leftcenterrightdel
 Người dân đi bộ dưới thời tiết nắng nóng ở thành phố New York, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

El Nino, sự nóng lên của nhiệt độ bề mặt nước ở phía Đông và trung tâm Thái Bình Dương, có liên quan đến các điều kiện thời tiết cực đoan từ lốc xoáy nhiệt đới, mưa lớn, cho đến những đợt hạn hán nghiêm trọng.

Đáng chú ý, năm nóng nhất trên thế giới từng được ghi nhận là năm 2016, trùng với thời điểm xuất hiện của hiện tượng thời tiết El Nino mạnh, mặc dù các chuyên gia cho rằng, biến đổi khí hậu đã thúc đẩy nhiệt độ cực đoan ngay cả trong những năm không xuất hiện hiện tượng thời tiết này. Tuy nhiên, theo WMO, kỷ lục đó có thể sớm bị phá vỡ.

Trước đó vào tháng 5 vừa qua, tổ chức chuyên môn về khí tượng của Liên Hiệp Quốc cho biết, có khả năng cao là ít nhất 1 trong 5 năm tới, và cả giai đoạn 5 năm nói chung, sẽ là thời điểm nóng nhất được ghi nhận do hiện tượng El Nino và sự nóng lên toàn cầu.

Trong một cuộc phỏng vấn với các phóng viên ở thành phố Geneva (Thụy Sĩ), ông Wilfran Moufouma Okia, Trưởng phòng Dịch vụ dự báo khí hậu khu vực của WMO nhận định: “Thật khó để nói cho mọi người biết đó là năm nay hay năm tới. Những gì chúng ta biết là trong 5 năm tới, chúng ta có thể sẽ trải qua một trong những năm nóng nhất từng được ghi nhận”.

Trong một động thái liên quan hồi tháng trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay, cơ quan này đang chuẩn bị cho sự lây lan gia tăng của các bệnh do virus như sốt xuất huyết, Zika và chikungunya liên quan đến hiện tượng thời tiết El Nino.

Theo WMO, El Nino xảy ra trung bình cứ 2 - 7 năm, và có thể kéo dài từ 9 - 12 tháng. Hiện tượng thời tiết này thường liên quan đến lượng mưa tăng lên ở các vùng phía Nam của khu vực Nam Mỹ, phía Nam nước Mỹ, vùng Sừng châu Phi và khu vực Trung Á.

Trong quá khứ, hiện tượng thời tiết El Nino đã gây ra tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở Australia, Indonesia, một số khu vực ở Nam Á, Trung Mỹ và phía Bắc của Nam Mỹ.

LÊ THẢO (Lược dịch từ Reuters)