Cơ cấu giao dịch hàng hóa theo sản phẩm quý II năm 2023 |
Top 5 vẫn chiếm 80% thị phần môi giới
Theo số liệu từ MXV, thành viên nắm giữ thị phần môi giới giao dịch hàng hóa lớn nhất tại Việt Nam trong quý II/2023 là Công ty Cổ phần Giao dịch Hàng hóa Gia Cát Lợi, chiếm 22,5% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường.
Với sự tăng trưởng đột phá trong tháng 6, Công ty Cổ phần Saigon Futures đã vươn lên vị trí thứ 2, chiếm 21% thị phần. Công ty Cổ phần Giao dịch Hàng hóa TP Hồ Chí Minh (HCT) và Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Hữu Nghị (Finvest) lần lượt đứng ở vị trí thứ 3 và thứ 4 với 16,2% và 16%. Trong đó, Finvest là thành viên có tốc độ tăng trưởng giao dịch lớn nhất trong quý II, với mức tăng 136% so với quý I.
Lần đầu tiên lọt vào Top 5 thị phần môi giới hàng hóa tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Giao dịch Hàng hóa Sài Gòn Invest (SCE) đang nắm giữ 4,3% thị phần.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc thường trực MXV cho biết: “Trong quý II, khi giá hàng hóa nguyên liệu biến động mạnh, các thành viên hoạt động tuân thủ, bài bản, chuyên nghiệp đều có thị phần môi giới tăng trưởng tốt. Quy mô thị trường đang ngày càng mở rộng, nên cuộc đua cho vị trí dẫn đầu sẽ bao gồm hơn 10 thành viên, chứ không phải chỉ 3 – 5 thành viên như trước kia”.
Trong 6 tháng đầu năm, Gia Cát Lợi cũng là thành viên có thị phần lớn nhất cả nước, chiếm 23,3%. HCT, Saigon Futures và Finvest lần lượt đứng ở các vị trí tiếp theo với 20%, 19,4% và 11,7%.
Dầu thô WTI tiêu chuẩn soán ngôi
Lần đầu tiên trong vòng 1 năm qua, dầu thô WTI micro đã bị tụt xuống vị trí thứ 2 trong số 42 sản phẩm đang niêm yết giao dịch tại MXV, đạt 11,5% tổng khối lượng giao dịch.
Hợp đồng dầu thô WTI tiêu chuẩn đã vươn lên dẫn đầu danh sách, chiếm tới 16,9% khối lượng giao dịch toàn thị trường trong quý II. So với hợp đồng micro, hợp đồng tiêu chuẩn của dầu thô WTI có mức ký quỹ lớn gấp 10 lần (152 triệu/hợp đồng so với 15,2 triệu/hợp đồng). Vì thế, khối lượng giao dịch hợp đồng tiêu chuẩn nhiều hơn cho thấy dòng tiền đổ vào thị trường hàng hóa đang rất lớn.
Lần lượt đứng ở các vị trí phía sau là cà phê Arabica, đậu tương và dầu đậu tương với 10,4%, 8,4% và 5,5% khối lượng giao dịch. Các mặt hàng khác trong nhóm nông sản vẫn thu hút nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư tại Việt Nam, chiếm 5/10 mặt hàng được giao dịch nhiều nhất.
Trong khi đó, đồng micro vẫn đang là sản phẩm được giao dịch nhiều nhất trong nhóm kim loại, đạt 4,3%. “Mức ký quỹ nhỏ, chỉ hơn 14 triệu đồng; thời gian giao dịch 23 giờ mỗi ngày; giao dịch T0 với tính thanh khoản rất cao là các ưu điểm của đồng micro. Mặt hàng này rất phù hợp với các nhà đầu tư có quy mô vốn nhỏ và vừa, theo trường phái giao dịch ngắn hạn”, ông Quỳnh cho biết thêm.
Tiếp tục nâng cao “chất” của các thành viên
Trong quý II, MXV đã công nhận tư cách thêm 1 thành viên kinh doanh là Công ty Cổ phần Giao dịch Hàng hóa PTS Việt Nam (mã Thành viên 063). Đồng thời, MXV đã chấm dứt tư cách thành viên của 6 Công ty, bao gồm: Công ty TNHH Kết nối Thế giới Tương lai (005), Công ty TNHH An Lộc FSC Gia Lai (006), Công ty Cổ phần Giao dịch Hàng hóa VNF (010), Công ty TNHH Ishare Việt Nam (018), Công ty Cổ phần HiTrade (032) và Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư hàng hóa Hưng Thịnh Phát (038).
MXV đã xử lý 4 vi phạm đối với các thành viên từ hình thức cảnh cáo toàn thị trường trở lên. Đây là mức giảm mạnh so với 11 vi phạm trong quý I, cho thấy mức độ tuân thủ các quy định, quy chế của các thành viên đang ngày càng được nâng cao.
Tính đến đầu tháng 07/2023, MXV đang quản lý 30 thành viên kinh doanh và 2 thành viên môi giới, cùng các văn phòng, chi nhánh tại khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Trong mô hình quản lý 2 cấp của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam, các thành viên đóng vai trò rất quan trọng, là cánh tay nối dài giúp MXV quản lý và điều hành thị trường một cách chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả.
“Khi chất lượng các thành viên được nâng cao, thị trường giao dịch hàng hóa chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển cả về quy mô và hiệu quả”, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh khẳng định.