leftcenterrightdel
Cán bộ và học sinh tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh Huế. Ảnh: BTHCM 

Nói về Hồ Chủ tịch, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận xét: “Hồ Chủ tịch là người Việt Nam, Việt Nam hơn người Việt Nam nào hết”.

Đến năm 1987, UNESCO đã ban hành Nghị quyết 24C/1865, về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/1990). Trong đó, có đoạn viết: “Những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”. Qua nghị quyết này cho thấy, UNESCO đã ghi nhận sự đóng góp của Hồ Chí Minh không chỉ tầm dân tộc mà tầm nhân loại và thời đại.

Từ sự ghi nhận và đánh giá đó của các cá nhân và tổ chức quốc tế, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta khẳng định rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh “là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta giành thắng lợi”. Di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại thực sự là kho báu cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế hiện nay. Đó là di sản về chủ nghĩa yêu nước mà Người đã phát huy để Nhân dân Việt Nam thực hiện thành công sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước với hệ giá trị Thi đua là yêu nước và yêu nước thì phải thi đua; di sản về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc đã góp phần thức tỉnh Nhân dân Việt Nam đứng dậy đoàn kết thành một khối thống nhất để tranh đấu cho độc lập dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Đó là di sản về xây dựng Nhà nước của dân do dân và vì dân; di sản về đạo đức cách mạng, cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; di sản về xây dựng nền văn hóa mới, văn hóa trở thành phương châm, văn hóa soi đường cho quốc dân đi; là kho báu về thực hành dân chủ cho Nhân dân… Di sản này, cùng với chủ nghĩa Mác – Lênin trở thành nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.

Từ trong di sản của Hồ Chí Minh mọi chân giá trị của sự sáng tạo và đổi mới bao giờ cũng xuất phát từ điều kiện lịch sử, cụ thể của dân tộc mình để đứng vững và vươn tầm thời đại.

Thông qua nghiên cứu khai thác di sản Hồ Chí Minh, chúng ta thấy đó là cẩm nang cho nhận thức và hành động thực tế. Đó cũng chính là điều tạo nên triết lý đặc sắc của Người là triết lý hành động. Triết lý này, bắt nguồn từ di sản khởi đầu của C. Mác. Trong Luận cương về Phơbách, Mác từng khẳng định: “Các nhà triết học đã giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau, song vấn đề là cải tạo thế giới”. Theo đó, Hồ Chí Minh chủ trương không lập ngôn, lập thuyết mà cái chính là hướng vào hành động cách mạng như Người từng khuyên bảo cán bộ, đảng viên: “Nói việc gì thì nói rất giản tiện, mau mắn, chắc chắn như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ trang hoàng gì cả… chỉ nhằm vào mục đích: Cách mệnh! Cách mệnh! Cách mệnh!”. Đó chính là chiều sâu của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, như Người nói: “Mọi việc suy cho cùng là ở đời và làm người”; và Người khuyên chúng ta ở đời thì phải yêu nước, làm người thì phải thương dân, thương nhân loại bị áp bức. Chính vì vậy, mà Người xem việc phục vụ Nhân dân là một việc làm cao thượng.

Ngày nay, để lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước thành công, hoàn thành mục tiêu thời kỳ quá độ lên CNXH, Đảng ta nhấn mạnh mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách của Hồ Chí Minh. Chỉ có học tập và làm theo đạo đức và phong cách của Người mới làm cho dân tin, dân yêu và dân quý. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người mới xây dựng được một đội ngũ cán bộ đảng viên trong sạch, vững mạnh, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng trong sự nghiệp đổi mới hiện nay. Đó là di sản tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta và trở thành kho báu trong văn hóa dân tộc Việt Nam.

TS. Nguyễn Thế Phúc