái đã tốc mái hàng chục ngôi nhà thôn Khánh Mỹ, xã Vinh Xuân (Phú Vang), quê hương mình. BĐBP cùng các lực lượng đã chung tay giúp người dân Khánh Mỹ lợp lại mái, sửa chữa nhà, khắc phục hậu quả sớm nhất, để người dân ổn định cuộc sống (trong đó có gia đình Tâm). Vậy nên bây giờ, với trách nhiệm của người lính biên phòng, Tâm dốc hết tâm huyết, cùng đồng đội đóng góp sức trẻ giúp người dân, cộng đồng.
Sau một ngày miệt mài của 100 CSM biên phòng và đoàn viên, thanh niên các lực lượng, “gương mặt” Lộc Bình đẹp tươi hơn bởi những tuyến đường sạch sẽ, nhà văn hóa xã “thay áo” tinh tươm. Đặc biệt, đường cờ Tổ quốc tung bay, là niềm tự hào thiêng liêng, như lời nguyện thề mà tuổi trẻ Thừa Thiên Huế nói chung, tuổi trẻ BĐBP tỉnh, sẽ tiếp tục xung kích trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, nhất là tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Bước chân của tuổi trẻ BĐBP tỉnh, trong đó CSM đang huấn luyện tại Tiểu đoàn Huấn luyện Cơ động, là lực lượng nòng cốt, đã in dấu trên tuyến biên giới đất liền và khu vực biển, trong những cuộc hành quân lên A Lưới, tham gia chương trình “Tháng Thanh niên - Tháng Ba biên giới”, hay về Phú Vang tham gia trồng rừng phòng hộ trên bãi biển Vinh Thanh…
Cùng dọc theo các cuộc hành quân ấy, tôi thấm thía tình đoàn kết, tình đồng đội đong đầy của người chiến sĩ. Có CSM lóng ngóng trước một cây dương “nhỏ bé”, đã được đồng đội cầm tay hướng dẫn cách trồng sao cho đúng, để cây có thể sống, vươn lên. CSM Phạm Anh Kiệt từng bày tỏ: “Khi mới chân ướt chân ráo bước vào cuộc đời quân ngũ, tôi cũng đã từng trồng ngược ngọn khoai lang xuống đất. Các bạn con nhà nông đã nhẫn nại, tận tình chỉ vẽ, để bây giờ tôi có thể thành thục trồng và chăm bón rất nhiều loại rau, loại cây. Được cùng tham gia trồng rừng dương phòng hộ, đối với chúng tôi là điều ý nghĩa vô cùng”. Hôm ấy, gió rét hơn trong làn mưa lất phất, nhưng lưng áo quân phục BĐBP vẫn ướt mồ hôi, bởi những miệt mài công sức, để 10 nghìn cây dương được trồng thật hiệu quả.
Đại tá Đặng Ngọc Hiệu, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh đã bày tỏ niềm tự hào trước đóng góp của những CSM. Rừng dương phòng hộ rồi sẽ vươn lên đầy sức sống xanh tươi, sẽ là “thành lũy” góp phần quan trọng trong công cuộc phòng, chống nạn xâm thực, sạt lở trước thiên tai, sóng gió. Những con đường “Ánh sáng nông thôn mới” rồi sẽ được nhân lên nhiều hơn. Những CSM bộ đội biên phòng, qua tôi luyện, trưởng thành, sẽ tiếp tục nối tiếp bước chân thế hệ cha anh, giúp người dân khu vực biên giới phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế; “chân cứng đá mềm” trên những nẻo đường tuần tra, góp phần phần bảo vệ vững chắc bình yên biên cương, biển đảo.