leftcenterrightdel
Phát triển diện tích chuối già lùn tại xã Quảng Nhâm (A Lưới) 

Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện A Lưới, hiện trên địa bàn huyện có khoảng hơn 400ha chuối, trong đó diện tích chuối già lùn chiếm 120ha, được trồng tập trung tại các xã Hồng Bắc, Quảng Nhâm, Hồng Vân... và đang tiếp tục nhân rộng mô hình ở một số địa phương khác. Với năng suất chuối già lùn đạt khoảng 280 tạ/ha, cho thu nhập bình quân trên dưới 100 triệu/ha, đã mang lại thu nhập khá lớn cho nông dân. Trong đó, các trang trại, gia trại nuôi lợn hữu cơ kết hợp trồng chuối già lùn theo xu hướng tuần hoàn trong nông nghiệp đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững.

Anh Nguyễn Hải Teo (thôn Pi Ây 2, xã Quảng Nhâm) cho biết, sau nhiều năm loay hoay với các mô hình trồng, trọt chăn nuôi thất bại, anh được địa phương tạo điều kiện vay vốn để phát triển mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ kết hợp trồng chuối già lùn. Nhờ nắm bắt được thị trường có nhu cầu lớn tiêu thụ chuối già lùn, với điều kiện kiện thổ nhưỡng phù hợp, gia đình anh đã phát triển trên 300 gốc chuối kết hợp nuôi lợn theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học và nuôi bò sinh sản. Vượt khó những ngày mới bắt tay xây dựng, đến nay gia trại của anh đã cho thu nhập ổn định từ 150 triệu đến 200 triệu đồng/năm.

“Chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học, kinh tế tuần hoàn thì phế phẩm của cái này sẽ phục vụ cho cái kia. Ngoài trồng trọt, thì hiện nay phân hữu cơ từ quá trình chăn nuôi cũng trở lại phục vụ cho cây trồng và có thể ủ bán ra ngoài kiếm thêm thu nhập. Sắp đến, khi tích lũy được nguồn vốn, gia đình sẽ đầu tư xây dựng thêm hệ thống chuồng trại để tăng số lượng lợn, không những đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân mà còn cung cấp cho một số cơ sở giết mổ trên địa bàn”, anh Nguyễn Hải Teo cho biết thêm.

Ông Hồ Trọng Chăn, Chủ tịch UBND xã Quảng Nhâm thông tin, thời gian qua, nhờ hợp tác với các doanh nghiệp và hỗ trợ chính sách từ địa phương mà mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ kết hợp trồng chuối già lùn đã trở thành một trong những mô hình chủ lực của xã. Nhờ thay đổi tư duy trong việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng của người nông dân đã mang lại hiệu quả kinh tế cao trong hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Hiện nay, UBND huyện đang tiếp tục liên kết với các đơn vị phát triển chăn nuôi lợn hữu cơ, an toàn sinh học nhằm tạo chuỗi liên kết cho sản phẩm, đảm bảo đầu ra, tạo công ăn việc làm có thu nhập ổn định cho người dân.

Hội nghị lần thứ 6, Huyện ủy A Lưới (khóa XII) ngày 8/10/2021 đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU, về cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện A Lưới, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Qua 2 năm triển khai nghị quyết đã tạo được chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

A Lưới đã phát triển được vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực; phát triển nông nghiệp hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP. Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, tạo bước đột phá cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản phẩm nông nghiệp góp phần giảm nghèo bền vững.

Ông Văn Lập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới đánh giá, đặt mục tiêu xây dựng ngành nông nghiệp thành ngành kinh tế mũi nhọn, A Lưới đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu từng vùng, miền và phát triển các nhóm cây trồng chủ lực.

Trong chăn nuôi, ưu tiên phát triển đàn vật nuôi chủ lực như bò, dê phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ sản xuất của bà con. Xây dựng mô hình, hướng dẫn cho người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, cải tiến và ứng dụng một số phương pháp phù hợp với điều kiện, tập quán chăn nuôi của người dân địa phương nhằm sản xuất ra những sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm.

Thời gian đến, UBND huyện A Lưới tiếp tục huy động, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện A Lưới giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Tập trung hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các HTX hiện có để làm đầu mối thu gom, tiêu thụ nông sản cho người nông dân. Hướng dẫn các HTX nông nghiệp trên địa bàn tổ chức sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

Huyện cũng có chính sách phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Xây dựng và hoàn thiện các quy trình sản xuất bền vững, quản lý chất lượng sản phẩm bằng tem truy xuất nguồn gốc. Xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp của A Lưới đã đạt được những kết quả quan trọng. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng. Tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 553,4 tỷ đồng, trong đó trồng trọt đạt 228 tỷ đồng, chiếm 41,2%; chăn nuôi đạt 180 tỷ đồng, chiếm 32,6%; lâm nghiệp đạt 110,5 tỷ đồng, chiếm 20%; thủy sản đạt 34,4 tỷ đồng, chiếm 6,2%.

 

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN