leftcenterrightdel
Tư vấn cho bệnh nhi chăm sóc mắt sau phẫu thuật 

Chờ bác sĩ gọi vào phòng phẫu thuật, chị Phạm Thị Mỹ Hạnh khá hồi hộp. Chị Hạnh là công nhân may ở Quảng Ngãi. Con trai chị bị sụp mí bẩm sinh. “Mỗi khi ra ngoài nắng, cháu nhìn rất khó khăn, riết chặp thành tật nghẹo đầu và cứ gằm mặt xuống. Cháu bảo đến trường các bạn hay chọc con. Con buồn lắm”, chị kể. Nhìn con khép mình trước đám đông, bản thân người làm mẹ như chị thấy xót xa trong lòng. Bé từng được đưa vào TP. Hồ Chí Minh điều trị, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, nay gia đình mới thu xếp ra Huế phẫu thuật cho cháu theo dự án. Nhìn con trai đang lo sợ, nép mình vào mẹ, chị Hạnh động viên con: “Chịu khó con nhé! Mai này mắt con sẽ đẹp lên thôi!”.

Khép lại 4 ngày mong đợi, hồi hộp, hôm nay, cha con anh Nguyễn Văn Minh ở Đắk Lắk được cô điều dưỡng hướng dẫn chăm sóc mắt và làm thủ tục xuất viện. Gia đình làm thuê, làm mướn cuộc sống bấp bênh, con gái đầu của anh là cháu Nguyễn Thị Ngọc Diệp bị lác nặng. Do cháu thị lực hạn chế nên ở trường cô giáo phải bố trí ngồi gần khu vực bảng. Trong sinh hoạt và vui chơi với bạn bè, cháu cũng rất tự ti.

Anh Minh cho hay: “Biết dự án qua một người chị gái, họ hàng góp tiền hỗ trợ để hai cha con ra Huế mổ mắt. Vừa tháo băng xong tui gọi liền điện thoại về. Mọi người đều vui mừng khi thấy Ngọc Diệp điều trị thành công. Ai cũng đùa từ nay bé có thể đi thi hoa hậu được rồi! Cha con tui rất biết ơn dự án và các mạnh thường quân đã hỗ trợ chi phí điều trị, ăn ở, đi lại”.

Tại phòng khám của Trung tâm Nhãn nhi, Bệnh viện Mắt Huế, hầu như ngày nào cũng có bệnh nhi trong cả nước tìm đến theo hướng dẫn của dự án. Có những người bà, người cha, người chị kiên nhẫn chờ đợi bên ngoài và hồi hộp khi được thông báo tiếp nhận điều trị. Họ đến từ các tỉnh, thành trong cả nước, mỗi người một hoàn cảnh riêng và ước vọng đôi mắt con cháu mình được lấy lại thị lực, hòa nhập sinh hoạt như bao đứa trẻ khác.

Theo các chuyên gia, bệnh dẫn đến nhược thị, mù lòa phổ biến ở trẻ em là lác mắt và sụp mi. Với sự phát triển khoa học kỹ thuật trong ngành nhãn khoa, trẻ cần được phát hiện và điều trị trước 10 tuổi thay vì chờ đến 18 tuổi như trước đây. Nếu để quá muộn mới can thiệp thì chỉ giải quyết được vấn đề thẩm mỹ, không thể cứu vãn nhược thị và mù hẳn. Trẻ em vùng nông thôn, xa xôi hẻo lánh không thể tiếp cận được với các dịch vụ mắt để phát hiện, điều trị kịp thời. Hiện bảo hiểm y tế không thanh toán điều trị lác và sụp mí cho trẻ khiến các cháu thiệt thòi, bởi đây là bệnh mắt cần phát hiện, điều trị, phẫu thuật kịp thời.

Theo Thầy thuốc ưu tú, BSCKII. Phạm Minh Trường, Giám đốc Bệnh viện Mắt Huế, trẻ bị lác, lé, sụp mi… còn ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý cả quãng đời còn lại sau này chứ không hẳn mất thị lực, học tập… Tại Việt Nam, hơn 6.100 trẻ em bị lác/lé được phát hiện, gần 1.700 trẻ bị sụp mi được phát hiện mới hàng năm cần điều trị để bảo toàn thị lực.

Giữa tháng 5/2023, Tổ chức Phòng chống mù lòa APBA đã hỗ trợ 20.000 USD cho Dự án “Trao ánh sáng - Tặng nụ cười”. Dự kiến, hơn 200 trường hợp bị các bệnh lý về mắt trên toàn quốc được điều trị. Ngoài miễn phí toàn bộ chi phí phẫu thuật, bệnh nhân còn được hỗ trợ chi phí đi lại, sinh hoạt trong suốt quá trình điều trị tại Bệnh viện Mắt Huế. Hiện, đã có 40 bệnh nhi đầu tiên hưởng lợi từ dự án.

BSCKII. Dương Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Huế cho rằng, đây là một dự án ý nghĩa, góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho trẻ em vì tương lai các em còn dài. Phục hồi ánh sáng tự nhiên cho đôi mắt sẽ giúp trẻ hòa nhập cộng đồng. Hoạt động này còn mang ý nghĩa nhân văn lớn lao.

PGS.TS.BS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế đánh giá cao hiệu quả từ Dự án vì cộng đồng Bệnh viện Mắt Huế mang lại cho người dân và đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống mù lòa. Giám đốc Sở Y tế vui mừng trước sự đồng hành trong hơn một thập kỷ qua của Tổ chức Phòng chống mù lòa APBA dành cho Bệnh viện Mắt Huế thông qua nhiều dự án viện trợ từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực… Đây là cột mốc hợp tác đem lại cơ hội để bệnh nhi được hưởng các dịch vụ chăm sóc mắt tốt nhất trong tương lai.

GS.BS Hattori Tadashi - Giám đốc điều hành Tổ chức Phòng chống mù lòa Châu Á - APBA chia sẻ: “Tôi rất hạnh phúc khi nhìn những em nhỏ điều trị thành công, sống một cuộc sống khỏe mạnh. Bản thân tôi sẽ nỗ lực hơn nữa trong kết nối, tìm các nguồn tài trợ để có thể giúp đỡ trẻ em khó khăn bị bệnh về mắt ở Việt Nam”.

Bài, ảnh: PHÚ GIANG