Hướng dẫn học sinh rửa tay đúng cách để phòng bệnh tay chân miệng. Ảnh: CDC |
Theo BS Lê Văn Sanh, Trưởng khoa Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm - Ký sinh trùng - Côn trùng CDC tỉnh, hiện chưa phát hiện virus Enterovirus (EV71) gây bệnh nặng trên địa bàn. Ngành chức năng vẫn tiếp tục giám sát, theo dõi bệnh TCM khi dịch bệnh này đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.
UBND tỉnh vừa ra công văn yêu cầu chủ động phòng, chống dịch bệnh TCM, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài. Tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe; thực hiện “ăn sạch, uống sạch, ở sạch”; tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng và nước sạch... Chuẩn bị đầy đủ kinh phí, thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và đáp ứng các tình huống dịch bệnh.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 12.600 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 3 ca tử vong.
Bệnh tay chân miệng do vi rút thuộc nhóm enteroviruses gây nên, bao gồm vi rút Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71). Biểu hiện đặc trưng của bệnh là sốt, ban dưới dạng các vết loét ở niêm mạc miệng và các nốt phỏng nước trên nền ban đỏ ở lòng bàn tay, bàn chân, vùng mông. Mặc dù biến chứng hiếm gặp, song bệnh TCM do Enterovirus 71 (EV71) có thể gây biến chứng nghiêm trọng, gây viêm màng não, viêm não thậm chí tử vong ở trẻ.
Hiện, chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh TCM.
Bộ Y tế đã giao nhiệm vụ cho các bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Trung ương Huế rà soát điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc… tiếp nhận các ca bệnh nặng. Đồng thời lập 7 đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại 14 tỉnh, thành trọng điểm.