leftcenterrightdel
 Du khách tham quan Nhà lưu niệm Bác Hồ tại đường Mai Thúc Loan, phường Thuận Lộc, thành phố Huế. Ảnh: L. Quang

Luật Di sản Văn hóa quy định rõ: “Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác”. Theo đó, di sản văn hóa phi vật thể có 7 loại hình: Tiếng nói chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian. Đó là cơ sở khách quan, khoa học, toàn diện để nghiên cứu và nhận diện về di sản văn hóa phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chung, và di sản phi vật thể của Người ở Thừa Thiên Huế nói riêng.

Với cách hiểu và tiếp cận ấy, xin được góp thêm một số giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế.

Về bảo tồn, trên cơ sở thống kê, tổng hợp, phân loại di sản phi vật thể hiện có ở kho, trưng bày ở bảo tàng và ở 4 di tích thuộc hệ thống di tích quốc gia đặc biệt, cần tiếp tục tiến hành công tác sưu tầm, số hóa và tích hợp dữ liệu về di sản phi vật thể.

Về sưu tầm, trước tiên cần lập Đề cương sưu tầm bổ sung. Đề cương sưu tầm bổ sung, chủ yếu tập trung vào nội dung những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người ở Huế. Cụ thể là những sách, báo tư liệu cùng thời ở giai đoạn này có liên quan đến bối cảnh lịch sử, xã hội lúc bấy giờ, đã tác động đến nhận thức, tình cảm, hành động, hình thành tư tưởng yêu nước, để từ đó Bác Hồ quyết định ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.

leftcenterrightdel
Học sinh được nghe giới thiệu về di sản của Bác Hồ tại Nhà lưu niệm Dương Nỗ. Ảnh: MCX 

Tiếp đến là nội dung sưu tầm về Bác Hồ với Thừa Thiên Huế, Thừa Thiên Huế với Bác Hồ. Bác Hồ với Thừa Thiên Huế là những sách báo của Bác viết về Huế, về triều Nguyễn; các nhà vua triều Nguyễn yêu nước Duy Tân, Hàm Nghi, về Hoàng tộc, chính khách người Huế; những người con ưu tú của Huế ở cạnh Bác trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Thừa Thiên Huế với Bác, đối tượng và loại hình sưu tầm rộng và phong phú, đa dạng hơn, bên cạnh nguồn văn hóa dân gian viết về Bác, những hồi ký, bài viết của chính khách triều Nguyễn, của các nhà tri thức, cách mạng nổi tiếng của Huế, như: “Đường vào khoa học” của GS. Tôn Thất Tùng, GS. Phạm Ngọc Thạch, GS. Hồ Đắc Di, GS. Đặng Văn Ngữ…, đồng chí Hoàng Anh, nhà thơ Tố Hữu, đại tướng Nguyễn Chí Thanh… Đồng thời, tổ chức tiến hành sưu tầm theo đề cương bổ sung, lấy lực lượng nòng cốt là cán bộ nghiệp vụ có kinh nghiệm của bảo tàng; hợp đồng phối hợp sưu tầm với Khoa Sử của các trường đại học trên địa bàn... Xây dựng các bộ sưu tập theo loại hình cụ thể để tiện cho việc bảo quản, nghiên cứu và sử dụng.

Về giải pháp phát huy, bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế có mối quan hệ mật thiết. Do vậy, xin nêu một số giải pháp sau đây:

Cần tiến hành lập hồ sơ khoa học, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận việc bảo lưu và phát huy một sự kiện lịch sử đặc biệt “Đồng bào các dân tộc miền Tây Thừa Thiên Huế lấy họ Hồ của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm họ của mình” là Di sản phi vật thể quốc gia.

Tiếp tục nghiên cứu, biên soạn và xuất bản những ấn phẩm mới có hàm lượng khoa học cao hơn, như: cuốn sách về Những năm tháng Bác Hồ và gia đình ở Huế (rút gọn thành chuyên đề bài nói chuyện, bài giảng trong trường học); cuốn sách thơ Tố Hữu viết về Bác, hoặc các bài viết và trích đoạn hồi ký của các tác giả Thừa Thiên Huế viết về Bác Hồ.

Lập Đề án xây dựng kịch bản và sản xuất một bộ phim truyện về thời niên thiếu của Bác ở Huế. Phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức các hình thức hoạt động mới, để sáng tạo ra những giá trị di sản phi vật thể mới, như: Với Liên hiệp các Hội VHNT mở các trại sáng tác; Trường Quốc Học Huế chọn ngày sinh nhật Bác 19/5 hàng năm làm “Ngày Nguyễn Tất Thành” để chiếu phim tư liệu, thi tìm hiểu, kể chuyện về Bác cho học sinh; rút kinh nghiệm, và từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng Lễ hội làng Dương Nỗ...

Những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình ở Huế còn tạo ra sản phẩm tinh thần lắng đọng, phong phú và vang vọng, nhất là sau khi hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế được Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt, thì việc nghiên cứu, sưu tầm các di sản văn hóa phi vật thể về Người càng trở nên cấp thiết hơn, bảo tồn toàn diện giá trị di sản phi vật thể của Người là tình cảm và trách nhiệm không chỉ của riêng ai, mà của các cấp, các ngành, của toàn dân; trong đó, chủ yếu là của ngành văn hóa mà trực tiếp là Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế. Việc làm này cần kiên trì và sáng tạo, cho hôm nay và cả mai sau.

Lê Viết Xuân