leftcenterrightdel
Đồng diễn với áo dài Huế 

Hòa mình vào lễ hội

Chỉ hai ngày đầu tháng 7/2023, Huế liên tiếp tổ chức hai chương trình lớn là lễ hội Huế - Zumba Festival 2023 và Ngày Quốc tế Yoga tại Huế. Cả hai sự kiện đều thu hút hàng ngàn người tham gia, tạo nên một không khí sôi động, ấn tượng cho du khách và người dân. Chị Lê Thị Thu Hương, du khách từ TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Đến Huế mùa này, tôi và gia đình đã được hòa mình vào các lễ hội của Huế. Nhịp sống của Huế có lẽ đã khác trước, với nhiều màu sắc tươi mới hơn”.

Mùa thu năm nay ở Huế sẽ không trầm buồn. Đó là nhận định của nhiều người dân và du khách khi xem qua chương trình lễ hội mùa thu - Festival Huế 2023. Theo đại diện Trung tâm Festival Huế, trong ba tháng mùa thu, có khoảng 18 chương trình, hoạt động chính và 23 hoạt động hưởng ứng được tổ chức trải đều theo thời gian. Điểm nhấn của lễ hội mùa thu là lễ hội Áo dài gắn với tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế kết hợp các hoạt động: Vui Tết Trung thu với lễ hội đèn lồng, Ngày hội Lân và các hoạt động trưng bày, sắp đặt, rước đèn lồng, quảng diễn múa lân…

Ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Festival Huế cho biết, hình thức tổ chức của “Festival bốn mùa” đã thay đổi khá nhiều so với các kỳ festival trước đó. Không chỉ làm phong phú đời sống văn hóa của vùng đất Cố đô, mà mỗi du khách đến Huế vào mùa lễ hội sẽ là chủ thể, hòa vào các lễ hội. Trong kế hoạch tổ chức lễ hội bốn mùa, tỉnh đã định hướng lựa chọn những lễ hội tiêu biểu, vừa thể hiện nét văn hóa riêng, vừa có tính đại chúng, cộng đồng cao. Các chuỗi hoạt động từng mùa lễ hội trong năm được sắp xếp hợp lý, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Ngay trong tháng 7 này, du khách và người dân có thể trải nghiệm được những nét đặc sắc của lễ hội mùa thu, không chỉ ở địa bàn TP. Huế mà còn diễn ra ở các địa phương trong tỉnh. Đáng chú ý là lễ tri ân Võ vương Nguyễn Phúc Khoát và quảng diễn Áo dài, liên hoan nghệ thuật ca Huế, tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế năm 2023, lễ hội Áo dài, lễ hội “Hương xưa làng cổ” và Fetival Khoa học.

Một chuỗi các hoạt động hưởng ứng lễ hội mùa thu cũng được tổ chức trong tháng 7/2023. Cùng với lễ Tế đàn Âm hồn, du khách và người dân có thể trải nghiệm không gian gốm mỹ thuật Bát Tràng, triển lãm Châu bản triều Nguyễn, triển lãm sông núi Việt Nam trên Cửu Đỉnh. Mọi người cũng có thể tham gia cuộc thi ảnh du lịch “Tận hưởng mùa hè” hay đến với các triển lãm mỹ thuật mùa thu, triển lãm “Ký họa di sản Cố đô Huế 2023”. Sắc màu áo dài với các hoạt động sáng tác trải nghiệm, trưng bày trình diễn hay các hoạt động thể thao đặc sắc cũng là “thực đơn cho cảm giác” mà du khách đến Huế không nên bỏ qua.

leftcenterrightdel
Áo dài với nhiều hoạt động liên quan là điểm đặc biệt trong lễ hội mùa thu 

Nâng cao chất lượng phục vụ du khách

Sắc màu lễ hội mùa thu được đánh giá sẽ thu hút du khách khắp nơi về Huế. Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, Festival Thể thao Huế 2023 diễn ra đầu tháng 7 và ngày hội Áo dài Huế cùng với các hoạt động hưởng ứng hấp dẫn đã, đang và sẽ thu hút một lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, du lịch Thừa Thiên Huế, góp phần vào sự phục hồi chung của ngành du lịch tỉnh sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Đặc biệt, Nhà ga T2 - Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài vừa đưa vào hoạt động từ cuối tháng 4 và chính thức được khai trương vào ngày 17/6 vừa qua là một cơ hội tốt để ngành du lịch tỉnh chuẩn bị đón các dòng khách quốc tế đến từ một số thị trường truyền thống và tiềm năng.

Để chủ động thu hút khách, phát triển du lịch địa phương, ngành du lịch tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ du khách, đa dạng các trải nghiệm. Các lễ hội được xem như là những sản phẩm du lịch. Cách tổ chức, vận hành, quảng bá cũng như các sản phẩm du lịch.

Ngành du lịch sẽ chú trọng hướng đến thị trường của du lịch lễ hội. Để đạt hiệu quả cao, ngành du lịch cần phải đánh giá, đối với khách quốc tế thị trường khách chủ yếu của Huế, nhất là Thái Lan, Pháp, Úc, Đức, Mỹ, Anh, Hà Lan, Tây Ban Nha, Đài Loan, Malaysia… cùng nhiều quốc gia khác rất quan tâm đến vấn đề văn hóa. Ngoài ra, số lượng khách nội địa từ hai miền với nhu cầu, thị hiếu tìm hiểu về văn hóa khá cao. Đây là cơ sở để ngành du lịch cùng các ban, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu, quan tâm đầu tư đúng mức cho du lịch văn hóa, du lịch lễ hội, nâng cao chất lượng dịch vụ để hút khách.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC - ĐOAN TRANG