1. Lâu ngày ghé thăm nhà ông anh ở đường TTDK (thành phố Huế), tôi ngạc nhiên khi thấy cửa đóng then cài. Phía bên ngoài ngổn ngang xe máy và cả rất nhiều rác rưởi nữa. Hỏi chuyện, anh nhăn mặt, mấy năm nay có ngôi nhà cao tầng mới xây bên cạnh cho một doanh nghiệp sản xuất thuê. Họ tổ chức một xưởng may đồ thể thao. Ban đầu xưởng sản xuất chỉ gói gọn trong 1 ngôi nhà, sau đó mở rộng ra thêm 3 nhà nữa, thành ra trở thành xóm may mặc.

leftcenterrightdel
 

 Tôi nhìn vào bên trong các ngôi nhà thấy máy móc, nguyên liệu (toàn là những loại vải vóc dễ cháy) chất đống. Tiếng máy chạy xè xè. Vào buổi trưa hè, trời nắng gắt, cả góc đường ngổn ngang. Ông anh tôi bảo, không dám mở cửa, phần bụi bay vào đầy nhà, phần nữa đóng cửa là để bớt ồn và cũng để an toàn bởi người làm rất đông, không biết tin ai bây giờ. Ông còn bảo, cái số tui nó khổ, hơn chục năm trước về mua đất xây nhà nơi đây vắng vẻ, không khí trong lành, bà con ghé lại ai cũng khen… khéo chọn chỗ. Còn bây giờ, cứ ước có tiền là dọn đi ở chỗ khác ngay (!)

2. Không chỉ có ước ao, cậu em vợ tôi ở đường LM, cùng chung cảnh ngộ, đã quyết định bán nhà ngay. Chuyện là khu phố, nơi cậu ở, gần đây rất phát triển. Dịch vụ nhà hàng, quán nhậu mở tưng bừng. Nhà cậu bị vây quanh nên cũng cả ngày kín mít. Cậu bảo, sợ nhất là tiếng nhạc cứ ngày đêm xập xình đến tận khuya, con cái không học hành chi được và vợ chồng lớn tuổi cũng khó chợp mắt ngủ. Bực bội nhất là buổi sáng thức dậy, cổng nhà hôi rình, mùi hôi nước đái. Chuyện là nốc rượu bia đầy bụng, không còn xem trời đất là chi nữa, thế là cứ ngang nhiên bao người tè bậy vào cổng, vào hàng rào nhà cậu, kêu trời không thấu!

Chuyện trò hàn huyên, cậu em bảo, ở ngay trung tâm thành phố ai chẳng thích. Con cái có điều kiện đi lại học hành, nhưng nằm ngay giữa “phố nhậu” thì quả đúng là cực hình. Không chỉ ồn ào, vệ sinh hôi hám mà còn là chuyện ăn nói, ứng xử văn hóa với bao từ ngữ tục tĩu và thô thiển. Mấy con nhỏ thường xuyên chứng kiến cảnh tượng nhậu nhẹt say sưa, nghe và tiếp xúc với bao lời tục tĩu sẽ bị ảnh hưởng. Vợ chồng cậu bàn tới tính lui, thấy không thể chần chờ được nữa nên cách nay 3 tháng quyết định bán nhà, chuyển chỗ ở để gia đình được yên thân.

3. Mấy năm gần đây, tôi có dịp đi du lịch ở nhiều nước lân cận. Ấn tượng lớn nhất là sự ngăn nắp và được quy hoạch rõ ràng với những khu chức năng riêng, dành cho dân cư, dịch vụ, sản xuất… Người dân ở tập trung tại những khu vực nhất định, trong các khu chung cư. Nhớ dạo đi Singapore cách đây gần 10 năm, tôi được hướng dẫn viên du lịch hướng dẫn thăm những khu nhà “triệu đô” và khu “đèn đỏ”.  Khu “triệu đô” là khu phố cũ với những ngôi nhà xưa còn lại như một điểm đến du lịch, con hiện tại người dân Singapore giàu có cũng không dám mơ có đất để dựng nhà, mà chủ yếu sinh sống tại những chung cư ở các khu quy hoạch tập trung. Còn khu “đèn đỏ”, chốn ăn chơi nổi tiếng với món cháo ếch, phải đi xa trung tâm cả chục cây số.

Trở lại với Huế. Dấu ấn của một thời đã qua còn lại đã đành với những con phố mang trên mình “đủ loại nhà”. Lâu nay, việc quy hoạch được nhắc đến rất nhiều và cũng đã nhiều đô thị mới hình thành không chỉ ở trung tâm mà còn lan tỏa ra những vùng ven đô. Thế nhưng, điều dễ dàng nhận thấy đó cũng đều là khu quy hoạch tổng hợp theo kiểu lồng ghép “nhiều trong một”, vừa ở vừa kinh doanh làm dịch vụ… Đô thị Huế do thế nhìn kỹ không khác mấy so với những phố huyện hay làng quê thời mở cửa. Những phố thị “xen canh” ra đời, gồng gánh đủ thứ loại hình lưu trú và kinh doanh dẫn đến bao hệ lụy đáng nói. Cơ sở sản xuất với những quy định bị bỏ qua, nhà hàng quán xá ồn ào, rồi cả những dịch vụ “nhạy cảm” như mát xa, nhà nghỉ… nằm ngay trong khu dân cư.

Gồng gánh thế kia, thiết nghĩ, khó tính chuyện xây dựng và phát triển đô thị hiện đại.   

Đan Duy