leftcenterrightdel
Thành quả của một chuyến biển 

Tại Thừa Thiên Huế tính đến cuối tháng 6, cơ quan chức năng và ngư dân chưa triển khai thiết bị điện tử tự động ghi nhật ký đánh bắt trên biển. Ngư dân Trần Văn Chiến ở xã Phú Thuận (Phú Vang) thông tin, lâu nay ngư dân vẫn ghi chép các hoạt động đánh bắt hải sản vào sổ giấy theo phương thức truyền thống. Đây là hạn chế trong quản lý, chống khai thác IUU, ngư dân có thể không ghi chép, hoặc ghi chép không đầy đủ, thiếu trung thực trong quá trình đánh bắt, ngư trường, sản lượng...

Tuy nhiên theo ông Chiến, phần lớn ngư dân trên địa bàn tỉnh đều chấp hành khá tốt hoạt động đánh bắt xa bờ theo quy định của cơ quan chức năng. Ghi chép nhật ký đánh bắt hải sản trên giấy tuy bất tiện, thủ công nhưng nhiều ngư dân chấp hành, ghi chép khá đầy đủ. Thực tế, qua kiểm tra, đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phần lớn các tàu cá đánh bắt xa bờ, hoạt động trên biển đều chấp hành tốt chủ trương, chính sách, quy định ghi chép nhật ký khai thác đúng ngư trường, đúng nghề, ghi chép sản lượng và khai báo trung thực với cơ quan chức năng ngay sau khi cập bờ.

Mặc dù chưa triển khai ghi chép nhật ký điện tử nhưng lâu nay, cơ quan chức năng có thể giám sát quá trình hoạt động trên biển của các đội tàu cá trên địa bàn tỉnh bằng thiết bị giám sát hành trình (VMS). Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 417 tàu cá lắp thiết bị VMS. Thông qua thiết bị VMS, đến nay chưa phát hiện có tàu cá mất kết nối dữ liệu VMS quá 10 ngày cần phải xem xét, xử lý vi phạm. Các tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh chưa vi phạm đánh bắt hải sản trái phép, đặc biệt là không vi phạm đánh bắt ở vùng biển nước ngoài.

Qua giám sát bằng thiết bị VMS cho thấy, ngư trường khai thác hải sản của ngư dân Thừa Thiên Huế hoạt động chủ yếu từ vĩ tuyến 140 Bắc lên đến vịnh Bắc bộ và ranh giới ngoài của vùng biển Việt Nam. Hiện nay, trên hệ thống dữ liệu tàu cá quốc gia (VNFISHBASE), có 613 chiếc tàu cá của tỉnh đã đăng ký thường xuyên cập nhật lên hệ thống và có 610 chiếc tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản. Số tàu còn lại do đang nằm bờ để sửa chữa, nâng cấp, cải hoán nên chưa cấp phép.

Để phục vụ tốt công tác giám sát hoạt động đánh bắt xa bờ, tỉnh cũng đã đầu tư trang, thiết bị hoàn chỉnh tại trạm bờ và văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại Cảng cá Thuận An, đảm bảo vận hành phục vụ công tác kiểm soát tàu cá. Tính riêng năm 2022, các lực lượng tổ chức hơn 50 đợt tuần tra, kiểm tra tàu cá để kịp thời ngăn chặn khai thác IUU.

Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, hầu hết chủ tàu cá xa bờ chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, hoạt động khai thác đúng nghề, đúng tuyến. Các tàu đều được đánh số hiệu, lắp đặt thiết bị VMS, khi cập cảng được chỉ định để bốc dỡ hàng hóa đúng quy định. Điều này góp phần triển khai giải pháp chống khai thác thủy sản IUU một cách hiệu quả.

Mặc dù ý thức của ngư dân khá tốt nhưng cơ quan chức năng của tỉnh vẫn không chủ quan, lơ là trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của tàu cá đánh bắt xa bờ. Trong khi chưa triển khai ghi chép nhật ký điện tử thì nhiệm vụ giám sát hành trình, hoạt động khai thác biển nặng nề hơn. Mục tiêu của cơ quan chức năng trước mắt sử dụng thiết bị VMS để giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Đồng thời định vị, yêu cầu ngư dân ghi chép, khai báo đầy đủ các quy định về hoạt động khai thác xa bờ như vị trí ngư trường, sản lượng, loại hải sản, bán ở đâu...

Thời gian đến, tỉnh đầu tư thiết lập và đưa vào hoạt động hệ thống ghi chép nhật ký khai thác thủy sản điện tử, tạo điều kiện thuận lợi trong khai thác, cũng như quản lý tàu cá xa bờ, chống khai thác IUU. Hoạt động này rất có nghĩa và cần thiết khi bảo đảm các tàu cá khai thác xa bờ ứng dụng công nghệ số trong ghi chép nhật ký khai thác, hạn chế những sai sót, không chính xác khi ghi nhật ký khai thác bằng giấy.

Thực tế mô hình thí điểm tại một số tỉnh, như Bình Định trong thời gian qua cho thấy, nhiều tiện ích khi sử dụng hệ thống ghi chép nhật ký điện tử. Ngư dân chỉ cần ấn nút vào thiết bị có định vị vệ tinh, sau đó khai báo sản lượng đánh bắt; khi về bờ trích xuất dữ liệu từ thiết bị này trình cơ quan chức năng, giúp minh bạch vị trí, sản lượng, truy xuất nguồn gốc hải sản...

 

Bài, ảnh: Hoàng Thế