Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh là giải pháp hiệu quả, bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước bền vững. |
Mặc dù số thu nội địa đạt khá so dự toán, nhưng lại đang trong xu hướng giảm (thu tháng 1 đạt 14,7% dự toán; tháng 2 đạt 7,7%; tháng 3 đạt 8,9%; tháng 4 đạt 9,9%; ước thực hiện tháng 5 đạt 6,4%). Không kể thuế thu nhập doanh nghiệp, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại, thu chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thì số thu nội địa năm tháng bằng khoảng 97,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhiều địa phương có số thu thấp
Bộ Tài chính cũng cho biết, tới hết tháng 5, theo tổng hợp số thu theo địa bàn, đã có 17/63 địa phương thực hiện thu nội địa năm tháng đạt trên 48% dự toán; 13/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ, trong khi có tới 50 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ. Không những thế, hoạt động xuất, nhập khẩu tiếp tục giảm sút; lũy kế kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa có thuế đều giảm so cùng kỳ năm 2022.
Tới giữa tháng 6, số thu nội địa chỉ đạt 49,8% dự toán; thu từ dầu thô đạt 67,7% dự toán nhưng giá dầu thô thanh toán bình quân đạt 87,3 USD/thùng, cao hơn 17,3 USD/thùng so với giá dự toán; thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 48,9% dự toán. Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được bảo đảm. Tính đến ngày 15/6/2023, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành 168,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 12,2 năm, lãi suất bình quân 3,76%/năm.
Trước tình hình khó khăn của nền kinh tế và để thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách từ nguồn thu nội địa năm 2023, ngay từ đầu năm ngành tài chính đã phân tích, đánh giá cũng như tìm giải pháp cụ thể cần tập trung triển khai, đặc biệt là cần tập trung rà soát, xác định chính xác những nguồn thu còn tiềm năng, nguồn thu chưa khai thác hết, còn dư địa để tổ chức giao nhiệm vụ thu đến từng cán bộ, từng đơn vị, địa bàn.
Ðây là động thái rất cần thiết trong điều kiện ngành tài chính phải thực hiện nhiệm vụ kép: Vừa thu ngân sách, vừa thực hiện tốt các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế. Khi doanh nghiệp và người dân nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển ổn định, thì mới thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế, từ đó tạo nguồn thu bền vững cho NSNN. Chính vì thế, việc tập trung vào các giải pháp tìm kiếm nguồn thu, bù đắp một số khoản thu, sắc thuế có thể giảm được đặt lên hàng đầu song song với thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong toàn ngành.
Xác định chính xác nguồn thu tiềm năng
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Ðặng Ngọc Minh cho biết, đến hết tháng 5, có 12/20 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng thu so với cùng kỳ; 8/20 khoản thu, sắc thuế thu thấp hơn cùng kỳ năm 2022. Trong số này, đáng lưu ý là số thu lệ phí trước bạ ước chỉ bằng 72,5% cùng kỳ năm 2022, thu tiền sử dụng đất ước bằng 44,6%, tiền cho thuê đất, thuê mặt nước ước bằng 48,9%.
Ðiều này cho thấy, nếu số thu nội địa không dựa trên những nguồn thu chủ đạo (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân...) mà chỉ dựa vào tài nguyên đất, mặt nước... thì không phản ánh đúng bản chất tăng trưởng kinh tế cũng như sự bền vững trong hoạt động thu ngân sách.
Theo Tổng cục Thuế, toàn ngành thuế đã đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra thuế. Tính đến tháng 5, toàn ngành đã thực hiện được 14.727 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 18,38% kế hoạch năm 2023 (14.727 doanh nghiệp/80.132 doanh nghiệp) và bằng 121,1% so với cùng kỳ năm 2022; kiểm tra được 160.460 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, bằng 76,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 20.382 tỷ đồng, tăng tới 217,5% so với cùng kỳ năm 2022. Công tác thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế giá trị gia tăng thực hiện được 1.794 cuộc thanh tra, kiểm tra sau hoàn, tương ứng với tổng số tiền hoàn là 10.604 tỷ đồng. Tổng số thuế truy hoàn và phạt là 70,4 tỷ đồng.
Trong điều kiện khó khăn hiện tại, bám sát và đánh giá tình hình kinh tế trong nước, thế giới; phân tích, nhận định những tác động từ những chính sách tài khóa tiền tệ mà các nước thực hiện đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước để nhận diện đúng những rủi ro, Bộ Tài chính đã có nhiều kịch bản, giải pháp chủ động trong điều hành thu NSNN. Trong đó, ngành tài chính tiếp tục tổ chức quản lý thuế hiệu quả đối với các nhà cung cấp nước ngoài (rà soát, xây dựng danh sách, đôn đốc nhà cung cấp nước ngoài chưa thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; kịp thời giải quyết các vướng mắc để nhà cung cấp nước ngoài thực hiện nghĩa vụ thuế). Ngành cũng tập trung hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi một số quy định về hóa đơn, chứng từ; phối hợp hoàn thiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối chia sẻ dữ liệu để phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.
Bên cạnh đó, ngành tiếp tục triển khai các đề án điện tử hóa như: Dịch vụ nộp thuế đối với đất đai, hộ, cá nhân kinh doanh; khai, nộp lệ phí trước bạ điện tử đối với ô-tô, xe máy; thí điểm khai thuế điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà; đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ tra cứu, đăng ký, kê khai, nộp thuế điện tử cho người nộp thuế cá nhân. Ngành tài chính tập trung tuyên truyền, phổ biến sử dụng ứng dụng Etax Mobile; nghiên cứu phương án kết nối với các ngân hàng thương mại để có đầy đủ dữ liệu về người nộp thuế, bảo đảm kiểm soát đầy đủ thu nhập, nghĩa vụ thuế, tránh thất thu ngân sách nhà nước.
Cùng với công tác quản lý thuế đối với hóa đơn điện tử, ngành tài chính đẩy mạnh hoạt động thu thuế từ môi trường thương mại điện tử, đã có 55 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua cổng thương mại điện tử với số thu NSNN đến nay đạt gần 4.000 tỷ đồng (chủ yếu là thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp). Tại cổng tiếp nhận thông tin điện tử trong nước, đã có 329 tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin.