Nhu cầu đầu tư cho công tác trùng tu, bảo tồn di sản rất lớn |
Huy động nguồn lực
Nhân sự kiện 30 năm Quần thể di tích cố đô Huế, 20 năm Nhã nhạc được UNESCO vinh danh là di sản thế giới, UBND tỉnh đã ra mắt Quỹ Bảo tồn di sản Huế. Quỹ được thành lập ngày 20/10/2022 theo Nghị định số 84/2022/NĐ-CP của Chính phủ về việc thành lập và quy chế hoạt động của Quỹ Bảo tồn di sản Huế.
Nghị định nêu rõ, Quỹ Bảo tồn di sản Huế là quỹ quốc gia do Chính phủ thành lập và giao cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý, nhằm huy động nguồn lực để đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách Nhà nước bố trí kinh phí hoặc bố trí kinh phí chưa đủ.
Quỹ huy động nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (không bao gồm ngân sách của tỉnh Thừa Thiên Huế); nguồn đóng góp, viện trợ và tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, bao gồm tự nguyện hoặc tài trợ có mục đích...
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, hiện nay, nhu cầu đầu tư cho công tác trùng tu, bảo tồn di sản rất lớn. Với Quần thể di tích cố đô Huế, trong giai đoạn 1996 - 2020, tổng nguồn vốn đầu tư bảo tồn, tu bổ di tích khoảng 1.900 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021 - 2025, nguồn vốn đầu tư theo kế hoạch cũng chỉ khoảng 1.000 tỷ đồng cho 5 năm.
Mặc dù Trung ương và địa phương rất quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trùng tu di sản. Nguồn lực đầu tư cho công tác này vẫn hạn chế, hiện tại mới chỉ đáp ứng một phần. Đó là chưa kể hệ thống di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia do Sở Văn hóa và Thể thao quản lý đang rất cần nguồn lực cho công tác tu bổ, trùng tu. Việc thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế bổ sung nguồn lực phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Trong dịp ra mắt, Quỹ Bảo tồn di sản Huế đã tiếp nhận sự hỗ trợ, đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân với trên 7,6 tỷ đồng; trong đó, Công ty TNHH Sản xuất xây dựng giao thông Tài Lộc đóng góp trên 6,8 tỷ đồng.
Đúng mục đích và linh hoạt
Quần thể di tích cố đô Huế không phải là di sản của riêng Thừa Thiên Huế mà là di sản của cả dân tộc. Trước đây, nhiều địa phương khi đến Huế tham quan, chứng kiến cảnh di tích xuống cấp cũng mong muốn được đóng góp vào công cuộc bảo tồn di sản của quốc gia. Tuy nhiên, Luật Ngân sách không cho phép dùng ngân sách của địa phương này hỗ trợ cho địa phương khác. Việc thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế khai mở cho vấn đề này. Quỹ được tiếp nhận nguồn ngân sách Nhà nước của các tỉnh, thành phố hỗ trợ, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác.
Du khách tham quan Đại Nội Huế |
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Quỹ Bảo tồn di sản Huế là cơ chế mới, đặc thù sẽ tạo ra nguồn lực mới trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Trước đây, khi có tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho công tác trùng tu, phải xây dựng đề án, dự án riêng, tạo ra cơ chế phối hợp mới triển khai được. Bây giờ, các địa phương, tổ chức, cá nhân muốn hỗ trợ có thể chuyển vào quỹ bảo tồn này. Như vậy, những nguồn lực trước đây không thể nhận thì bây giờ nhận được, huy động được những nguồn lực trước đây khó hoặc không thể.
Ông Hải cũng cho rằng, Quỹ Bảo tồn di sản Huế cần hoạt động đúng theo tinh thần bảo tồn di sản, không chỉ phục vụ cho mục tiêu trùng tu di tích và nếu trùng tu di tích cũng không chỉ dành cho Quần thể di tích cố đô Huế mà phải nhìn một cách tổng quát, đáp ứng đa dạng cho mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị di sản. Bất cứ di sản nào có giá trị của Thừa Thiên Huế, các công trình di tích phù hợp, thậm chí mua một cuốn sách, bức tranh có giá trị… có thể điều phối nguồn lực từ quỹ này. Ngoài tiêu chí đúng mục tiêu, mục đích, cơ chế hoạt động của quỹ cần thông thoáng, linh hoạt. Như vậy, địa phương sẽ chủ động hơn trong việc trùng tu, bảo tồn di sản, đặc biệt là xử lý được các tình huống khẩn cấp đối với các công trình di tích đang nguy cấp hoặc đấu giá cổ vật.
Ông Hoàng Việt Trung cho hay, hy vọng trong tương lai, nguồn lực từ Quỹ Bảo tồn di sản Huế đóng góp một phần để trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế. Không chỉ là đầu tư cho những công trình lớn mà kể cả những phạm trù về văn hóa chung của Huế, như những di tích lịch sử do Sở Văn hóa và Thể thao quản lý hiện đang gặp khó khăn trong công tác trùng tu do ngân sách hạn chế và cả cổ vật, tư liệu cổ, sắc phong…
Để Quỹ Bảo tồn di sản Huế vận hành hiệu quả, trước hết, phải huy động được sự đóng góp của các địa phương, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Quỹ sẽ xây dựng trang web để kêu gọi sự đóng góp chung của toàn xã hội. Việc sử dụng nguồn quỹ cũng phải đúng mục tiêu, mục đích, tuân thủ các quy định, quy trình với sự tham gia của hội đồng quản lý quỹ gồm lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan.
Một số ý kiến cho rằng, cơ chế hoạt động của Quỹ Bảo tồn di sản Huế cần có hội đồng điều phối, tuyệt đối tránh đặc quyền, đặc lợi hoặc lợi ích nhóm. Đồng thời, có cơ chế vinh danh các tổ chức, cá nhân đóng góp cho quỹ.
Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế