leftcenterrightdel
Mặt trước của tờ 100 piastre (Một trăm bạc) với hình ảnh của Độc lư và Nghi môn 

Tiền Đông Dương là loại tiền được phát hành và lưu thông tại các xứ thuộc địa của Pháp ở Đông Dương từ năm 1885 đến năm 1954. Loại tiền này gồm 3 đơn vị: piastre (đồng vàng hay đồng bạc), centime (xu) và sapèque (đồng kẽm) với nhiều đợt phát hành và mệnh giá khác nhau. Riêng tiền giấy có các mệnh giá 10, 20, 50 cents và 1, 5, 10, 20, 50, 100, 200, 500 piastre. Điểm đáng chú ý là trong số các tờ tiền giấy Đông Dương, có 4 loại tờ tiền mang các biểu tượng gắn liền với các công trình kiến trúc, nghệ thuật thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế.

Đầu tiên phải kể đến tờ 100 piastre (Một trăm bạc), lưu hành trong giai đoạn từ 1923 - 1939. Tờ tiền này thường được gọi là “tờ lư” hay “tờ đỉnh lư” bởi mặt trước in hình chiếc độc lư màu vàng đồng, lồng ghép cùng hoa văn vẽ hình Nghi môn - công trình được thiết trí tại các hướng chính đi vào trung tâm của Kinh thành Huế.

Thứ hai là tờ 1 piastre (Một đồng vàng) lưu hành trong khoảng thời gian 1933 - 1949, gồm loại có số 1 màu xanh và số 1 màu đỏ. Ở mặt trước của tờ tiền này, ngoài hình ảnh người phụ nữ Bắc Việt đội mấn và mặc áo tứ thân còn có hình ảnh của Minh Lâu, một công trình thuộc lăng vua Minh Mạng, được xây dựng trong khoảng thời gian 1840 - 1843.

Thứ ba là tờ 20 piastre (Hai chục đồng vàng) lưu hành trong giai đoạn 1942 - 1945. Mặt trước của tờ 20 piastre vẽ hình chiếc khánh (lồng bên trong là số 20) và hình ảnh Kỳ đài cùng Thể Nhân môn (cửa Ngăn) và cửa Quảng Đức (cửa Sập). Đây là những cửa ở phía Nam Kinh thành Huế, chỉ dành cho vua và hoàng gia đi.

Cuối cùng là tờ 1 Piastre (1 đồng) do Viện phát hành Quốc gia Việt, Miên, Lào phát hành, lưu hành trong khoảng thời gian 1952 - 1954. Ở mặt sau của tờ tiền này là hình tượng kỳ lân chầu tại điện Thái Hòa. Đây là linh vật báo hiệu điềm lành, biểu tượng cho sự thông thái, trường thọ, cao quý và niềm hạnh phúc.

Liên quan đến cảnh sắc và con người Huế, trên tiền giấy Đông Dương còn có hình ảnh của sông Hương trên tờ tiền có mệnh giá 1 piastre (giấy một đồng vàng), lưu hành trong khoảng thời gian 1945 - 1947. Ngoài ra, cùng với hình ảnh Quốc trưởng Bảo Đại trên những tờ tiền có mệnh giá khác nhau, đáng chú ý là hình ảnh của cụ Ưng Tôn (hiệu là Thúc Thuyên), con Hiệp tá đại học sĩ Hường Thiết và là cháu nội của Tuy Lý Vương Miên Trinh. Một số tài liệu cho rằng, lúc cụ Ưng Tôn qua Pháp học về tài chính đã được Ngân hàng Đông Dương chụp hình và cho khắc in vào giấy bạc ở hai mệnh giá khác nhau: khắc bóng chìm ở tờ 100 đồng “đỉnh lư” như đã đề cập và trên tờ 100 đồng do Ngân hàng Trung ương Pháp (Banque de France) phát hành trong khoảng thời gian 1911 - 1914.

Mặc dù tiền giấy Đông Dương phản ánh một giai đoạn lịch sử đất nước bị phụ thuộc vào chính quyền thực dân, song, những hình ảnh của Huế, nhất là các công trình kiến trúc thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế trên các tờ tiền đã thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa cũng như giá trị sáng tạo vượt thời đại của mỹ thuật triều Nguyễn.

Trước mối đe dọa về một thế giới không còn sử dụng tiền mặt, nhìn lại đồng tiền Đông Dương cũng như những biểu tượng văn hóa trên các tờ tiền này, chúng ta không chỉ cần suy nghĩ thêm về ý nghĩa của việc sử dụng tiền mặt mà còn cả sự nhận thức về vai trò đặc biệt của di sản trong đời sống hiện tại.

Nguyên Ninh